Hồn nhiên như thơ xuất khẩu

29/01/2017 18:00 GMT+7

'Thơ xuất khẩu' ở đây không phải là thơ để bán ra nước ngoài như các mặt hàng kinh tế mà là thứ thơ mở miệng ra là có - xuất khẩu thành thi.

Nó có thể do vài ba người góp vào mà thành một bài, cũng có thể do một người ứng tác, những người khác nghe được cảm thấy thú vị bèn nhớ và đọc lại cho nhiều người nữa nghe. Nó được truyền miệng, trở thành một thứ thi ca bình dân hiện đại.
Đặc điểm cao nhất của thơ xuất khẩu là tính hồn nhiên, nghĩa là chẳng cần dụng công nhiều trong cách chọn chữ, chọn câu, tạo hòa thanh. Còn nội hàm của thơ thì gần như từ trong vô thức mà ra. Chỉ cần một biểu tượng hiện ra trước mắt tạo cảm hứng là nhà thơ xuất khẩu đã có thể đọc ra ngay đoạn thơ hay bài thơ của mình rồi sau đó mới “biên tập” lại một vài chữ. Cả hình thái và nội hàm của nó đều được diễn đạt một cách hồn nhiên, rất nhanh nhưng khá chuẩn xác.
Có người biết ông Bùi Giáng sinh ra ở miền Trung, hỏi thăm ông về xứ Huế. Ông không phải là người Huế nhưng cũng hiểu ít nhiều về miền đất thơ mộng này. Ông đáp ngay bằng hai câu thơ đúng như đặc điểm địa lý tự nhiên của Huế:
- Dạ thưa, xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
Tôi thật ngả mũ bái phục nhà thơ gốc Nam bộ nào đó đã để lại cho ca dao Nam bộ hai câu như thần khẩu, ngôn ngữ rất bình dân nhưng nội hàm thì rất bác học. Đặc biệt, câu thứ hai nói lên lòng yêu thương, tha thứ rộng mênh mông ẩn sau cái biểu hiện giận dữ bề ngoài:
Tai ta nghe tiếng bậu buông tuồng.
Muốn giơ tay đánh bậu, sợ buồn cái dạ ta.
“Buông tuồng” có nghĩa là sống không đứng đắn, thậm chí là lang chạ. Nghe bạn lòng của mình sống như vậy, giận thì muốn đánh nhưng không nỡ đánh vì yêu thương quá, hễ đánh thì lại đau lòng mình.
Thơ xuất khẩu đi vào khía cạnh hài hước, làm bật lên tiếng cười vui vẻ cho người nghe. Nó chẳng cao siêu, văn chương có đôi khi ngô nghê một chút nhưng ngẫm lại vẫn khá hợp lý theo cái luận lý học bình dân Việt Nam. Bài thơ Vịnh con chó sau đây nói được bốn đặc điểm để xác định nó là con chó chứ không phải một con gì khác:
Ấy là giống thú sủa gâu gâu.
Tuy nhiên không phải là con trâu
Khi nằm với vợ thì y đứng
Suốt đời không ăn một miếng trầu!
Thơ xuất khẩu đôi khi kết luận khá bất ngờ khiến ta giật mình thảng thốt nhưng nghĩ kỹ, ta lại thấy rất gần gũi, rất đúng đắn với cuộc sống con người. Bài thơ Vịnh cái bánh ít sau đây chắc chắn ra đời trong một đám giỗ ở đâu đó, bởi đám giỗ thì thường gói bánh ít và bánh ít là món ăn sau cùng của bữa tiệc. Bánh ít được làm bằng bột áo ở ngoài là nếp dẻo và nhưn (nhân) bên trong bằng đậu xanh hay dừa nạo, giúp ta dễ dàng phân biệt nó với cái bánh ú:
Tên của nó là cái bánh ít
Vỏ ngoài đen thui, nhưng không thịt.
Cắn vào miệng lưỡi đều ngọt ngào.
Nên nhớ ăn xong, đừng... rờ đít.
Cái kết luận nghe tức cười nhưng vô cùng hợp lý. Ta bóc bánh ít ra ăn, bột nếp dẻo có thể dính tay mà vội đưa tay ra sau rờ mông mình hay mông người khác thì có thể làm dơ quần như chơi.
Trong mười năm trở lại đây, nông nghiệp nước bạn Do Thái (Israel) tiến bộ vượt bậc. Các nhà nông học Do Thái lai tạo được loại gà công nghiệp không có lông, phát triển rất nhanh, cách nuôi rất vệ sinh. Có lẽ một nhà nông học nào đó ở ta xem được phóng sự nuôi gà của bạn, thấy công nghiệp chăn nuôi mới mẻ thần kỳ quá nên làm thơ:
Nước ta ngan ngỗng có lông,
Con gà Do Thái lại không có gì.
Mình trần chẳng mặc nội y,
Mào đỏ chân chì cũng giống gà ta.
Nuôi gà này khỏe tối đa
Dẫu sao cũng đỡ quét nhà dọn lông!
Xứ Bạc Liêu có đông bà con người Việt gốc Hoa. Bà con có nghề trồng và muối chua cho lên men tự nhiên các loại cải. Họ gọi các món ăn này bằng tên tiếng Triều Châu: Xá bấu (củ cải), tùa xại (cải lớn nguyên cây), cảm xại (cái xắt ra rồi). Có nhà thơ vui vẻ giới thiệu các món ăn quen thuộc của xứ Bạc Liêu mình như vầy:
Xá bấu đem hầm với giò heo
Đầu năm ăn nó, không sợ nghèo
Tùa xại nấu canh với tép đất
Ăn mát trời xanh sáng tới chiều
Cảm xại có khi không cần nấu
Chấm hắc xì dầu như dưa leo
Món ăn dân dã ngon mà bổ
Tùa chế ăn rồi, tùa hia theo.
Tiếng Triều Châu “tùa” là lớn. Tùa chế có nghĩa là chị hai, tùa hia có nghĩa là anh hai. Bởi tùa chế ăn ba món này nên da dẻ láng mịn, nhan sắc tốt tươi, cho nên tùa hia đi theo là vậy. Bài thơ hồn nhiên, nói lên được nghề truyền thống của bà con Triều Châu xứ Bạc Liêu là trồng và chế biến món ăn bổ dưỡng từ cây cải.
Thơ xuất khẩu hồn nhiên làm vui cho cuộc sống con người là vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.