Khán giả giữa “rừng” gameshow

25/11/2006 18:51 GMT+7

Phim nước ngoài lấn át trong khi phim nước nhà hụt hơi với những "hạt sạn" to đùng làm "ê răng" khán giả. Bật ti vi lên là gặp trò chơi trên truyền hình giống hệt nhau vì cùng mua format của nước ngoài. Nhiều trò chơi trên truyền hình là những chiếc bình-cắm-hoa-thương-hiệu.

Hàng loạt cuộc thi tìm kiếm "sao" mà cuối cùng thì sao vẫn tận... trên trời. Phác thảo toàn cảnh truyền hình Việt ở một "góc nhìn lệch" có khối chuyện đáng ngẫm...

Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng...

Màu của quảng cáo chứ còn gì nữa! Những thương hiệu hàng hóa thi nhau chiếm lĩnh thị giác lẫn trí nhớ của khán giả. Hàng loạt chương trình trò chơi trên truyền hình chỉ là những bình - cắm-hoa-thương-hiệu. Chưa kể, những chiếc bình này được mua từ một xuất xứ nên khán giả bị tra tấn thêm một lần nữa vì sự trùng lắp của chúng. Chẳng hạn, Ai là triệu phú cứ dăm câu hỏi lại có một lần quảng cáo mà quảng cáo thì chao ôi là lâu, lại giống Rồng vàng đến 99%; Hãy chọn giá đúng là một bầu trời hạnh phúc của hàng hóa cạnh tranh cùng người anh em Siêu thị may mắn; Trò chơi âm nhạc của thương hiệu xanh xanh cạnh tranh với bà con là Nốt nhạc vui thương hiệu vàng vàng; Ai là ai đối đầu với Đi tìm người bí ẩn; Đuổi hình bắt chữ đọ sức với Trúc xanh...

Đa số trò chơi trên truyền hình đều lồ lộ nhãn hiệu quảng cáo. Cứ với cái đà này, khán giả dễ có cảm tưởng, các chương trình truyền hình bây giờ đã thành "đài nhà" của các hãng sản xuất hàng hóa !

Về nội dung chương trình cũng có điều đáng bàn. Chẳng hạn, mười lăm câu của Ai là triệu phú có đến 5 câu đầu dễ đến mức ngạc nhiên. Rồng vàng thi thoảng xuất hiện vài câu nói... khó hiểu của người dẫn chương trình và không ít câu đánh đố. Hành trình văn hóa thỉnh thoảng lại hỏi những câu chẳng biết đấy là đâu. Trúc xanh thì giới thiệu những câu ca dao khó hiểu... Đấu trường 100 quá phụ thuộc vào cách chọn câu hỏi của người chơi chính. Có hôm, người chơi chính chọn toàn câu dễ khiến chương trình nhạt nhẽo... Những kiến thức rời rạc liệu có còn đọng lại trong đầu khán giả? Còn nếu nói về tính giải trí thì nụ cười vui ở đâu?

Hãy chọn giá đúng chẳng còn lại gì ngoài mớ thông tin giá cả lổn nhổn, Siêu thị may mắn lại là cuộc chơi may rủi đúng nghĩa... để nhà đài nhét quảng cáo hàng hóa vào mà thôi.

Tính thông tin: không có. Tính giải trí: kém. Vậy cuối cùng trò chơi bùng nổ trên truyền hình mang lại những giá trị gì cho khán giả? Có chăng, chỉ là lợi nhuận của các công ty sản xuất trò chơi trên truyền hình cũng như các công ty sản xuất hàng hóa mà thôi.

Loạn nhắn tin dự đoán

Các hãng viễn thông tỏ ra không hề kém nhanh nhạy nên đã nhanh chóng vào cuộc bằng hình thức tin nhắn dự đoán. Cái gì cũng dự đoán, từ nghiêm túc như Tôi yêu Việt Nam, Hãy cùng làm cuộc sống tốt đẹp hơn đến trò chơi trí tuệ như Thử thách, rồi cả phim tương tác Nhật ký Vàng Anh cũng có dự đoán. Ấy là chưa nói đến dự đoán kết quả các giải bóng đá, kết quả các cuộc thi: từ ca nhạc đến hoa hậu... Các trò chơi trên truyền hình cho trẻ em cũng "nhào vào cuộc" làm không ít khán giả nhí cứ hí hoáy lấy điện thoại của bố mẹ mà nhắn. Báo hại cuối tháng, bố nghi ngờ mẹ còn mẹ nghi ngờ bố và con thì tặng tiền cho các hãng viễn thông.

“Thảm họa” người dẫn chương trình

Tình trạng bùng nổ trò chơi trên truyền hình dẫn đến việc khủng hoảng thiếu người dẫn chương trình. Và, giải pháp tạm thời được sử dụng: chọn những người nổi tiếng trên các lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc, sân khấu lên dẫn. Và, thế là, khối chuyện buồn cười lẫn buồn lòng đã xảy ra trên màn ảnh nhỏ.

