Họa sĩ Thành Chương cùng duyên nợ với trâu

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
11/02/2021 15:00 GMT+7

Nhắc đến họa sĩ Thành Chương, người yêu nghệ thuật không khỏi nhớ đến các tác phẩm, tượng nghệ thuật mang hình ảnh con trâu với kiểu tạo dáng sinh động đậm chất riêng.

Có lẽ không một họa sĩ Việt Nam nào lại yêu quý và trung thành với hình tượng con trâu suốt mấy chục năm sáng tác như họa sĩ Thành Chương. Nói một cách khác, trâu đã trở thành một thương hiệu riêng nhận diện tác phẩm của ông.
Con trâu được ưu ái xuất hiện trong phần lớn các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Thành Chương với nhiều chất liệu, từ tranh ký họa, bột màu, sơn mài, sơn dầu, đến cả các tượng trâu dát vàng, dát bạc hoặc phủ sơn với những nét tạo hình dứt khoát, mạnh mẽ, cách điệu đơn giản theo phong cách phương Tây hòa quyện văn hóa Việt cùng các gam màu tươi sáng, rực rỡ, đem lại hiệu quả thị giác mạnh mẽ, đậm chất riêng không thể trộn lẫn.

Họa si Thành Chương say sưa đưa hình ảnh con trâu quen thuộc vào các tác phẩm nghệ thuật

Ảnh: NVCC

Là một người say mê văn hóa dân gian Việt Nam từ thuở bé và luôn đeo đuổi nó như ngấm vào máu thịt, họa sĩ Thành Chương coi con trâu là một thành viên quen thuộc trong gia đình người nông dân Việt Nam. Trâu xuất hiện liên tục trong các tác phẩm của ông, lúc xuất hiện hiền hòa bên cạnh đám trẻ mục đồng, lúc sôi nổi cùng nhảy múa đầy sức sống, lúc độc diễn thành nhân vật chính mạnh mẽ, đầy tự tin.
Với người nông dân Việt Nam, con trâu từ bao đời nay luôn là một tài sản lớn có giá trị, quyết định sản xuất, quyết định sự sinh tồn của cả một gia đình đúng như câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hình ảnh con trâu luôn thân thuộc trong các tác phẩm văn hóa nghệ thuật từ thơ ca, văn học, mỹ thuật, phim ảnh… suốt nhiều đời nay, được nhiều thế hệ bạn đọc, bạn yêu nghệ thuật chấp nhận rất tự nhiên như vốn lẽ là vậy. Hình ảnh con trâu trong các tác phẩm của họa sĩ Thành Chương cũng không hề khác biệt so với hình ảnh con trâu trong đời thực. Chúng cũng hiền hòa như thế bên đám trẻ mục đồng. Đàn trâu ngồi dưới trăng, trên cánh đồng, thậm chí nằm im hiền hòa nghỉ ngơi… cũng được họa sĩ thể hiện rất đỗi quen thuộc, rất đỗi thân thương và đậm chất nông thôn Bắc bộ.

Tranh sơn mài Tân Sửu, họa sĩ Thành Chương, 2021

Ảnh: NVCC

Nhưng trên hết, với bản tính hiền lành, không quản nhọc nhằn gió sương ngày đêm lầm lũi cày bừa trên ruộng, hình ảnh con trâu còn có thể được coi là hình tượng hóa của chính người nông dân Việt “suốt ngày cắm mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đức tính cần cù, nhẫn nại, chăm chỉ, siêng năng, hăng say lao động của người nông dân Việt luôn gắn liền với hình ảnh con trâu cũng là vậy. Họa sĩ Thành Chương hơn ai hết đã cảm nhận được nhiều tầng lớp ý nghĩa về thân phận, về cuộc đời của người nông dân Việt Nam qua hình ảnh nhân cách hóa con trâu và sử dụng hình tượng con trâu vào phần lớn tác phẩm của mình để tăng thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa.

Tranh của họa sĩ Thành Chương

ẢNH: NVCC

Ngắm trâu trong tác phẩm của họa sĩ Thành Chương, chúng ta còn thấy được cả một tuổi thơ rưng rưng tràn về. Nơi đó bên các ụ rơm vàng còn thơm mùi nắng mới là những trò chơi tưng bừng của đám trẻ chăn trâu. Chúng nhảy múa, chúng hát ca, chúng chơi trốn tìm, hoặc đánh khăng đánh đáo, thậm chí thanh bình với giấc ngủ chiều bên trâu, hoặc núp dưới bụng trâu như tìm sự chở che an lành. Trong mọi hoạt động của đám trẻ mục đồng chắc chắn không thể thiếu được hình ảnh con trâu. Nói một cách khác, tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em nông thôn không thể thiếu được hình ảnh người bạn trâu thân thương và trung thành. Người bạn đó đã lặng lẽ chứng kiến sự trưởng thành của từng đứa trẻ cho đến khi chúng lớn lên và rời xa làng quê từng người một. Họa sĩ Thành Chương có lẽ cũng là một trong số những đứa trẻ đó.

Tượng gốm Mục đồng, họa sĩ Thành Chương, 2021

Ảnh: NVCC

Ông sinh tại tỉnh Hà Bắc vào cuối năm 1948, và chuyển lên Hà Nội sống cùng gia đình từ năm 1954. Tuy chỉ sinh sống tại vùng quê chịu tác động sâu sắc của văn hóa Kinh Bắc này vỏn vẹn có 5 năm nhưng họa sĩ tài hoa này đã đủ ấn tượng để gợi nhớ mãi về một tuổi thơ hạnh phúc và bình yên. Có lẽ cũng chính vì vậy ông thường xuyên đưa hình tượng trâu vào các tác phẩm của mình nhằm ngõ hầu được quay trở lại thuở ấu thơ ở miền quê thanh bình mà ngắn ngủi kia.

Các bức tượng trâu của họa sĩ Thành Chương được nhiều người yêu thích

Ảnh: NVCC

Ngắm tranh trâu của ông, những người yêu nghệ thuật không khỏi nảy sinh nhiều cảm xúc: thân thương, hạnh phúc, thương nhớ, thậm chí đầy tâm trạng bởi những ký ức tuổi thơ tràn về. Những ký ức tươi đẹp đó, những năm tháng đầu đời trong trẻo đó mãi mãi không thể quay lại với cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ có thể tiếc nuối ngắm nhìn chúng qua ký ức, để rồi nhoẻn miệng cười hạnh phúc khi bắt gặp chính mình, hoặc bạn bè mình qua những bức tranh trâu gợi nhớ về tuổi thơ của họa sĩ Thành Chương. Để từ đó, chúng ta thấy vui vẻ vì được an ủi, vì được xoa dịu, được vỗ về bởi một tình yêu thương thân thuộc. Nỗi nhớ quặn thắt về một thời thơ ấu thanh bình, tươi vui lại càng được cảm nhận rõ rệt qua những gam màu tươi sáng, sống động cùng hình ảnh chú trâu bên cạnh đám trẻ mục đồng với các nét vẽ gọn gàng, dứt khoát, mạnh mẽ, đơn giản mà tinh tế.
Có lẽ bởi quá yêu văn hóa dân gian và chịu nhiều ảnh hưởng của cha mình – nhà văn Kim Lân, họa sĩ Thành Chương đã tự trang bị một bề dày văn hóa kỹ càng, một vốn sống phong phú đầy ắp tình yêu thương tha thiết đối với quê hương, đất nước và con người Việt. Để từ đó, ông sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đậm hồn Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.