Hết thuốc chữa mới nên hạ giải chùa Cầu

17/09/2016 10:00 GMT+7

Đến giờ thì chùa Cầu yếu lắm rồi, nên việc tìm giải pháp giúp nó đừng sụp đổ và khỏe ra là hết sức cấp bách.

Tròn một tháng sau hội thảo quốc tế Trùng tu chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp được tổ chức tại Hội An (Quảng Nam), nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vẫn tâm tư, khi đa số ý kiến các nhà khoa học tại hội thảo cho rằng nên hạ giải toàn phần cây cầu gần 400 năm tuổi này để trùng tu.
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sự (ảnh) về vấn đề trên.
* Thưa ông, với tư cách là người nhiều năm gắn bó với việc bảo tồn các di tích của Hội An, ông nghĩ gì về giải pháp hạ giải chùa Cầu để trùng tu?
Hết thuốc chữa mới nên hạ giải chùa Cầu
Nguyễn Sự Ảnh: Đ.T
- Tôi nghĩ thế này, đã là di tích thì việc xuống cấp là bình thường. Huống chi chùa Cầu đã trải qua 4 thế kỷ, chịu bao tác động của thời gian, thiên tai, con người, giao thông… Đến giờ thì chùa Cầu yếu lắm rồi, nên việc tìm giải pháp giúp nó đừng sụp đổ và khỏe ra là hết sức cấp bách. Tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực liên quan là rất cần thiết, và các ý kiến khác nhau đều rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, để đi đến một giải pháp trùng tu hiệu quả thì các ý kiến trong một hội thảo là chưa đủ. Cần phải có một nghiên cứu, khảo sát hết sức kỹ lưỡng mới có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, lâu dài.
* Nhưng trong hội thảo hồi tháng 8 vừa qua cũng đã công bố nghiên cứu hiện trạng chùa Cầu của nhóm các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), và qua đó, một nhà khoa học của trường này đã đề xuất hạ giải kết cấu bên trên của chùa Cầu?
- Đó mới chỉ là nghiên cứu trên phương diện xây dựng và kết cấu. Ý tôi muốn nói đến một nghiên cứu trên phương diện trùng tu di tích. Trùng tu di tích có “bài” riêng của nó. Cần phải khảo sát, ghi chép lại một cách căn cơ từng cái vít, từng cái mộng, từng thanh gỗ, từng hoa văn…, rồi xem xét xem nó hỏng chỗ nào, xuống cấp chỗ nào, cần sửa chỗ nào, khi đó mới lên phương án sửa chữa, hạ giải từng phần hay hạ giải toàn bộ. Nếu chưa xem xét kỹ mà đã hạ giải thì theo tôi là không bình thường và vội vàng.
Hết thuốc chữa mới nên hạ giải chùa Cầu 2
Dầm thép bị gỉ, đứt gãy cảnh báo mất an toàn Ảnh: Nhóm nghiên cứu ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng
* Như vậy có vẻ ông không ủng hộ phương án hạ giải chùa Cầu?


Trùng tu phải làm sao để di tích khỏe ra chứ đừng trẻ ra. Tôi lo là lo chùa Cầu bị trẻ hóa



