Kỳ bí lăng mộ cổ: Mộ tướng thống lĩnh tượng binh qua 4 đời vua

24/01/2016 08:00 GMT+7

Đó là khu lăng mộ của Đô thống chế Lê Văn Hoan tại làng Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), người từng thống lĩnh đội tượng binh của triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Đó là khu lăng mộ của Đô thống chế Lê Văn Hoan tại làng Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), người từng thống lĩnh đội tượng binh của triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Khu lăng mộ Đô thống chế Lê Văn Hoan đang xuống cấp trầm trọng - Ảnh: An DyKhu lăng mộ Đô thống chế Lê Văn Hoan đang xuống cấp trầm trọng - Ảnh: An Dy
Trải qua gần hai thế kỷ, mộ ông trên gò đồi làng Cẩm Toại đi vào sử sách của đình làng và được nhắc đến trong văn tế làng hằng năm: “Hậu hiền thần vị. Nghiêm oai tướng quân, thượng hộ quân, tượng quân, thống chế gia tam cấp. Tặng tráng võ tướng quân trụ quốc đô thống thụy võ khắc Lê công chi thần”.
Hiện nay, Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu làm rõ công trạng Lê Văn Hoan. “Đây là vị danh tướng có nhiều đóng góp trong tiến trình lịch sử các triều đại phong kiến VN. Với công trạng của ông, Hội sẽ lập hồ sơ, đề xuất công nhận khu lăng mộ thành di tích lịch sử cấp thành phố, thậm chí cấp quốc gia để địa phương có điều kiện tu bổ di tích. Hội cũng xem xét tư vấn đặt tên đường để con cháu đời sau không quên tên tuổi, công lao của ông”, thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho biết.

Đại ý: Đây là một vị thần đời sau, là tướng quân đầy oai lực chỉ huy đàn voi chiến. Được phong cấp bậc cao cấp nhất của võ trướng và là vị công thần họ Lê được vua phong tặng tước hiệu đại tướng vì công giữ nước.
Voi chầu trước mộ
Ngay trên tấm bia dựng giữa khu lăng mộ vẫn còn dòng chữ ghi lại cấp bậc nói trên, đề rõ mộ được con trai ông là Lê Văn Tạo lập, từ “Minh Mạng cửu niên thất nguyệt thập tứ nhật”, tức ngày 14.7.1828 (năm Minh Mạng thứ 9). Hai bên mộ có tượng 2 con voi lớn phủ phục phía trước. Tuy nhiên sau gần 200 năm, khu mộ đã xuống cấp, hoang tàn, cây cối vây bủa đến mất cả lối vào, một tượng voi đã bị gãy mất đầu.
Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Lê Duy Anh nhiều năm qua đã dày công thu thập sử liệu để làm sáng tỏ câu chuyện thực hư về Đô thống chế. Ông cho biết: “Nhìn quy mô lăng mộ cổ, có đôi voi chầu thì nhất định ông ấy phải là tướng lớn. Trong những chuyến điền dã, chúng tôi nghe dân địa phương nhắc đến mộ ông thống, mộ Đô thống chế, một số ông thầy địa lý nói rằng thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy trong sương khói bảng lảng hình hài một vị tướng mặc áo gấm ngồi trên bành voi đi xuống từ ngọn đồi…”.
Ông Lê Duy Anh đã đi sâu tìm hiểu hàng trăm cứ liệu sử và chuyện dân gian để xâu chuỗi kết nối nên câu chuyện đời của người nằm dưới mộ.
Vùng đất địa linh
Theo sử sách, Đô thống chế Lê Văn Hoan (1758 - 1828) quê gốc ở H.Hòa Vinh (nay thuộc xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Vào giai đoạn đầu thế kỷ 18, nơi đây sản sinh những người quản tượng tài giỏi. Lê Văn Hoan cũng nằm trong số ấy nên ông được vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) chiêu mộ làm binh sĩ dưới quyền, chuyên huấn luyện đội tượng binh lên đến hàng trăm con voi dữ.
Dưới triều Tây Sơn, trước hiệu của ông là Đô đốc quản doanh tượng binh, cánh tay đắc lực thống lĩnh đội voi chiến. Cuối thế kỷ 18, Đô đốc quản tượng binh Lê Văn Hoan đã chỉ huy 100 thớt voi, cùng với đội kỵ binh do Đô đốc hữu quân Lê Văn Long (Đô đốc Long) và Đô đốc Đặng Xuân Bảo (Đô đốc Bảo) - hai danh tướng thời Tây Sơn - thống lĩnh thần tốc tiến ra Bắc dưới sự chỉ huy của hoàng đế Quang Trung, công phá các đồn của nhà Thanh trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Trên đà thượng phong, Đô đốc quản tượng binh Lê Văn Hoan chỉ huy đàn voi tiến đánh đại đồn Khương Thượng khiến tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự vẫn. Thắng giặc trở về, ông tiếp tục binh nghiệp cùng triều Tây Sơn đến năm 1799 (đời vua Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản). Đến khi quân Nguyễn Phúc Ánh (sau lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long) thắng thế trên khắp chiến trường, Đô đốc tượng binh Lê Văn Hoan quyết định giải giáp doanh cơ binh tượng, nhằm bảo toàn sinh mệnh, tránh họa sát diệt cho binh sĩ dưới quyền, để tướng, quân cùng trở về quê nhà.
Theo Quốc sử quán triều Nguyễn - Phần Đại Nam liệt truyện (NXB Thuận Hóa - Huế), vào năm 1802, nhân việc người chủ mới không thể điều khiển được đàn voi nhà Tây Sơn để lại, đồng thời cảm thấu được lòng nhân ở vị tướng quản tượng Tây Sơn, vua Gia Long triều Nguyễn đã xuống chiếu triệu hồi Lê Văn Hoan ra thống lĩnh tượng binh, tiếp tục cai quản và huấn luyện voi chiến cho triều Nguyễn. Lúc ấy ông ngoài 40 tuổi, thấy mình vẫn còn nặng nợ với bầy voi, không thể bỏ mặc chúng nên vị thống lĩnh tượng binh đã nén tình riêng với chủ cũ, nhận lời vua Gia Long tiếp quản binh tượng.
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được thăng chức Thị vệ nội úy, rồi đến Chưởng cơ, trông coi 3 cơ tượng là Tiền tượng, Tả tượng, Hữu tượng. Đến năm Minh Mạng thứ 6, vua xuống chiếu cho ông kiêm quản 5 cơ tượng. Năm Minh Mạng thứ 7 (1827), ông nhận mệnh vua đi công cán ở biên giới Nghệ An, lập nhiều công lớn và trở về được thực thụ Thống chế. Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1828), ông lâm bệnh và mất, hưởng thọ 70 tuổi. Ghi nhận công trạng của ông, vua ban cho 200 lạng bạc tiền tuất, 5 cây gấm hoa. Con trai ông là Lê Văn Tạo, vì là tập ấm (có cha làm quan lớn) nên được bổ chức Cai đội Thí tượng Quản cơ. Thi hài Đô thống chế được đưa về quê an táng và xây lăng mộ trên gò đồi của làng Cẩm Toại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.