'Hai chị em, hai trận tuyến'

08/03/2015 05:43 GMT+7

“Tôi nghĩ các bà các mẹ trên hai trận tuyến bắc - nam dũng cảm đến thế, đảm đang đến thế vì họ đã đi qua chiến tranh với khát vọng hòa bình mãnh liệt”.

“Tôi nghĩ các bà các mẹ trên hai trận tuyến bắc - nam dũng cảm đến thế, đảm đang đến thế vì họ đã đi qua chiến tranh với khát vọng hòa bình mãnh liệt”.

Hầm trú bom của một xí nghiệp ở miền Bắc Hầm trú bom của một xí nghiệp ở miền Bắc - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ triển lãm

Đó là cảm xúc của NSND Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, khi chia sẻ về bức ảnh nữ diễn viên xiếc Tạ Thúy Ngọc với tiết mục chim bồ câu - biểu tượng hòa bình trong triển lãm Hai chị em, hai trận tuyến diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ VN tại Hà Nội do bảo tàng này cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Bảo tàng Nam Định phối hợp thực hiện nhân ngày 8.3 năm nay.

Một người đàn ông lớn tuổi tên Đoàn Thanh đứng rất lâu trước những bức ảnh chiếc xe tải chở hàng ở đường Trường Sơn năm nào. Cũng trên tấm pa nô ấy, những người thực hiện triển lãm đã phóng to một bức ảnh thẻ chụp cô thiếu nữ tóc tết đuôi sam Phùng Thị Viên. Cả câu chuyện phá bom bằng xe chở hàng của cô cũng được kể trên đó. Đêm cuối năm 1969 ấy, trên đường đưa hàng hóa vào chiến trường cho bộ đội ăn tết, đội xe gặp một quả bom từ trường. Trung đội trưởng Phùng Thị Viên, người đứng đầu đơn vị gồm 40 cô gái, khi đó quyết định lái xe tăng tốc vượt qua trước để kích bom nổ. Bom đã nổ rền, rất may chị còn sống. “Sau này chúng tôi nên vợ nên chồng. Vợ tôi (bà Viên - NV) cũng kể câu chuyện ngày đó. Nhưng xem cả một triển lãm thế này sẽ thấy rõ hơn cả một thời”, ông Thanh nói.

Bức ảnh chụp nghệ sĩ xiếc Tạ Thúy Ngọc - rất nổi tiếng vì khát vọng hòa bìnhBức ảnh chụp nghệ sĩ xiếc Tạ Thúy Ngọc - rất nổi tiếng vì khát vọng hòa bình

Hai chị em, hai trận tuyến kể về đội quân tóc dài ở tiền tuyến lớn miền Nam, phong trào Ba đảm đang ở hậu phương lớn miền Bắc. Chính xác hơn, đó là câu chuyện về những người phụ nữ có chồng, con ra trận, và chính các chị cũng tự mình ra trận theo cách của mình ở cả hậu phương lẫn tiền tuyến. Mất mát của họ cũng nhiều hơn tất cả cộng lại trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh. Những điều đó, hiện vật trong triển lãm đã thay lời để nói.

Những lá thư như “chiếc gậy chống” để người phụ nữ chờ chồng vịn vào đi qua cuộc chiến. Những chiếc áo các chị mặc khi xuống đường biểu tình đòi thống nhất. Hình dung qua tư liệu ảnh về tuyên truyền địch vận qua đài. Cuộc thi cấy, thi dệt chạy dài suốt phong trào Ba đảm đang. Hầm tránh bom của nhà máy miền Bắc. Chắc chắn, những hầm ngầm đó không chỉ cho bố mẹ trong ca trực, mà còn cho cả các cháu nhỏ. Những khu nhà đổ nát sau bắn phá. Bóng người đàn ông và 7 đứa con cùng mang khăn tang do mất vợ, mất mẹ khi kết thúc trận bom. Cả tấm giấy báo tử của chiến sĩ hy sinh tại mặt trận phía nam cũng có mặt trong triển lãm… Những chuyện cá nhân cụ thể được kể nắn nót, chi tiết, và do đó đem lại thật nhiều cảm xúc cho người xem.       

Triển lãm 50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng

Triển lãm chuyên đề khai mạc sáng 6.3 tại Bảo tàng Đà Nẵng do Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Hơn 150 tư liệu hình ảnh, hiện vật lần đầu tiên được trưng bày đã mang lại cho người xem cái nhìn khái quát về sự kiện hàng nghìn lính thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng 50 năm về trước (8.3.1965 - 8.3.2015) tại khu vực biển Xuân Thiều với mật danh Red Beach Two. Ngoài ra còn có những hình ảnh, hiện vật về phong trào đấu tranh nội đô của quân dân Đà Nẵng và tình hình chiến sự ác liệt ở những vùng phụ cận.

Ngay sau khi khai mạc triển lãm, Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng cũng đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm khoa học cùng tên, với sự tham dự của các chứng nhân một thời trực tiếp chứng kiến quá trình đổ bộ của lính Mỹ.

 An Dy

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.