Khi kịch bản bị "giam"

01/05/2010 00:03 GMT+7

Gần đây, một số tác giả than rằng kịch bản sân khấu của mình bị "giam" nơi các đài truyền hình theo nhiều kiểu. Thứ nhất, muốn lấy ra dựng lại ở sân khấu thì đài không cho. Thứ hai, muốn chép ra một cái đĩa để dành làm kỷ niệm "đứa con" của mình, đài cũng không cho. Như vậy, bán một kịch bản cho đài nghĩa là "mất tăm" luôn.

Trong tình hình kịch bản đang khan hiếm hiện nay, thì những tác phẩm hay rất cần được tái sử dụng. Vì suy cho cùng, không phải lúc nào cũng có tác giả giỏi, và một tác giả không phải lúc nào cũng sáng tác tốt. Cho nên, việc tái dựng kịch bản là chuyện đương nhiên. Truyền hình dựng theo kiểu khác, còn sân khấu sẽ có những chiêu hấp dẫn hơn bởi cấu trúc không gian khác biệt, đâu có sợ đụng hàng. Đặc biệt, với các vở ngắn làm trên truyền hình có thể đem ra sân khấu gia cố thêm cho thành vở dài, rất có lợi. Vì lẽ đó mà tác giả và đạo diễn mới muốn dàn dựng trở lại.

Nhưng, không phải tác giả nào cũng rành về luật lệ, nên khi đặt bút ký hợp đồng quên đi khoản quy định "kịch bản được sử dụng trong bao nhiêu năm". Không có khoản này, coi như họ đã bán tác phẩm của mình vô thời hạn. Giấy trắng mực đen, khỏi kêu than gì cả! Thậm chí, có đơn vị sân khấu khi làm hợp đồng cũng quên đi khoản này, cho nên kịch bản bị giam mấy năm chưa dàn dựng mà tác giả cũng không biết làm sao ăn nói. Để lâu, lắm khi tính thời sự trong kịch bản đã mất, có nguy cơ xếp xó luôn.

Về chuyện muốn lưu một bản để làm kỷ niệm đời sáng tác của mình, thì tác giả có quyền chứ. Lúc trước, đài còn cho chép ra băng đĩa, tính tiền bằng số phút, giá cao ngất ngưởng, nhưng tác giả cũng chấp nhận. Ngay đến đạo diễn, diễn viên cũng thích giữ lại một bản. Dù sao như thế cũng có vật để lưu niệm, mai mốt con cháu còn có cái mà tự hào vì ông cha của mình. Không có bản lưu thì chịu thua, vì đài phát sóng qua rồi thôi, làm sao xem được nữa.

Không có bột làm sao gột nên hồ. Đối xử với trí tuệ theo kiểu "trên trước" như thế trách sao đội ngũ cầm bút không còn gửi kịch bản hay cho đài. Chưa kể nhuận bút chỉ 5, 6 triệu đồng một vở dài, là quá bèo. Không có thù lao cao, không có sự trân trọng, làm sao hợp tác cho tốt? Tác giả thường là người không rành về thủ tục, hợp đồng, nhưng đài lại là nơi tổ chức, quản lý rất chuyên nghiệp, nên không thể nói là không biết các điều khoản nói trên. Mong rằng đài hãy soạn thảo hợp đồng công bằng hơn, để tác giả đừng quá thiệt thòi, thì người ta mới cộng tác lâu dài.

Thư Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.