Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 7: “Yêu cầu nội tại nhìn lại mình rất lớn”

17/08/2014 03:00 GMT+7

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên n, trong giai đoạn này nhu cầu nội tại nhìn lại chính mình, nhìn lại thói hư tật xấu với người VN là rất lớn, ít nhiều giống giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông cha ta đã nhìn lại những yếu kém lạc hậu của mình để sửa mình.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên n, trong giai đoạn này nhu cầu nội tại nhìn lại chính mình, nhìn lại thói hư tật xấu với người VN là rất lớn, ít nhiều giống giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông cha ta đã nhìn lại những yếu kém lạc hậu của mình để sửa mình.

Thưa ông, cha ông ta từng có những bài viết, những trào lưu nhìn lại thói hư tật xấu của mình hay không?

 
Thật ra thì đề tài gọi là thói hư tật xấu là do mình gọi tên ra, rồi cũng một phần do ảnh hưởng cuốn sách của ông Bá Dương, cuốn Người Trung Quốc xấu xí được đưa tin. Quyển sách đó sau khi dịch ra tuy không được in nhưng cũng nhiều người biết. Một số trí thức của nước mình cũng nói về thói hư tật xấu và được dư luận quan tâm. Ví dụ ông Trần Quốc Vượng đề cập, rồi ông Vương Trí Nhàn trích dẫn dần dần ý kiến nhấn mạnh vào những nhược điểm của cộng đồng người VN. Thực ra đó là những việc về lối sống, liên quan đến nếp nghĩ. Sau đó ta khái quát lại thành thói hư tật xấu. Chứ các cụ trước không dùng từ thói xấu.

Các cụ nói về những lối sống lối nghĩ hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trước việc đất nước bị người Pháp đến đặt ách cai trị. Người ta thấy dưới ách đô hộ, một số nếp sống vốn cổ truyền có nguy cơ bị thay đổi. Người ta cũng thấy đất nước yếu, hệ thống như quan lại không mạnh. Đô thị hình thành dẫn đến có vấn đề về chuẩn mực sống mới. Trí thức văn nghệ sĩ đều có phản ứng. Tất nhiên phản ứng rất khác nhau. Nhưng có một bộ phận tinh hoa của giới trí thức thấy phải canh tân, đổi mới. Tiêu biểu như phong trào Duy Tân. Trong một cao trào phản ứng sự cai trị của thực dân ở trên đất này thì một số trí thức đặt vấn đề phải canh tân đất nước. Trong canh tân họ nhận ra yếu kém lạc hậu của dân tộc mình. Những quan điểm canh tân xuất hiện trong những tuyên truyền vận động, phát ngôn, bài vở của những thế hệ các nhà Duy Tân tiêu biểu như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… Trong khi nói nhu cầu cần canh tân xã hội mình thì có việc nêu ra những nhược điểm yếu kém của cộng đồng Việt như thói hèn yếu, thói hay sợ sệt, thói hay nói dối, thói hay bất nhất đều có việc gắn với nhược điểm của mình để thay đổi. Chứ không phải việc các cụ nói xấu dân tộc mình.

 

Bây giờ chúng ta cũng đang đứng trước một thay đổi xã hội lớn khi cùng nhau bước vào thế giới phẳng. Ông có nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp để chúng ta lại cùng nhìn vào “thói hư tật xấu” của mình để sửa chữa nó không?

Đương nhiên. Thấy rất rõ sau một thời gian, tình thế của xã hội VN nó lại như thế. Nó đối mặt với hoàn cảnh mới giống ít nhiều xã hội này ở cuối 19, đầu 20. Tất nhiên trên một trình độ khác.

Chúng ta có khoảng thời gian trước đó 50 - 70 năm sống trong xã hội khép kín với một chuẩn mực một số nếp sống nếp nghĩ thậm chí chuẩn suy nghĩ khác mang tính chất khép kín. Chuẩn này nếu như nói trên thế giới thì nó gắn với chiến tranh lạnh. Chúng ta tham gia một phía của chiến tranh lạnh nên khía cạnh về lối sống chẳng hạn, niềm tin chẳng hạn ở cộng đồng được hướng theo một cách mà khi bước ra khỏi chiến tranh lạnh nó không còn đúng nữa. Trên rất nhiều phương diện nó không còn đúng nữa.

Vì thế, chúng ta phải xây dựng lối sống, lối nghĩ, căn bản niềm tin khác. Nhận thức trên một thế giới mới. Bây giờ các chuẩn mực mang tính nhân loại cần được xác lập trong xã hội. Nhưng xác lập nó không đơn giản, không phải nhà chính trị, nhà văn hóa tuyên bố cái là mọi người theo.