- Chùa Cầu giờ như một ông già 400 năm tuổi, sao tránh khỏi lúc trái gió trở trời xương cốt ổng nhức chỗ này mỏi chỗ kia. Kiểm tra coi ổng đau làm sao, rồi xương nào gãy thay được thì thay xương đó, xương nào bó bột được thì bó bột, chỗ nào cần ghép thì ghép. Chứ đừng vì vài cái xương đau mà dỡ toàn bộ con người ổng ra.
Khi nào hết thuốc chữa mới nên hạ giải chùa Cầu. Hãy coi đó là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác. Bởi dỡ ra rồi, sửa phần kết cấu bên dưới thì được rồi, nhưng đến lúc ghép lại, liệu những phần trên như mái ngói, hoa văn, họa tiết… đã có từ lâu - những cái tạo nên hồn của di tích - có còn giữ được nguyên vẹn hay không? Trùng tu phải làm sao để di tích khỏe ra chứ đừng trẻ ra. Tôi lo là lo chùa Cầu bị “trẻ hóa”.
* Một khi đã có đề xuất trùng tu di tích, hẳn các nhà khoa học cũng đã tính đến điều đó, hơn nữa hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản - những người vốn được đánh giả rất giỏi, rất tỉ mỉ trong việc trùng tu?
- Trong hội thảo các nhà khoa học cũng chia sẻ lo lắng của tôi, và họ bảo rằng kỹ thuật hiện đại làm được hết. Tôi không nghi ngờ khoa học, nhưng tôi cũng đã thấy biết bao di tích ở ta bị biến dạng sau khi trùng tu. Do đó, việc đặt lại vấn đề này cũng là góp phần để chúng ta cẩn trọng hơn trong công tác trùng tu một di tích mang tính biểu tượng của Hội An.
Hết thuốc chữa mới nên hạ giải chùa Cầu 3
Các dầm gỗ bên dưới sàn cầu bị mục sâu
* Trong 7 đợt sửa chữa, tu bổ chùa Cầu trước đây, ông có tham gia đợt nào không?
- Tôi có tham gia chỉ đạo gia cố chùa Cầu năm 1996. Giờ nhìn lại thì thấy mình đúng là làm liều. Lúc ấy phần hạ bộ của cây cầu bị nghiêng rất nguy hiểm. Tôi đã cho cấp tốc triển khai biện pháp chống đỡ cho phần này, mà chả hề hỏi ý kiến của các nhà khoa học. Dù sau đó cây cầu vững chắc hơn, việc gia cố kia không hề ảnh hưởng gì tới thẩm mỹ và kết cấu cây cầu nhưng tôi cũng hú vía - nó mà đổ sụp xuống thì tôi không biết chạy đâu cho hết tội. Sau đó năm 1999, tôi đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học VN và Nhật Bản về việc trùng tu chùa Cầu.
* Tuy nhiên không phải di tích nào cũng đủ khỏe mạnh để chờ đợi chúng ta khảo sát, rồi hội thảo, rồi lên phương án trùng tu…
- Đúng vậy. Do đó, song song với việc triển khai khảo sát như tôi nói ở trên, Hội An cần cấp bách thực hiện các biện pháp để giảm xung động của con người tác động lên chùa Cầu, như hạn chế số lượng người cùng lúc có mặt trên cầu, chuẩn bị các phương án bảo vệ cầu trước khi mùa mưa lũ đến...
Xin cảm ơn ông.
Ý kiến
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia: “Chùa Cầu trước nay chỉ được duy tu, bảo dưỡng, gia cố, chống xuống cấp mang tính chất tình thế, nên các nguyên nhân tác động đến công trình, cơ bản vẫn chưa được xử lý triệt để. Do đó cần đặt vấn đề hạ giải, loại bỏ những cấu kiện không thể tái sử dụng để có biện pháp triệt để, tạo độ bền vững, an toàn cho di tích”.
KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL): “Khi bắt tay vào trùng tu, đặc biệt bằng phương pháp hạ giải, ngoài yêu cầu kỹ thuật đồng bộ, hiện đại còn phải tính đến sự xáo trộn nhất định đối với di tích, đối với cộng đồng dân cư, dư luận xã hội. Phải minh bạch quy trình, phương án và coi đây là dự án đặc biệt, đơn vị tham gia trùng tu phải có trách nhiệm cao, tôn trọng tư vấn, góp ý của các chuyên gia quốc tế, chứ không có chuyện kêu gọi đấu thầu, định giá trùng tu...”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh: “Việc trùng tu chùa Cầu phải được tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Cùng với quan điểm hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ đã xuống cấp nặng, gia cố vững chắc hệ móng, cần có giải pháp kỹ thuật yêu cầu đảm bảo nguyên tắc trùng tu bảo tồn, chất lượng di tích, quan tâm đến hậu trùng tu. Đây là dự án đặc biệt nên giao cho các đơn vị có năng lực, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Trong quá trình trùng tu, sẽ liên tục tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý, đặc biệt là UNESCO”.
An Dy
(ghi nhận tại hội thảo Trùng tu chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.