Huấn luyện cả nhà cùng măm

06/09/2020 07:05 GMT+7

Một đồng tác giả của cuốn sách được làm tặng miễn phí cho cộng đồng đúng ngày khai giảng hôm qua, cuốn Là lá la cả nhà cùng măm, ông Phan Thái Tân, cho biết khi làm cuốn sách này, ông đã luôn nghĩ đến những cậu bé có thể béo phì vì những bữa ăn sai cách.

Cú sốc dinh dưỡng học đường

Khi HLV sức khỏe và dinh dưỡng tổng hợp Phan Thái Tân nhìn thấy thực đơn quà chiều của trường học trong một nhóm dinh dưỡng, ông đã vô cùng khiếp đảm. “Là các mẹ đưa lên để hỏi ý kiến về dinh dưỡng, tôi thực sự hoảng hốt. Hoàn toàn giống thực đơn fast food: đồ chiên, đồ chiên và đồ ngọt. Với thực đơn như vậy rất dễ dẫn đến béo phì và nghiện ngọt”, ông Phan Thái Tân nói. Chính vì thế, khi một người bạn có ý tưởng về một cuốn sách hướng dẫn dinh dưỡng trong gia đình, ông Tân đã ngay lập tức hưởng ứng. Ông cũng chính là người điều phối chính của dự án sách điện tử miễn phí Là lá la cả nhà cùng măm.
Có tới 20 HLV sức khỏe và dinh dưỡng tổng hợp cùng tham gia dự án này. Họ cùng nhìn thấy tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ đáng báo động. Kết quả điều tra năm 2014 - 2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP.HCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%. Họ cũng thấy một mâu thuẫn: Tỷ lệ trẻ béo phì tăng trong khi hướng dẫn sức khỏe và sách nấu ăn dành cho bà nội trợ bùng nổ. “Chúng tôi khảo sát và thấy có 2 vấn đề. Một số chế độ ăn trong các cookbook (sách nấu ăn) chưa sử dụng nguyên liệu thuần Việt, thậm chí còn dùng nhiều nguyên liệu nhập khẩu khiến người nấu thiếu kinh nghiệm lúng túng. Một số món chuẩn bị mất thời gian, chưa phù hợp với lối sống của người bận rộn. Tác giả cookbook nhiều khi chỉ chú trọng ngon và đẹp mà chưa chú ý dinh dưỡng”, đại diện nhóm tác giả cho biết.
Cuốn sách 70 trang Là lá la cả nhà cùng măm vì thế sẽ có cách nấu nướng đơn giản, tiện lợi, chế biến nhanh tại nhà, gần với người Việt, lành mạnh. Sách cũng được tặng miễn phí vào đúng ngày khai giảng 5.9.
Công thức nấu được chia thành nhóm: bữa chính, salad và nước xốt, thực phẩm lên men, bữa phụ, thức uống, nấu ăn cho trẻ. “Chúng tôi xây dựng công thức lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng nguyên liệu tốt cho sức khỏe. Sách cũng khuyến khích ăn nhiều thực vật, giảm thịt. Ngoài ra, còn có chia sẻ về nguyên tắc nấu ăn, thông tin nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày”, bà Nam Phương, đại diện truyền thông của nhóm, cho biết.

Bếp Việt hóa công thức dinh dưỡng

Những đơn vị đo lường trong sách rất khác so với những thìa cà phê, thìa canh, gram, cup… vẫn được sử dụng trong nhiều công thức nấu ăn nước ngoài. “Cách định lượng này gần gũi hơn cho bà nội trợ Việt. Ví dụ, thay vì gram, cup mà nhiều người nấu không có dụng cụ định lượng hoặc không quen thì có quy đổi qua những điều gần gũi hơn như nắm tay, chén cơm. Việc này sẽ khiến cho bất cứ ai quen với bất cứ chuẩn đo lường nào cũng dễ dàng canh chừng”, bà Nam Phương nói.
Việc thay đổi các nguyên liệu cho các công thức vốn từ châu Âu cũng khiến giảm giá thành món ăn và tiện lợi hơn khi dùng nguyên liệu địa phương. Chẳng hạn, thay vì quả blueberry hay dâu tây, hoàn toàn có thể dùng các quả chua ngọt nhẹ, tươi ở địa phương như khế hay lê. Dừa và củ đậu cũng trở thành nguyên liệu cho món salad từ châu Âu về. Như vậy, thay vì các loại salad giống ngoại đắt tiền có thể dùng rau mầm giá bình dân và dễ tìm hơn thay thế… “Giảm giá thành cũng là điều khả thi vì không phải sưu tầm cho đủ nguyên liệu như công thức gốc và nguyên liệu ở địa phương thuần Việt thì rẻ hơn. Khâu sản xuất, vận chuyển, phân phối cũng đỡ tổn hao năng lượng nên bền vững hơn cho môi trường”, bà Phương chia sẻ.
Theo HLV dinh dưỡng và sức khỏe tổng hợp này, việc bếp núc, lo lắng dinh dưỡng tại VN cũng không giống nhau tùy theo từng đối tượng. Chẳng hạn, bố mẹ trẻ thường gặp khó khăn vì quá bận rộn và dung hòa với các ý kiến trong gia đình. Chẳng hạn, họ có quá nhiều đối tượng cần chăm sóc với nhu cầu dinh dưỡng và thói quen ăn uống khác nhau, thậm chí có thể mâu thuẫn với điều họ muốn hướng đến. Chẳng hạn, họ có thể hướng tới lối sống nhiều rau xanh nhưng gia đình lại tin thiếu thịt sẽ suy dinh dưỡng. Người trẻ lại khó khăn vì “quá tải” với quá nhiều quan điểm dinh dưỡng trên mạng.
Chính vì thế, với cuốn Là lá la cả nhà cùng măm, nhóm làm sách hướng tới những nguyên lý chung cho cả gia đình. Tất nhiên, họ cũng không quên việc mọi thứ phải rất ngon. Món cuốn từ quả bơ tươi vừa béo bùi vừa ít năng lượng. Món cá rán bằng... nước lã cũng rất giòn vỏ mềm thịt. Món cháo cá quả chế biến rất đơn giản và chỉ thêm mươi phút sáng là cả nhà đã có thể cùng măm. Món cơm “nhà có điều kiện” là món cơm với đủ thứ hạt có trong tủ lạnh nhà bạn với màu đẹp, vị thơm.
“Những công thức nấu ăn này đều nhanh và ngon. Nó được tập hợp từ những bếp gia đình của chính các HLV theo hướng thích hợp với khẩu vị của nhiều người”, ông Tân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.