Kỳ bí Amazon: Sát thủ sông Amazon

09/07/2014 09:00 GMT+7

Đó là loài cá hung bạo nhất thế giới. Chúng sẽ táp đứt rời ngón tay của những kẻ nghịch nước bất cẩn, chúng sẽ khiến những tay bơi lội ở mỗi khúc sông tại Paraguay trở thành tàn tật; chúng sẽ cắn xé và nuốt sống những vật thể sống nào bị thương vô phúc rớt xuống sông. Máu đã làm chúng trở nên điên cuồng...'.

“Đó là loài cá hung bạo nhất thế giới. Chúng sẽ táp đứt rời ngón tay của những kẻ nghịch nước bất cẩn, chúng sẽ khiến những tay bơi lội ở mỗi khúc sông tại Paraguay trở thành tàn tật; chúng sẽ cắn xé và nuốt sống những vật thể sống nào bị thương vô phúc rớt xuống sông. Máu đã làm chúng trở nên điên cuồng...”.


Hàm răng sắc nhọn của cá piranha - Ảnh: N.T 

Đoạn mô tả cá cọp piranha do cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt viết trong quyển Xuyên qua Brazil hoang dã (năm 1914) đã làm tôi quá đỗi tò mò và quyết phải tìm hiểu bằng được trong chuyến khám phá Amazon này.

Đi câu sát thủ

Thấy tôi có vẻ hứng thú với cá cọp, Denis, người Matsés dẫn đường, bĩu môi: “Tưởng gì ghê gớm chứ, piranha ở đây có đầy. Nếu muốn chút nữa tôi dẫn anh đi câu”. Cùng thổ dân Amazon đi câu cá cọp piranha, kẻ đứng đầu danh sách 13 sát thủ nước ngọt đáng sợ nhất (do tạp chí khoa học National Geographic bình chọn), thì còn gì bằng. Dĩ nhiên, tôi đồng ý ngay.

Đồ nghề đi câu cá cọp khá đơn giản: vài cọng dây rừng làm dây câu, lưỡi câu. Chúng tôi xuôi theo con sông Galvez Denis ngồi trước mũi ghe, tay lăm lăm cây chĩa ba, bất chợt đâm thẳng xuống nước. Một con cá to gần bằng bàn tay bị đâm xuyên qua đang giãy đành đạch. “Mồi câu piranha đấy”, Denis nói rồi dùng dao cắt sống con cá làm nhiều phần. “Mồi phải tươi và có máu như vầy mới dụ được piranha. Loài này nhạy lắm, chỉ cần có chút máu, từ cách đó hơn 3 km bọn chúng vẫn có thể đánh hơi được”, Hector (nhà tự nhiên học, người dẫn đường) nói thêm.

Denis bỏ miếng mồi còn dính máu tươi vào lưỡi câu, vừa thả câu anh vừa dùng mái chèo khuấy cho nước động lên “để bọn chúng tưởng có con mồi bị thương vừa rớt xuống nước”. Nghe vậy tôi cũng thò tay xuống khuấy nước phụ. Bất chợt tôi nghe nhói ở đầu ngón tay nên giật mình rút tay lên. Tôi bị cá cắn. Vết cắn không sâu nhưng đủ để máu ứa ra. “Hồi nãy quên dặn anh đừng thò tay xuống nước khi câu. Nhưng anh may đấy, có người còn bị cắn lòi thịt”, Denis vừa nói thì cần câu cũng rung nhẹ. Nhanh như cắt, anh giật lên. Một con cá bụng đỏ, vây đỏ to hơn bàn tay đã bị dính câu, giãy đành đạch. “Piranha có hơn 20 loài, và loài bụng đỏ là đáng sợ nhất vì nó tấn công cực nhanh và mạnh. Bọn này có hàm răng cực sắc và khỏe, một cú cắn của nó có sức mạnh gấp 30 lần trọng lượng cơ thể nó”, như để chứng minh lời mình nói Hector banh hàm con cá ra cho tôi xem hai hàm răng như những cái nanh lởm chởm và nhọn hoắt đan xen vào nhau như răng lược, nhìn thôi đã thấy ớn. Nó làm tôi nhớ lại đoạn kể của cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt trong chuyến đi thám hiểm vùng Amazon năm 1913. “Con bò đột nhiên bị lôi xuống sông. Mặt nước như sôi lên bởi hàng trăm con piranha khát máu đang điên cuồng cắn xé nạn nhân xấu số. Chỉ vài phút sau, mặt nước yên tĩnh trở lại. Một bộ xương trắng hếu nổi lên...”.  Nghĩ tới đó tự nhiên tôi rùng mình. Nghe tôi kể về chuyện đó, Denis cười lớn: “Trừ khi bị thương, chảy máu chứ piranha rất hiếm khi tấn công người. Chúng tôi ở đây vẫn câu bọn nó suốt đấy thôi. Piranha nướng lên ăn ngon lắm”. 

