Khi trái tim bắt gặp nụ cười

13/11/2009 00:05 GMT+7

Vượt lên rào cản ngôn ngữ, tiếng hát, vũ đạo, âm nhạc của Đoàn ca vũ kịch Chura đến từ Okinawa - Nhật Bản đã thực sự chinh phục khán giả, qua 2 đêm diễn tại Nhạc viện TP.HCM.

Là một trong những chương trình kỷ niệm Năm giao lưu Nhật Bản - Mê Kông 2009, Đoàn ca vũ kịch toàn nữ Okinawa - Chura, đoàn chuyên nghiệp đầu tiên của tỉnh Okinawa, với 22 thành viên nhiều thế hệ, gồm các nghệ sĩ múa xuất sắc nhất của hội phái lớn nhất trong trường phái múa Ryukyu. Đoàn đã thành công ở mức cao nhất trong việc giới thiệu nghệ thuật truyền thống Nhật Bản đến khán giả Việt Nam, sau những chuyến lưu diễn qua hơn 38 thành phố của 25 quốc gia: Hàn Quốc, Hy Lạp, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Brazil...

 
Một tiết mục trong chương trình biểu diễn - Ảnh: T.Đ

TP.HCM là điểm diễn thứ hai ở Việt Nam, sau Hà Nội. Thiết kế sân khấu được thu gọn ở mức tinh giản nhất, chỉ với 6 cột trang trí hoa văn nhiều màu, làm nền cho 2 phần: Vở ca vũ kịch Phong thổ ký Đảo Nam (phần 1) và Yến tiệc vui vẻ đảo Chura (phần 2).

Mở đầu phần 1 là sự xuất hiện của sư tử, mà chàng trai Tuntun là hóa thân, tiếp đó là dàn đồng ca của những phụ nữ nông dân đang cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa. Sư tử Okinawa mồm gỗ, rất dũng mãnh và hung hãn, khác hẳn sư tử vui vẻ của Việt Nam (trong múa sư tử). Tiếng hát khi du dương, khi vang dội, trên nền âm thanh của nhiều nhạc cụ dân tộc đặc trưng Nhật Bản, với sự diễn cảm trên gương mặt và những động tác múa mạnh mẽ, dứt khoát, những tạo hình sinh động, bộc lộ một trình độ chuyên nghiệp cao cộng với sự khổ luyện thường xuyên của diễn viên.

Mimi, người con gái dân đảo, cùng với Tuntun đã múa hát bên nhau, khích lệ mọi người cùng làm việc. Rất nhiều bài múa kiểu nông tác vũ của Việt Nam, mô tả cảnh lao động trên đồng ruộng, rất hiện thực mà cũng rất nghệ thuật. Người dân đảo sống, làm việc và tìm thấy niềm vui trong lao động. Sau những đe dọa từ thiên nhiên là lời cầu nguyện của nông dân. Những linh ứng đã hiện ra, khi trời đổ mưa to, khi Tuntun dũng mãnh chiến đấu cùng quái vật, Mimi được cứu thoát, và mùa màng sinh sôi, sung mãn...

Khán giả đã được yêu cầu không vỗ tay trong suốt phần 1, đã tha hồ vỗ tay trong phần 2, khi Yến tiệc vui vẻ đảo Chura bắt đầu. Những tiết mục càng lúc càng tưng bừng. Tiếng hát, tiếng các loại đàn, loại trống, các bộ gõ càng lúc càng dập dồn, tràn trề sinh lực. Người ta có cảm giác số lượng diễn viên của đoàn không phải chỉ 22 mà là hơn gấp nhiều lần. Vì diễn viên thay đổi rất nhanh nhiều loại trang phục và nhảy múa liên tục ở mức hao tốn năng lượng nhiều nhất.

Càng về cuối, trang phục càng rực rỡ, những bộ kimono tuyệt đẹp trong những động tác múa uyển chuyển, bên cạnh những bài múa đượm chất đương đại, những bài đầy khí thế trong võ phục.

Okinawa là vùng đất của ca và múa, người dân Okinawa đã sáng tạo một nghệ thuật múa hết sức đặc trưng của mình và rất coi trọng nghệ thuật này, xem đó là Vị thuốc của cuộc sống.

Trong thành công của đêm diễn còn có sự góp phần đáng kể của ca sĩ khách mời Megumi Gushi. Chị đã khiến khán giả bất ngờ một cách thích thú khi chào mọi người và sau đó mời khán giả cùng hát với mình, bằng tiếng Việt. Và chị đã lôi cuốn cả khán phòng cùng vỗ tay, cùng hát, rất tự nhiên, rất dễ thương, rất Việt Nam trong chiếc áo dài duyên dáng mới mượn được.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.