Khi kịch học trò quá 'sang xịn'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/10/2020 06:20 GMT+7

Bất ngờ về diễn biến. Vỡ òa vì cảm xúc. Khâm phục vì quá trình sản xuất. Đó là những điểm chung của hai vở nhạc kịch của học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam vừa công diễn.

Khi những hòn đảo bắt đầu rùng rùng chuyển động mỗi lúc một nhanh, những nàng tiên cá mê hoặc lần lượt ngoi lên, chiếc thuyền của hai nhân vật chính trong vở Ngày đổ bóng trăng dường như quá tròng trành. Trên sân khấu của Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) khi đó cả một trận cuồng phong cảm xúc lẫn phô diễn màu sắc, chuyển động. Nó báo trước chuyện tình sẽ có sóng gió, cuộc tìm kiếm ma sói khó khăn của cả Harry và Roxie. Một sân khấu cho thấy cùng lúc khả năng vũ đạo, thiết kế mỹ thuật lẫn kỹ thuật của dự án nhạc kịch thường niên G’lams do học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam tổ chức.
Trước đó vài ngày, một vở kịch khác của CLB kịch nghệ Trường Hà Nội - Amsterdam cũng đã được công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội). Nếu như Ngày đổ bóng trăng kể câu chuyện khá Tây phương là cuộc đấu người - ma sói, thì Huyễn ảnh lại lấy bối cảnh của Sài Gòn, một cuộc thi nhan sắc ở Sài Gòn. Ở đó, phòng trang điểm của các thí sinh dự thi biến thành đấu trường để các cô soi mói, mạt sát và hãm hại đối thủ. Cũng có cả những cuộc mặc cả của người chống lưng cho thí sinh trong cuộc thi. Nhưng sóng gió hậu trường đó được dựng lên trong khung cảnh của dàn đèn, dãy bàn phấn dài, với những khuôn mặt thí sinh soi bóng trong đó.
Lựa chọn lương thiện, hy sinh ngay cả khi điều đó phải đánh đổi bằng mất mát. Hai vở diễn cùng chủ đề vì thế đã lay động trái tim người xem.

Những ê kíp đáng nể

Huyễn ảnh, đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa khi ban kịch bản cùng nhau viết. “Cũng có người cho rằng tại sao không có hậu, tại sao nhân vật chính phải chết. Nhưng sau đó, chúng tôi cùng nhất trí là khi nhân vật chính đã giết quá nhiều người, cô ấy không thể sống hạnh phúc được nữa”, Tổng đạo diễn Hồ Việt Khánh chia sẻ. Khánh cũng là linh hồn của nhóm viết kịch bản khi là người kết nối các phần viết khác nhau và chuốt lại cho nhuyễn.
Ở cả hai vở diễn, Ban tổ chức chia ra thành nhiều ban nhỏ phụ trách kịch bản, vũ đạo, âm nhạc, tài chính, hậu trường, đạo cụ, thiết kế, kỹ thuật, truyền thông... Trong suốt thời gian dựng, thông tin được đưa thông suốt trên các trang sự kiện của vở diễn. Chẳng hạn, với Ngày đổ bóng trăng, có thể thấy những video quay hoạt động của nhóm làm đạo cụ khi đang vẽ các chai rượu, chai thuốc để dựng quán bar và nhà của thầy lang. Trailer, tạo hình nhân vật cũng được giới thiệu liên tục cho tới lúc mở bán vé.
Cả hai nhóm đều có hoạt động tài chính riêng biệt với trưởng ban riêng. Các em kêu gọi tài trợ, tổ chức bán vé giá “tình thương mến thương”... Đơn vị tài trợ cũng đa dạng. Từ các trung tâm đào tạo ngoại ngữ tới các trường dân lập, trường đại học, các công ty trong đó có cả... phở Bát Đàn. Và tới khi đêm diễn kết thúc, các em có thể yên tâm dự án không hề thua lỗ.
Nhưng có lẽ, hơn cả việc không thua lỗ, các dự án đều cho thấy chất lượng vở diễn tốt, đủ để thu hút tài trợ ở các mùa sau. Kết thúc Ngày đổ bóng trăng, đại diện Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS-TS Nguyễn Viết Khôi chia sẻ: “Vở diễn cho thấy các em tài năng và dựng được những tác phẩm không kém gì các sinh viên Mỹ. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ những mùa kịch sau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.