Tạm biệt chiến binh

Buổi đi câu kết thúc với chiến lợi phẩm gần hai chục con cá cọp cùng những loài khác. Trong khi đợi Denis nướng cá, nằm đung đưa trên cái võng chăm bi ra nghe tiếng chim gù xa xa, nhìn khói bếp bay lên tôi bỗng nhớ đến chái bếp ngày nào ngoại vẫn hay ngồi chụm lửa nấu cơm. Tự nhiên thèm được nghe một câu vọng cổ đến lạ... Về thôi! Dù sao tôi cũng ở trong rừng với người Matsés nửa tháng rồi còn gì.

Khi tôi ngồi viết những dòng cuối cùng này thì nhận được thư của Bertien, người phiên dịch cho tôi suốt thời gian sống với người Matsés. Thư ngắn thôi, nhưng đã khiến tôi thẫn thờ. “Dunu bị viêm gan siêu vi B. Tội nghiệp, ngay cả khi bệnh tái phát nặng ông già vẫn cương quyết không chịu rời cái chòi nhỏ bé nằm giữa rừng của mình. Chỉ cho đến khi nằm liệt, mọi người mới có thể “cưỡng bức” đưa ông đến Angamos xin đi nhờ máy bay quân sự để lên Iquitos chữa trị. Nằm viện được vài ngày Dunu chết…”. Con báo lạc bầy của bộ tộc Matsés đã chết khi rời khỏi rừng. Nghe nói trước khi chết, Dunu cứ nằng nặc đòi về lại rừng, về lại cái chòi lá tồi tàn của ông nơi có hai bà vợ và hai đứa con đang ngóng chờ… 

Còn nhớ khi chia tay, Dunu đã đặt tên cho tôi là “Dunu cania” (có nghĩa là “chiến binh nhóc”). Ông nói: “Mày đã thử sapo, nunu, đã đi rừng, bắt cá với tao… Ở lại đi, tao sẽ đào tạo mày thành một thằng “dunu” (chiến binh) thật sự”. Thế mà...

Tôi lục lại đống đồ kỷ niệm, lôi ra chiếc võng mà Dunu tặng trước khi chia tay. Chiếc võng hãy còn ướp mùi mồ hôi, mùi nắng, mùi rừng. Tôi nằm lên võng đong đưa và nhắm mắt lại. Trong dòng hồi tưởng miên man về những kỷ niệm đã qua, tôi mơ hồ như trở lại cánh rừng già Amazon bạt ngàn, ở đó, ông già Dunu đen nhẻm, đang đứng trước cái chòi lá, nhìn tôi cười hiền và nói: “Bư-ram-bô, Dunu cania” - Chào chiến binh nhóc...

Theo một thống kê không chính thức, hằng năm tại Brazil có khoảng 1.200 con bò bị cá cọp ăn thịt. Ray Owczarzak, người phụ trách Viện Hải dương học quốc gia ở Baltimore (Mỹ), cho biết  chỉ cần 300 - 500 con piranha, một người nặng 80 kg có thể bị rỉa còn bộ xương chỉ trong vòng... 5 phút.

Nguyễn Tập

>> Kỳ bí Amazon: Bí mật rừng già
>> Kỳ bí Amazon: Độc dược rừng thẳm
>> Kỳ bí Amazon: Con báo lạc bầy
>> Kỳ bí Amazon: Sống với thổ dân Matsés
>> Kỳ bí Amazon: Chiến binh báo đen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.