Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 4: Thói hay... chê

14/08/2014 06:50 GMT+7

Có thể nói, chê là thói quen phổ biến của người VN. Quen đến mức coi đó là chuyện bình thường. Ít ai biết rằng, thói quen đó là một tật xấu gây ra rất nhiều hệ lụy.

 
Minh họa: Dad

Khó có thể chỉ ra thói quen hay chê bắt nguồn từ đâu nhưng có thể thấy, ganh đua là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Chuyện ganh đua lại có dây dợ với thi đua, mặc dù thi đua vốn là tốt, nhưng nó là biến tướng từ sự thi đua, mà thi đua là điều mà chúng ta vẫn khuyến khích bắt đầu từ khi vào mẫu giáo cho đến khi trở thành hội viên người cao tuổi. Không, vẫn chưa hết, chết cũng vẫn còn xem ai đám tang to hơn, cúng giỗ xem nhà ai tổ chức to hơn…

Chê người mới hơn người

Ở trường mẫu giáo, khi bình bầu các tổ nhóm hay cá nhân nào xuất sắc của tuần, cô cũng rất “dân chủ”, để các cháu nhận xét lẫn nhau, thực ra là tố nhau. Vì thế mới có chuyện thưa cô, bạn A tè trong quần hai lần; thưa cô, bạn B chắt béo con 3 lần…

Lớn lên ít nữa, mức độ quyết liệt cao dần. Cho đến khi học đại học, tập làm việc theo nhóm, khi các nhóm lên trình bày bài tập của mình, các thành viên nhóm khác tha hồ “mổ xẻ”, tìm hết cái xấu ra mà nói. Rất ít, vô cùng ít người nhóm này khen nhóm khác.

Đi làm rồi cũng vậy, mỗi khi cần nhận xét hay bình bầu, lấy ý kiến… thì đó là dịp để người ta chê nhau, thậm chí sát phạt, hạ bệ lẫn nhau. Có vẻ như chê mới thể hiện mình giỏi, chê mới hơn người khác.

Tháng 11.2011, "anh xã" nhà tôi tham gia một khóa học báo chí, học xong thì về nhà kể ra chiều tâm đắc, rằng, thầy Lars Moler người Đan Mạch thấy lúc nào các nhóm lên thuyết trình thì người của nhóm khác cũng chê, thầy lấy làm ngạc nhiên lắm. Mãi sau ông mới hiểu ra và bảo, có lẽ học viên VN không biết nên tôi nhắc lại, tất cả mọi người phải tuân theo nguyên tắc “phản hồi tích cực”, nghĩa là tìm ra cái tốt của nhóm bạn mà khen. Từ đó lớp học chuyển hẳn qua một trạng huống khác, từ âm khí chuyển qua dương khí, tất cả đều hòa đồng, vui vẻ.

Tôi ngần ấy tuổi, làm việc ngần ấy năm, thế mà nghe "anh xã" kể cũng ớ ra. Ừ nhỉ, sao cứ phải chê.

Tìm ra cái tốt của bạn để khen mà khen cho đúng, vậy mình đâu có bị dốt đi; bạn được khen, sau đó đến lượt mình được khen thấy sinh khí cũng khác, cái gì không được khen, hẳn là chưa tốt… Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, người khen cũng phải có trình độ và người được khen cũng cần có bản lĩnh để nghe khen.

Chê thì đâm... nghi

Vừa rồi, Đà Nẵng đưa vào vận hành vòng quay mặt trời (Sun Whell) cao 115 m, top 10 thế giới, có người lại "đía", ở bên London họ làm từ đời tám hoánh, có chi mô mà phải náo lên. Người khác "độc miệng" hơn, không chừng đi lượm của bỏ đi của người ta mang về đó chớ có chi.

Bà Nà Hill đưa vào vận hành tàu hỏa leo núi lần đầu có ở VN, cũng bảo, leo gì mà leo, mới đi có đoạn đã hết, đồ nớ hư chừ...

Chê đến mức thành bệnh, ai làm một việc gì tốt cũng đâm nghi. Một người nhận trẻ mồ côi về nuôi cũng nghi, chắc có gì mới thế; một người hiến gia sản làm từ thiện cũng nghi, chắc có gì đó... "Gì đó" là cái gì xem ra rất mù mờ và bí hiểm.

Đọc trên mạng dễ thấy nhất, ở chỗ nào đó, người nào đó phát biểu chống tham nhũng, kiên quyết không nhận phong bì... lập tức bình luận theo chiều ngược lại rồi nghi ngờ để xem có làm được không... Người có ý tưởng tốt, lành mạnh thì ủng hộ, góp ý cách để người ta làm, sao chưa làm đã trù ẻo? Đến mức dân gian phải đúc kết: "Cao chê ngỏng, thấp chê lùn/Béo chê béo trục béo tròn/Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra". 