Gần đây, có câu chuyện ầm ĩ về độ chênh văn hóa khi người Việt ra nước ngoài. Cái chênh đó là do tâm lý “khuất mắt trông coi” hay do chúng ta thực sự chưa đủ hòa nhập?

Có thể là cả hai. Chẳng hạn ăn buffet mà lấy thừa, thậm chí mang về thì theo tôi do cả hai.

Người VN sống ở nước khác cũng có độ chênh với xã hội mà anh ta nhập vào. Ta phải nhận ra điều này. Ta sống trong làng xã này, trong đầy định kiến này. Các ứng xử đạo đức của chúng ta nhiều cái mang tính đối phó. Anh sang bên kia từng người một không dễ hòa nhập vì không dễ nhận ra chuẩn mực. Cho nên không phải chỉ người thợ đi xuất khẩu lao động mới có chuyện ăn cắp, chuyển đồ mua gian bán lận về đâu. Những chuyện đó có ngay cả thời đầu.

Về sau, thế hệ sau lớn lên đi học trường của nước sở tại cũng có thành công. Cộng đồng sau đó khác, khả năng hòa nhập khá hơn rất nhiều. Chẳng hạn ở Đức thì thấy người Việt học rất khá. Khả năng hòa nhập với các cộng đồng văn minh của người Việt là có.

Ở thời điểm muốn Duy Tân, cha ông ta đã nói đến việc đẩy mạnh học hành, tiếp nhận kiến thức qua chiến lược dịch sách quý bài bản. Cái đó rõ quá rồi. Chiến lược dịch sách anh em trí thức đặt ra lâu rồi, nhưng cái đó ở nước mình chẳng có chiến lược gì cả.

Thói xấu không sửa, hư danh vẫn chuộng

Do bệnh thành tích mà thói hư danh giờ còn kinh khủng hơn việc “tút” lý lịch cho thành hoàng ngày xưa. Thói hư danh thời nay không chỉ là một “góc chiếu giữa đình” nữa mà là vô số bằng khen, giấy khen, bằng cấp... được sản xuất ngày càng nhiều. Một trào lưu hư danh nhỏ dần dần đã thành đại nạn hư danh, khi những người có trong tay bằng cấp, học vị cao chỉ để cho oai chứ không hề được nể trọng về chuyên môn. Để có được chiếc ghế ở hội đồng này, ủy ban nọ thay cho “góc chiếu” khi xưa thì quan chức ngày nay cần phải có danh vị. Vì vậy, có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để “chạy bằng cấp”. Khi có được tấm bằng rồi họ tổ chức “vinh quy bái tổ” linh đình, mời cả làng cả họ về dự. Để rồi, tấm bằng đó lại được đặt trang trọng dưới đôi đũa gắp phân của vị thần làng khi xưa.

 TS Đinh Hồng Hải
(Viện Nghiên cứu văn hóa)

Cấp bách lắm rồi !

Từ ngày lập quốc, chưa bao giờ hình ảnh người Việt trong mắt thiên hạ lại xấu xí như hiện nay. Việc bị kỳ thị và phân biệt đối xử tùy theo cấp độ và dạng thức khác nhau nhưng gần như nước nào cũng có. Không phải bỗng dưng mà họ đối xử với mình như vậy. Đáng buồn,  chưa có cơ quan đoàn thể nào lên tiếng báo động để kịp thời chấn chỉnh nên bệnh càng lây lan và chưa có thuốc chữa. 

Chuyện cấp bách lắm rồi. Không thể nào chậm trễ. Mỗi cá nhân cho đến các tập thể cần có những hành động cụ thể. Phải chấn chỉnh từ trong nước. Thời đại internet, bất cứ việc tốt xấu gì xảy ra trên trái đất này, chỉ cần vài phút là cả thế giới biết. Cần tăng hình phạt và xử lý nghiêm những người Việt xấu xí ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, e rằng những chuyến đi xa ngày càng có thêm nhiều vị đắng, người Việt càng tiếp tục bị khinh thường.    

Nguyễn Văn Mỹ

Trinh Nguyễn 
(thực hiện)

>> Ứng xử khi giáo viên cư xử chưa chuẩn mực
>> Dạy trẻ cư xử tử tế
>> Cư xử lịch thiệp
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 6: Thiếu tự trọng khi thưởng thức nghệ thuật
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 5: Phải bắt đầu từ thế hệ trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.