Không nên quá ràng buộc điều kiện chọn Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
14/09/2019 06:09 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Hoàng Sơn Trà, Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, tại hội thảo xây dựng đề án Thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật - nhiếp ảnh do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức hôm qua (13.9) tại TP.Đà Nẵng.

Hội thảo quy tụ nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), họa sĩ, lãnh đạo ngành văn hóa các tỉnh, thành khu vực miền Trung nhằm đóng góp ý kiến về 2 đề án xây dựng Thành phố (TP) nhiếp ảnh VN và Nghệ thuật sơn mài VN. Tại hội thảo, ông Hoàng Sơn Trà cho rằng: “Đề án TP nhiếp ảnh VN góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa và quảng bá du lịch sẽ mang lại sự thịnh vượng cho TP đăng cai”.
Tuy nhiên, theo ông Trà, về tiêu chí, trong đề án có đề cập TP được chọn đăng cai cần “có di sản lịch sử văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận” là một sự ràng buộc lớn, đề nghị nên bỏ tiêu chí này. “Địa phương không cần có di sản phải được UNESCO công nhận. Bởi nhiều khi chúng ta có di sản chưa được công nhận và dùng công cụ này để gây nên tiếng vang nhằm UNESCO dễ dàng công nhận hơn”, ông Trà nói. Ông cũng góp ý nên tổ chức TP nhiếp ảnh VN định kỳ 1 năm/lần, lấy cột mốc đầu tiên là năm 2020.
Đồng quan điểm, ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên-Huế, cho rằng đề án này rất có lợi cho việc quảng bá điểm đến, đồng thời không nên đưa những điều kiện ràng buộc quá chặt chẽ khiến địa phương hội đủ điều kiện tổ chức hoạt động nhiếp ảnh lại không được tổ chức. Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thì kiến nghị thời gian tổ chức sự kiện nên gắn vào các sự kiện chính trị, văn hóa địa phương đăng cai, qua đó nâng cao tính hiệu quả...
Tại hội thảo, NSNA Ông Văn Sinh, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Đà Nẵng, nhận định nêu ý kiến cần phải chú trọng đến sản phẩm nhiếp ảnh hơn là việc tổ chức hội chợ, buôn bán ảnh. Ngoài ra, đề án cần chú trọng đến bản quyền của tác giả khi tham gia.
Bà Trần Thị Thu Đông, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, khẳng định đề án chắc chắn sẽ có các điều kiện đảm bảo công tác bản quyền ảnh. “Có trường hợp dùng ảnh không vì mục đích kinh doanh và cũng không trả tiền tác quyền, trong khi đó nghệ sĩ sáng tác tác phẩm rất tốn công sức, kinh phí. Khi xây dựng đề án cụ thể, chúng tôi sẽ làm sao vừa đảm bảo công tác tuyên truyền và công tác bản quyền để tác giả có tiền tái đầu tư sản phẩm”, bà Đông nói. Ý kiến xung quanh đề án đang được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp thu, hoàn thiện; sau khi lấy ý kiến các địa phương sẽ trình Chính phủ ban hành.

Vùng trồng nguyên liệu sơn mài đang bị thu hẹp


Liên quan đến đề án Nghệ thuật sơn mài VN, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cho biết vùng nguyên liệu sơn mài trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng. Chỉ một số vùng ở Phú Thọ với chất nước, chất đất mới trồng ra được cây sơn để chiết xuất lấy nhựa đạt tiêu chuẩn, chất lượng cho sáng tác tranh sơn mài VN. Tuy nhiên, qua khảo sát Phú Thọ, diện tích trồng cây sơn đang bị thu hẹp, do đó cần nghiên cứu để đảm bảo nguồn nguyên liệu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.