Hồi niệm về Horst Faas

14/05/2012 08:42 GMT+7

Tin phóng viên ảnh huyền thoại Horst Faas - người đã góp phần giúp thế giới nhìn thấy bức ảnh Em bé napalm của Nick Út - qua đời vào ngày 10-5 vừa qua là một chấn động đối với nhiều người.

Tin phóng viên ảnh huyền thoại Horst Faas - người đã góp phần giúp thế giới nhìn thấy bức ảnh Em bé napalm của Nick Út - qua đời vào ngày 10-5 vừa qua là một chấn động đối với nhiều người.

Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam ở thế kỷ 20 được ghi nhận là cuộc chiến đầu tiên trên thế giới mà những hình ảnh tra tấn dã man, đốt phá, bắn giết... phi nghĩa theo báo chí, truyền hình lan truyền đến mọi căn phòng của công dân Mỹ và thế giới, khiến chính quyền Mỹ phải tím tái mặt mày. Ðây là lần đầu tiên những hình ảnh, thông tin... từ các phương tiện truyền thông có ý nghĩa quyết định đến kết quả của cuộc chiến.

Nhiều phóng viên chiến trường lừng lẫy như Robert Capa, Larry Burrows, Dickey Chapelle, Henri Huet, Kyoichi Sawada... đã ngã xuống giữa cuộc chiến. Với những người còn sống qua chiến tranh và nổi tiếng như Horst Faas, Nick Út, Tim Page, Eddie Adams..., thế giới vừa chia tay Eddie Adams năm 2004 và giờ đây là Horst Faas.

 Hồi niệm về Horst Faas 1
Horst Faas (trái) và Nick Út - Ảnh: AP

Thế giới biết đến Horst Faas như một tên tuổi lẫy lừng, người từng đoạt hai giải Pulitzer danh giá. "Faas là một trong những tài năng lớn nhất của thời đại chúng ta, một phóng viên ảnh dũng cảm, một biên tập viên can đảm, người đã tạo nên một số hình ảnh có sức bùng nổ nhất thế kỷ" - Kathleen Carroll, biên tập viên ảnh cao cấp của Hãng tin AP, nhận định. Ngoài ra, còn có những mỹ từ như "người khổng lồ của giới nhiếp ảnh", "một tài năng lạ thường"... mà đồng nghiệp thế giới dành cho ông.

Riêng với Nick Út, Horst Faas có một mối quan hệ, quan tâm đặc biệt: "Ông ấy với tôi có lẽ có một mối quan hệ khăng khít hơn mọi người. Ông hay gọi tôi là con trai, và tôi cũng gọi ông là cha. Tôi luôn coi ông như một người cha của mình".

Từ Mỹ, Nick Út nói rằng khi hay tin Horst Faas qua đời, ông bán tín bán nghi lập tức gọi đến nhà Horst Faas ở Ðức để hỏi nhưng không ai bắt máy. Hãng tin AP - nơi Horst Faas phục vụ trước khi về hưu - cũng kiểm chứng lại nguồn tin. Sau đó, Nick Út nhận được tin nhắn từ con gái của Horst Faas xác nhận cha cô đã qua đời.

Các hãng tin AP, BBC News... bắt đầu dồn dập phỏng vấn Nick Út - người đã được chính Horst Faas nhận vào làm cho Hãng AP trước năm 1975, cũng là người quyết định đăng bức ảnh Em bé napalm nổi tiếng của ông. Nick Út nghẹn ngào nói: "Khi nghe tin ông mất, tôi đã khóc như vừa mất một người cha!...".

Trong số những bức ảnh mà Horst Faas (lúc đó là trưởng bộ phận ảnh của Hãng tin AP tại Sài Gòn từ năm 1962-1970) xét duyệt có hai bức ảnh rất nổi tiếng. Bức thứ nhất là ảnh Eddie Adams chụp tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu tù nhân Bảy Lốp tại Chợ Lớn trong chiến dịch Mậu Thân 1968, bức thứ hai là ảnh Nick Út chụp em bé bị bom napalm ở Tây Ninh năm 1972. Về bức ảnh Em bé napalm, Nick Út nhớ lại: "Lúc đó, Horst Faas và Peter Arnett đi ăn trưa về, thấy bức ảnh còn để trên bàn, ông Faas mới hỏi tại sao chưa gửi đi. Một số biên tập viên ảnh nêu lý do là ảnh bé gái trần truồng nên không thể gửi đi, vì như vậy là vi phạm điều cấm lúc bấy giờ. Trong trường hợp sử dụng, họ yêu cầu phải retouch (giống như kỹ thuật photoshop bây giờ) để che bé gái trần truồng đi. Một cuộc tranh cãi đã nổ ra, cuối cùng Horst Faas đã gạt phăng tất cả ý kiến cản trở. Một giờ sau, bức ảnh đã được gửi về New York".

