Khẩn cấp bảo vệ di sản hát xoan

24/11/2011 23:46 GMT+7

Trưa 24.11 tại Bali (Indonesia), Ủy ban Liên chính phủ công ước 2003 UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ghi nhận hát xoan Phú Thọ (Việt Nam) là di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Trưa 24.11 tại Bali (Indonesia), Ủy ban Liên chính phủ công ước 2003 UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ghi nhận hát xoan Phú Thọ (Việt Nam) là di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục phó Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch), điều đó có ý nghĩa hát xoan là di sản của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp ở cấp độ quốc tế. Năm 2009, trong chiến lược bảo vệ di sản văn hóa của quốc gia, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ cho di sản hát xoan đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc - UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chính quyền, cộng đồng các phường xoan ở Phú Thọ và các cộng đồng liên quan cùng Viện m nhạc, Cục Di sản đã khảo sát, đánh giá hiện trạng di sản và lập hồ sơ gửi vào tháng 3.2010.

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ Thành hoàng thường diễn ra vào mùa xuân. Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú Thọ.

GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật dân gian VN, cho biết một trong những khó khăn lớn nhất khi làm hồ sơ hát xoan là dựng lại nguyên dạng hát xoan xưa. Từ hàng chục năm nay, hát xoan đã được khai thác sân khấu hóa, vì thế để lại lối thẩm mỹ của nghệ nhân hát xoan không giống như ngày xưa.

Ông cho biết, trong hồ sơ hát xoan trình UNESCO có nói tới việc làm thế nào để giữ diện mạo cổ truyền của hát xoan. GS Tô Ngọc Thanh lưu ý tới chuyện sân khấu hóa với di sản hát xoan. “Chúng ta không cấm sân khấu hóa. Nhưng trên sân khấu, các nghệ nhân chỉ trình diễn hát. Trong khi hát xoan không chỉ có hát mà còn có lễ, múa… Chúng ta phải bảo tồn, giữ lại tất cả. Chúng ta có cái tệ là thường sân khấu hóa thì dễ mất đi cái cũ” - ông nói.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, báo cáo của Ban Thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ cho biết hồ sơ hát xoan của Việt Nam là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn và là hồ sơ tốt nhất trong số 33 hồ sơ được đệ trình lần này. Trong buổi công bố, có 10 di sản thuộc 9 quốc gia được ghi nhận là di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.