Tiếng Việt trên truyền hình qua ngôn ngữ của những người dẫn chương trình đôi khi bị "biến dạng"! "Kính thưa quý vị và các bạn, sau đây chúng tôi xin được phép giới thiệu đến quý vị và các bạn...", "Sau đây, chúng tôi xin được mời ca sĩ...", "Xin quý vị cho ca sĩ được một tràng pháo tay...", "Anh có thể phát biểu cảm xúc của mình về cái ca khúc này, cái mà..." vân vân và vân vân... Việc phát âm những từ viết tắt trên truyền hình cũng thật ngộ nghĩnh. Có phát thanh viên của Đài truyền hình Việt Nam đã đọc thế này: "vê tê vê chấm o rờ gờ chấm vi en", một câu có đến ba cách phát âm (!?).

Một hiện tượng tuy không phải là xấu nhưng thực sự không nên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Đó là việc khen ngợi lẫn nhau một cách... không ngại miệng và việc người dẫn chương trình có lúc mắc bệnh quên nhiệm vụ! Trong cuộc thi tuyển

Ý kiến khán giả:

** Khán giả Nguyễn Thị Hằng - 157/3 Nguyễn Ảnh Thủ, Ngã tư Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM: "Theo tôi, hiện nay, truyền hình đang bội thực game show đến mức ngán ngẩm. Nhiều gameshow chủ yếu là quảng cáo sản phẩm. Nhà tài trợ xuất hiện trong chương trình theo kiểu chứng tỏ ta đây có quyền vì có tiền, không cần biết hình ảnh xuất hiện như vậy có gây phản cảm không. Tôi thấy có game show, nền sân khấu đã có tên nhà tài trợ to đùng, phông chính lại có tên, micro lại có tên nữa. Chưa kể nội dung cũng lồng ghép sản phẩm của nhà tài trợ".

** Khán giả Trần Thị Tuyết Trinh - 131 Lương Định Của, Sóc Trăng: "Tôi thấy MC của mình vừa nói dài, nói dai lại nói dở, hay sáo rỗng. Hở chút là cảm ơn, kính thưa quý vị, ai cũng được gọi là ngôi sao... MC đâu chỉ có nói mà còn phải hiểu mình nói gì và chọn lựa lời nói sao cho giản dị, dễ hiểu nhưng sâu sắc, không thừa thãi.

Người dẫn chương trình truyền hình năm 2006 của Đài truyền hình TP.HCM, không ít thí sinh đã "hồn nhiên" khen ngợi những người dẫn chương trình của đài khi đứng cùng họ trên sân khấu một cách quá đáng. Trong những chương trình ca nhạc khác, đôi khi, khán giả phải đỏ mặt vì những lời có cánh của người dẫn chương trình dành cho khách mời. Khen cũng là một nghệ thuật, khen sống sượng chỉ làm khổ và hạ thấp người được khen, nhất là khi trước con mắt của hàng triệu khán giả xem đài. Còn người dẫn chương trình kiêm nhạc sĩ V.Q.V trong một chương trình thi ca nhạc lại thi thoảng mắc hội chứng... "quên mình là ai" khi đang làm nhiệm vụ của một người dẫn chương trình mà lại bình luận về khả năng chuyên môn của thí sinh. Thế thì ban giám khảo bên dưới ngồi làm gì? Cặp ca sĩ trẻ dẫn chương trình Hát với ngôi sao đôi khi "thả vào mặt" người chơi một vài câu nói... quá khó chịu mà vẫn cười cợt một cách vô tư. Còn người dẫn chương trình Rồng vàng thì thích "hù dọa" người chơi đến mức có thí sinh phản ứng lại.


Thêm nhiều games show trên truyền hình

Còn chút gì đọng lại?

Khi những bộ phim giờ vàng lại... xám xịt và phim nước ngoài đổ bộ lên màn ảnh nhỏ mỗi ngày, khán giả phim truyền hình Việt luôn tự hỏi khi nào chúng ta mới có những bộ phim đáng nhớ, đáng nghĩ như Quan chức nhà nước (mới nhất) hoặc Nàng Dae Jang Geum trước đó?

Trò chơi trên truyền hình mọc lên như nấm, cùng ngày, cùng giờ, có đến vài ba game trên các đài truyền hình. Thậm chí trên cùng một đài, cùng giờ có hai kênh phát hai game khác nhau. Chương trình ca nhạc, cuộc thi ca nhạc thì nhiều đến mức bội thực, những bản sao nhang nhác, giông giống nhau: Giai điệu tình yêu, Nhịp cầu âm nhạc... Những cuộc thi cũng giông giống nhau về mục đích, chỉ khác tên gọi. Khán giả xem, rồi đọng lại những gì trong tâm tư? Để sau khi tắt tivi, tâm hồn còn được gợi lên những cảm xúc đẹp? Thi thoảng lắm mới có một chương trình để lại ấn tượng lâu dài.

Những chương trình giàu ý nghĩa như Vượt lên chính mình hay Ngôi nhà mơ ước đáng lý ra nên được phát huy nhiều hơn nữa. Những câu chuyện cảm động của chuyên mục Tâm hồn cao thượng trên Đài truyền hình TP.HCM hoặc Chuyện cổ tích bây giờ trên VTV cần được nhân rộng hơn. Chẳng khán giả nào phản đối trò chơi trên truyền hình nếu chúng được xây dựng tốt hơn, bớt chất quảng cáo và chuyển tải nhiều thông điệp tốt đẹp hơn.

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.