"Cuộc đời tôi tri ân ông Horst Faas. Nếu không có quyết định của ông, chắc bây giờ bức ảnh của tôi cũng sẽ chỉ nằm trong một mớ tài liệu nào đó, Nick Út và Nguyễn Thị Kim Phúc cũng không có được ngày hôm nay" - Nick Út xem mình đã nợ Horst Faas một mối ân tình như vậy. Giờ đây, nhớ đến bức ảnh Em bé napalm, người ta nhớ đến Nick Út, Nguyễn Thị Kim Phúc, nhưng cũng không quên ngưỡng mộ và học hỏi bản lĩnh, tầm phán đoán của Horst Faas. Thế nhưng, Horst Faas còn là một nhân cách khiêm tốn. Ông hay đùa với Nick Út về tấm ảnh Em bé napalm: "Con trai ạ, bức ảnh của cậu lúc nào cũng được thế giới nhắc tới, còn những bức ảnh của tôi giờ thì xếp xó rồi".

"Khi anh tôi (phóng viên chiến trường của Hãng AP Huỳnh Thành Mỹ) mất do đi chụp ảnh chiến trường năm 1965, Horst Faas là người đầu tiên đến dự đám tang. Sau đó, ông nhận tôi vào Hãng AP, giao cho những người nổi tiếng như Henri Huet, Eddie Adams... kèm cặp tôi. Khi tôi bị thương ở chiến trường Campuchia, Horst Faas hết lòng chạy chữa cho tôi. Ông nói ông không muốn nhìn tôi chết giống như anh tôi...". Qua lời kể của Nick Út, có thể thấy Horst Faas là một người nặng tình. Năm 1998, Horst Faas cùng đồng nghiệp Richard Pyle qua Lào tìm tung tích chiếc trực thăng chở bốn phóng viên chiến trường nổi tiếng gồm Larry Burrows, Henri Huet, Potter, Shimamoto đã bị bắn hạ trong chiến dịch Nam Lào (1971) và xuất bản sách về chuyến đi này.

Horst Faas và đồng nghiệp Tim Page cũng sáng lập dự án Hồi niệm (Requiem, 1997) để tưởng niệm tất cả phóng viên chiến trường của cả hai phía đã mất và hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Những điều ông làm dường như để họ - những người đã đem sự thật cuộc chiến đến với công chúng thế giới - không bị thời gian làm lãng quên. Hằng năm, có những đoàn du khách Nhật và quốc tế đến Việt Nam như một cuộc hành hương để tưởng niệm Robert Capa, Kyoichi Sawada... Tinh thần của những phóng viên ảnh chiến trường đó vẫn sống. Giờ đây, nhắc đến Horst Faas với lòng quý trọng và cảm phục sâu sắc là nhắc đến tất cả họ - những phóng viên chiến trường từ khắp các quốc gia khác nhau nhưng đã từng tham dự một quãng đường của lịch sử Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Horst Faas - phóng viên người Đức từng chứng kiến nhiều biến động của lịch sử thế giới hiện đại - mất ở Munich (Đức) ngày 10-5 ở tuổi 79, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông làm việc cho Hãng tin AP (Mỹ) từ năm 1956-2004.

Hồi niệm về Horst Faas 2 
Bức ảnh của Horst Faas đoạt giải Pulitzer 1965, chụp ảnh một người cha ôm xác con đứng trước xe bọc thép quân sự với câu hỏi: “Tại sao?”

Ông Faas là một trong những nhà báo gắn bó lâu nhất với chiến tranh Việt Nam, tham gia đưa tin từ năm 1962-1974 và một lần bị thương nghiêm trọng trong một đợt công kích năm 1967. Bức ảnh tang tóc về chiến tranh tại Việt Nam đã mang lại cho ông giải thưởng Pulitzer đầu tiên năm 1965. Trước khi đến Việt Nam, ông đã rong ruổi qua nhiều nước châu Phi như Congo, Algeria.

Năm 1972, ông cho đăng bức ảnh Em bé napalm nổi tiếng được trao giải Pulitzer của Nick Út. Bản thân ông năm 1972 cũng nhận giải Pulitzer thứ hai với loạt ảnh Cái chết ở Dacca thực hiện tại chiến trường Bangladesh. Ông cũng nhận một số giải thưởng khác như Robert Capa (năm 1997) hay Eriche Salomon (năm 2005).

Trần Phương (Theo AFP, NYT)

Theo Tuổi Trẻ

>> Hồi ức của một phóng viên chiến trường
>> Ảnh “em bé napalm” vĩ đại nhất mọi thời đại
>> Từ chối triển lãm ảnh của Nick Út: Lại thêm một chuyện buồn!
>> Phản hồi xung quanh bài báo "Ai đã từ chối triển lãm của Nick Út?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.