Hai ông Nam của HTV & Hà Nội - Tôi và em

08/06/2010 10:12 GMT+7

(TNTT>) Phải nói ngay, ông Nam thứ nhất, người đã sinh ra Hà Nội - Tôi và em qua những vần thơ, chính là anh Huỳnh Văn Nam, cương nghị trong vai trò tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, mang thêm trong mình chất thi sĩ anh thừa hưởng từ người cha - "thi tướng rừng xanh" Huỳnh Văn Nghệ, tác giả của những câu thơ bất hủ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Ông Nam thứ hai, người thổi vào hồn bài thơ đầy hoài niệm về Hà Nội này chính là nhạc sĩ Nguyễn Nam, tác giả của những ca khúc quen thuộc: Xa rồi mùa đông, Dịu dàng sắc xuân, Người trễ hẹn mùa xuân (phổ thơ Cao Quảng Văn)... Anh cũng là trưởng Ban ca nhạc của HTV. Thế là gặp nhau, tâm đầu ý hợp, cho ra đời thêm một sáng tác về Hà Nội, là một tình khúc.

Có lẽ cái chất lãng đãng, thanh nhàn mà dịu nhẹ của Hà Nội vào thu nó có men say, khiến bao nhiêu tác phẩm về Hà Nội mùa thu đều nghe hay và lãng mạn! Hà Nội - Tôi và em cũng thế. Không quá u sầu như cái lạnh mùa đông Hà Nội, tiết thu man mác, gợi nỗi vương vấn cho những ai đã rời xa chốn ấy... Với Huỳnh Văn Nam, cả một thời hoa niên - gần 20 năm gắn liền với mảnh đất này hình như cũng đã đủ cho anh xem đây như quê hương thứ hai của mình, để đâu đó bật lên trong cái giật mình thảng thốt: “Hà Nội giờ ra sao/Trong này bao nỗi nhớ...”. Là tiếng gọi mùa thu trở về, dẫu đã “ra đi một nửa”.

Có bao nhiêu người có thể da diết gọi “Hà Nội của tôi ơi...!”? Nhớ lắm là những gì rất thân thương, rất gần, rất Hà Nội. Là sông Hồng mùa thu lộng gió. Là xanh thắm nước hồ Gươm. Là cốm hàng rong lao xao ngõ phố, là cái chân tình chỉ những người sống lâu năm ở Hà Nội, khí trời và văn hóa Hà Nội chảy tràn trong huyết quản, mới cảm nhận được hết.

Và dường như trên hết, là... đôi mắt của một người, cái thời hoa niên xa xăm đó. Chẳng là gì, cũng đủ để những người trung niên bâng khuâng nhìn về... “Tình cuối hay tình đầu/Còn mãi là Hà Nội”. Thời gian, thời cuộc, bạn bè xưa ai mất ai còn cũng trở thành nỗi nhớ!

Chất bảng lảng trong Hà Nội - tôi và em không dưng gợi nhớ cái mơ hồ mà se sắt của thơ Thanh Tùng: “Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi...”. Có lẽ sự tương hợp giữa nhạc và thơ nó luôn nằm trong mối giao cảm như thế, nên Nguyễn Đình Bảng mới có bài Thời hoa đỏ nao lòng... Còn ở đây, là sự mênh mang đất trời và nỗi nhớ Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Nam chọn cung rê thứ và tiết nhịp 6/8 nhẹ nhàng để “đẩy” mùa thu đi, trôi theo nỗi nhớ, trôi theo những hoài niệm... Tiếng hát Đức Tuấn nghe cũng như say.

Chỉ có điều, bây giờ đang giữa mùa hè, nóng quá chừng nóng, sao lại nảy ra bài hát về mùa thu Hà Nội thế này? Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Nam, anh cười hề hề, cái cười quen thuộc: “Bài thơ “ông” Nam kia tức cảnh sinh tình hồi mùa thu năm ngoái, tôi đọc đã thấy thích, mà giờ, trong cái nóng nực muốn điên người, tự nhiên thèm... được sống ở mùa thu Hà Nội!”.

Thế mới hay, cái duyên ra đời của những bài hát nhiều khi nó cũng ngồ ngộ như thế!

Cẩm Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.