Kiện trong kiện cáo không có nghĩa là 'kiện'

04/03/2018 06:48 GMT+7

Từ điển từ láy tiếng Việt do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994) có nhiều mục từ phải được bóc gỡ đi nhãn hiệu “từ láy”.

Trong quyển từ điển này, ta có thể bắt gặp rất nhiều mục từ có gốc Hán, mà thành tố của chúng đều là những từ có nghĩa. Như kiện cáo, một ngữ vị từ đẳng lập với hai thành tố đều là những từ độc lập hiện hành hiển nhiên, mà cũng bị liệt vào hàng từ láy.
Kiện là một từ Hán - Việt, có liên quan đến hai từ tổ kiện tụng [健訟] và án kiện [案件]. Đây là hai chữ kiện khác nhau ([健] và [件]) mà nghĩa của cả hai đều vốn không hề liên quan gì đến việc tố tụng cả. Ngoài cái nghĩa quen thuộc là “khỏe mạnh”, chữ kiện trước [健] còn có nghĩa là “kiên trì, bền bỉ (trong một việc gì đó)”. Với nghĩa này, kiện tụng là “kiên trì, bền bỉ trong việc tố tụng”, rồi “ham mê việc tố tụng”. Sách Ấu học quỳnh lâm, quyển bốn, thiên “Tụng ngục loại” giảng: “Hiếu tụng viết kiện tụng” [好訟曰健訟], nghĩa là “ham thưa kiện gọi là kiện tụng”. Chính là với cái nghĩa này (kiên trì, bền bỉ → ham muốn, ưa thích) mà kiện còn có một điệp thức (doublet) là ghiền (theo tương ứng ngữ âm K <-> G/GH), vẫn còn được dùng một cách bình thường trong phương ngữ Nam bộ (phương ngữ miền Bắc gọi là nghiện - “nghiền” chỉ là một dị bản trẹo trọ). Còn nghĩa gốc của chữ kiện sau [件] thì chỉ là “vật/việc (gì đó)”, thí dụ: nhất kiện sam [一件衫] là một cái áo, lưỡng kiện sấn y [两件襯衣] là hai chiếc áo lót, cảo kiện [稿件] là bản thảo giao cho nhà xuất bản, án kiện [案件] là vụ án, rồi nào là bưu kiện, cấu kiện, linh kiện, phụ kiện, điều kiện, sự kiện, văn kiện...
Rõ ràng là về nghĩa gốc thì kiện tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến việc tố tụng cả. Vậy tại sao nó lại bị “gá nghĩa” như đã thấy? Đó là do sự lây nghĩa (contamination de sens) mà thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nói đến. Trong từ tổ án kiện thì án [案] mới là từ chỉ việc tố tụng (Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch án là “a case at law”, “legal records”), còn trong từ tổ kiện tụng thì từ chỉ việc tố tụng dĩ nhiên chính là… tụng [訟], chứ hai từ “kiện” kia thì vô can trong chuyện này. Nhưng do từ nguyên dân gian, nghĩa là do cách hiểu theo cảm tính vì không biết được cái nghĩa đích xác của từ đang xét, nên người sử dụng tiếng Việt mới gán cho từ kiện trong án kiện cái nghĩa của từ án và kiện trong kiện tụng cái nghĩa của từ tụng. Hành động “gá nghĩa” này chính là hệ quả của sự lây nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.