Chê (hay phản biện) vốn là một hành động tích cực, nhưng chê cũng phải cho đúng và cho trúng, nếu quá đà thì thành thói, thành bệnh và sẽ trở nên tiêu cực. Bạn hãy áp dụng phương châm "phản hồi tích cực" của ông Lars Moler một lần thử xem, tôi tin là mọi chuyện sẽ rất khác.

Vì chê nên nhìn đâu cũng thấy cái xấu

Hôm qua, có mấy anh tám về chủ đề phụ nữ, một người nhận xét: “Nói thế chứ mặt Ngọc Trinh đâu có đẹp gì đâu”, người khác quặc lại: “Nhưng nhìn Ngọc Trinh đâu ai... nhìn mặt?”. Kể lại câu chuyện khôi hài này xin cô Ngọc Trinh hãy “phản hồi tích cực”, cười vui lên, đừng giận, vì nó chỉ muốn nói một điều, gần như bất kỳ người nào, việc gì, thế nào người ta cũng tìm ra cái xấu. Gương mặt cô Ngọc Trinh không xuất sắc nhưng nhất định là không xấu mà nằm trong nhóm đẹp, chứ nói “đâu có đẹp” là không đúng (có thể họ so với những gì ở người cô xuất sắc hơn chăng).

Vì muốn thế nào cũng phải “chê một cái” nên mấy anh CSGT đã thổi dừng xe thì thế nào cũng bắt cho bằng được một lỗi. Trong chiến dịch kiểm tra nồng độ cồn do liên quân tỉnh Q. “ra quân”, khi dừng xe tôi, lái xe thổi vào máy đo, không có cồn, vậy thì thôi, chứ sao bắt họ xuống xe trình giấy đăng kiểm, đăng kiểm rồi thì lên ngồi lắc, bảo tay lái bị rơ, số vào không “bắt”? Tức là đã thổi thì phải có lỗi. Chưa bao giờ thấy sau kiểm tra, CSGT khen người điều khiển phương tiện rằng, anh chấp hành rất tốt. Có chăng thì một cái vẫy gậy với vẻ mặt không vui và không kèm lời nào.

Trong môi trường giáo dục cũng thế, thầy rất hiếm khi khen học trò, điều tối kỵ.

Ý kiến

“Miếng ăn là miếng tồi tàn”

Cha ông mình có câu thành ngữ như trên không phải là không có lý. Miếng ăn tuy rất quan trọng, nhưng giành giật nhau để ăn uống hoặc để trở thành một câu chuyện không đẹp như trong bài báo Bi kịch tiệc tùng nêu thì thật đáng xấu hổ. Vì vậy, sự tinh tế, nhường nhịn khi ăn uống được đúc rút rất nhiều, chẳng hạn như “Ăn xem nồi, ngồi xem hướng” cũng là một thành ngữ hay mà người Việt cần phải nằm lòng khi ứng xử ở các bữa tiệc, đừng để người nước ngoài coi thường. Hoa Ban (ng_hoaban46@gmail.com)

Hậu quả của giáo dục

Những gì mà Báo Thanh Niên nêu ra về người Việt hiện nay tôi thấy đó là hậu quả của nền giáo dục suốt bao nhiêu năm qua chỉ lo chạy theo những điều to tát, khô cứng, không chú trọng đến những chi tiết ứng xử. Điều này đã khiến nhiều người xem thường cách hành xử nơi công cộng, chỉ biết có mình, không để ý gì đến cộng đồng. Dương Đông (dongphuongd@yahoo.com)

Uốn nắn bằng luật

Luật pháp không nghiêm, văn hóa xuống cấp. Trẻ em thì uốn nắn bằng giáo dục, còn người lớn phải uốn nắn bằng luật. Một người tiểu bậy, bắt được phạt 1 triệu, cho đi lao động công ích 1 tháng xem có ai dám không? Thế nào cũng có người sẽ la lên làm gì phạt cao dữ vậy! Chúng ta cứ vị nể nhau thì đến bao giờ mới có văn minh. Đó là còn chưa kể xảy ra tiêu cực trong việc chấp pháp: hối lộ 200.000 thì bỏ qua vé phạt 1 triệu! Vậy làm sao mà buộc mọi người tự nghiêm khắc với mình được. Dũng Đinh (tuxedo1006@yahoo.com)

Sự chừng mực đâu cả rồi ?

Ăn uống không giữ vệ sinh, nói cười ồn ào trong nhà hàng, quán ăn đã trở thành một tệ nạn. Đây là điều khiến rất nhiều người khó chịu, nhưng khi góp ý thì y như rằng bị mắng mỏ, la hét hoặc thậm chí bị hành hung. Sự tự trọng, sự chừng mực của người Việt đâu mất hết cả rồi? Trần Quý (tranvanquy1965@yahoo.com)

 

An Phong 
(thực hiện)

Trần Thị Cúc Phương

>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 3: Bi kịch tiệc tùng
>> Người Việt đang rất xấu - Kỳ 2: Thói xấu của du học sinh Việt
>> Người Việt xấu xí - tại sao?
>> Chính sách visa của Thái Lan xem thường người Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.