Hoa phượng về trời

05/04/2012 03:12 GMT+7

Những ai yêu mến nhạc sĩ của Nỗi buồn hoa phượng đã thấy hơn cả nỗi niềm “man man buồn”, khi nghe tin nhạc sĩ qua đời.

Những ai yêu mến nhạc sĩ của Nỗi buồn hoa phượng đã thấy hơn cả nỗi niềm “man man buồn”, khi nghe tin nhạc sĩ qua đời.


Nhạc sĩ Thanh Sơn -  Ảnh: T.L  

Vì tuổi già, sức yếu, nhạc sĩ Thanh Sơn đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.4, thọ 74 tuổi. Phải nói, hiếm có nhạc sĩ nào như nhạc sĩ Thanh Sơn khi những sáng tác của ông không dành cho riêng ai, nhưng thế hệ nghệ sĩ nào cũng chọn hát và khán giả dù tầng lớp nào, bình dân hay sang trọng, cũng đều yêu thích và “thuộc nằm lòng” những ca từ chất chứa cái “tình” về thân phận, về quê hương, cuộc sống.

Nhạc sĩ Thanh Sơn là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về hoa phượng, mùa hè nhất, trong đó có ca khúc quen thuộc của không biết bao nhiêu thế hệ người Việt - Nỗi buồn hoa phượng, với câu hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…”. Không chỉ nổi tiếng với ca khúc này, trước 1975, nhạc sĩ Thanh Sơn còn đi vào lòng người với những ca khúc nổi tiếng không kém khác như Nhật ký đời tôi, Lưu bút ngày xanh, Phượng buồn, Hát nữa đi em, Đoản xuân ca, Thương ca mùa hạ, Bài ngợi ca quê hương… Sau năm 1975, nhạc sĩ Thanh Sơn chuyển đề tài sáng tác, viết nhiều về quê hương miền Tây Nam bộ với những ca khúc phổ biến như: Gợi nhớ quê hương, Hình bóng quê nhà, Hành trình trên đất phù sa, Hương tóc mạ non… Ông cũng từng làm biên tập cho Trung tâm Rạng Đông từ năm 2000, và dìu dắt rất nhiều ca sĩ vào nghề.

Tháng 4.2011, nhạc sĩ Thanh Sơn bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Ai cũng mong ông mau chóng qua khỏi thời kỳ khó khăn nhất, sức khỏe mau bình phục, thế nhưng, do bệnh quá trầm trọng nên ông đã bị liệt nửa người. Từ đó đến nay, nhạc sĩ Thanh Sơn vẫn chưa phục hồi hết và chiều qua, ông đã vĩnh viễn chia tay với cuộc đời, với nhiều thế hệ khán giả yêu thích dòng nhạc mang âm hương dân ca, trữ tình quê hương.

Nhạc sĩ Thanh Sơn sinh năm 1938 tại Sóc Trăng, tên thật là Lê Văn Thiện. Năm 1955, ông lên Sài Gòn học nhạc với nhạc sĩ Lê Thương, vừa cùng mẹ đi làm công vừa tìm cơ hội đến với âm nhạc. Năm 1959, Lê Văn Thiện đánh bạo ghi tên tham dự cuộc thi hát do Đài phát thanh Sài Gòn tổ chức. Không ngờ, ông được giải nhất và được mời đi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, rồi vào Đoàn văn nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Trong thời gian là thành viên của Đoàn văn nghệ Việt Nam, Thanh Sơn có may mắn được gần gũi với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ để rồi bắt đầu nhen nhóm ý định sáng tác. Năm 1962, tác phẩm đầu tay Tình học sinh của Thanh Sơn ra đời. Một năm sau, bài Nỗi buồn hoa phượng ra mắt, lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác.

Với gia tài trên 200 bài hát, cống hiến cả đời cho âm nhạc, chắc chắn cái tên nhạc sĩ Thanh Sơn và những ca khúc nổi tiếng của ông sẽ mãi còn được nhiều thế hệ nghệ sĩ hát lên và cả nhiều thế hệ khán giả tiếp nữa sẽ còn lưu luyến, đồng cảm khi lắng nghe.

Linh cữu của nhạc sĩ Thanh Sơn đang được quàn tại nhà riêng, địa chỉ: 100/40/14 đường Đinh Tiên Hoàng, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ động quan lúc 6 giờ 30 ngày 9.4, sau đó đưa đi an táng tại Công viên Nghĩa trang Bình Dương.

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.