Khổng Tử chưa từng được thưởng thức trà như chúng ta

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/06/2021 12:20 GMT+7

Trước đây, trong bài A Life of Contradictions in Ancient China có một mệnh đề từng khiến cư dân mạng xôn xao bình luận là “Confucius never tasted tea” (Khổng tử chưa từng thưởng thức trà). Thực hư câu chuyện này ra sao ?

Trước khi trả lời câu hỏi Khổng Tử chưa từng thưởng thức trà, mời quý vị ngược thời gian để tìm hiểu về trà. Chúng ta biết rằng trà có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời cổ đại. Theo truyền thuyết, Thần Nông (hay Viêm Đế) là vị thần sống cách đây 5.000 năm, chuyên nghề làm thuốc trị bệnh nên được phong là Dược vương (藥王).
Ngày nọ, Thần Nông dạy người dân phải đun sôi nước trước khi uống. Ông lấy một chén nước nóng làm mẫu, tình cờ trong lúc đó gió thổi vài chiếc lá rơi vào chén khiến nước ngả màu, ông uống thử thấy có vị ngon lạ. Từ đó ông quảng bá loại nước này cho nhiều người uống để thanh lọc cơ thể. Trong quyển Thần Nông bản thảo kinh (神农本草经) đã ghi rõ điều này: "Thần Nông nếm hàng trăm loại thảo mộc, hằng ngày thử bảy mươi hai chất độc và dùng trà làm thuốc giải độc".

Vì sao Khổng Tử chưa được uống trà?

Chúng ta biết rằng tuy Khổng Tử sống trong thời đại sau Thần Nông nhưng đây là nhân vật có thật, còn Thần Nông chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Như vậy, làm sao có thể tin người Trung Hoa đã biết uống trà vào thời nào nếu chỉ dựa vào truyền thuyết? Bây giờ chúng ta dựa vào văn bản để xem vào thời Khổng Tử người ta đã biết uống trà chưa.

Uống trà giờ đây đã trở nên thông dụng và được sự yêu thích của nhiều người

Ảnh: T.L

Chúng tôi cho rằng là chưa, bởi vì trong Nhĩ Nhã (爾雅), một bộ từ điển của Trung Quốc thời cổ đại cho biết: “có một loại lá được sử dụng vào đời nhà Chu (1046–256 TCN), gọi là đồ (荼); còn trong Kinh Thi, đồ 荼 là từ dùng để chỉ một loại rau đắng (tức trà ngày nay). Từ thời tiền sử đến thời Xuân Thu (722 - 481 TCN) rau đồ được dùng trong những nghi thức tế thần. Đến thời Tiền Hán (206 TCN - 9), trà được gọi là giả (檟), người ta mới bắt đầu dùng trà như một loại thuốc hoặc món rau trên bàn ăn.
Như vậy đã rõ, sau khi Khổng Tử chào đời hơn 200 năm, người ta vẫn còn dùng trà làm rau để ăn thì chắc rằng Khổng Tử chưa từng nhâm nhi những tách trà nóng. Chúng ta biết rằng đến thời Tam Quốc thì trà được gọi là thiết (蔎) và minh (茗). Đây là những loại trà ngon, thường được giới quý tộc sử dụng để chứng tỏ địa vị, đẳng cấp của mình.
Đến đời nhà Đường, người ta mới bỏ một nét ngang của chữ đồ (荼) để tạo ra chữ trà (茶) ngày nay. Chữ trà (茶) này xuất hiện lần đầu tiên trong quyển Trà Kinh (茶經) nổi tiếng của Lục Vũ (733–804). Quyển này cho biết việc uống trà trở nên phổ biến vào khoảng năm 760. Sách mô tả khá chi tiết về cách trồng cây trà, chế biến lá trà để làm đồ uống, trong đó cũng mô tả cách đánh giá trà, thảo luận về nơi sản xuất ra những lá trà tốt nhất.
Như vậy, có thể khẳng định rằng Khổng Tử chưa bao giờ thưởng thức trà, bởi vì trước thời Khổng Tử khá lâu, người ta còn dùng trà để làm dược liệu trị bệnh và món ăn chứ chưa phải là thức uống như ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.