Kỷ vật của Mẹ: Bức thư 'trở về' từ lòng đất

27/07/2017 06:36 GMT+7

Được mẹ cất giấu trong lòng đất, bức thư dài 8 trang của người con gửi mẹ trải qua bao mưa bom bão đạn, mưa lũ liên miên... vẫn được bảo quản tốt và còn nguyên màu mực.

“Hy sinh hạnh phúc đâu chỉ riêng con”
Bảo tàng Mẹ VN anh hùng (Quảng Nam) hiện đang lưu giữ 3 kỷ vật về mẹ Trình Thị Quy (ở xóm Ấp Bắc, thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam). Tuy được trưng bày tại 2 tủ khác nhau, nhưng những kỷ vật này có liên quan mật thiết và ẩn chứa câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng trong thời lửa đạn chiến tranh. Đó là chiếc hũ sành, ống tre và bức thư do con trai mẹ Quy là ông Lê Ngọc Lân (sinh năm 1932) khi tập kết ra bắc, đã gửi về cho mẹ từ TT.Trới, H.Hoành Bồ (Quảng Ninh).
Năm 1951, ông Lân vào bộ đội và được điều về công tác tại Đội thông tin liên lạc Khu 5. Đến năm 1954, ông tập kết ra bắc công tác tại Ty Lâm nghiệp Hồng Quảng (Quảng Ninh). Trong cảnh đất nước loạn lạc, 2 bức thư và 2 tấm bưu thiếp ông gửi sang Hồng Kông, sang Pháp… để chuyển ngược về miền Nam đều không đến được tay người mẹ. Sau 5 năm mất liên lạc với gia đình, đến năm 1959, ông tình cờ gặp người đồng hương Trịnh Bá cũng tập kết ra bắc học tập. Từ đầu mối này, ông viết bức thư thứ 3 dài đến 8 trang và nhờ người chuyển về cho mẹ.
“Hôm nay, con biên thư cho má nữa đây - lá thư thứ 3, không biết có đến tận tay má hay không? Dù đến hay không con cứ viết, viết để gửi vào trang giấy này những nỗi nhớ nhung thèm khát trong mối tình cảm thiêng liêng ấy. Viết để gió đưa đi, chim nhắn hộ, để cho âm vang vang mãi về phương nam xé tan bầu trời hắc ám và nặng nề ấy đi...”, ông Lân viết. Thư còn có những dòng có phần an ủi mẹ nhưng cũng đầy lý tưởng cao đẹp của ông đã khiến nhiều người đọc thư xúc động: “Má ạ! Hy sinh tình cảm rồi mà lại hy sinh cả hạnh phúc gia đình trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, trường hợp đó không riêng con đâu. Hoàn cảnh này hy sinh hạnh phúc cá nhân để xây dựng hạnh phúc chung lâu dài mới đáng quý, có phải thế không má…”.
Kỷ vật của Mẹ: Bức thư 'trở về' từ lòng đất 1
Bức thư do ông Lê Ngọc Lân viết và gửi cho mẹ
Chôn thư "né" địch
Thao thức suốt 3 đêm liền để viết bức thư, nhưng ông cũng có dự cảm rằng thư sẽ không đến tay má và từ đó “mong má hiểu cho là con của má luôn biên thư cho má, nhưng Mỹ - Diệm cố tình chia cắt mối tình ruột thịt, một nguyện vọng chính đáng nhất”. “Chắc má cũng rõ, lá thư đến được tay má phải qua muôn trùng khổ ải, nó phải vất vả long đong, lên thác xuống ghềnh, bao gian khổ nguy nan, nhưng rồi nó sẽ đến và má sẽ quý hơn vàng khi bắt được nó, có đúng thế không má?”, thư viết.
Ngay từ đầu bức thư dự định trao tay cho người đồng hương Trịnh Bá nhưng không thành do ông Bá phải ở lại công tác. Sau đó, bức thư được chuyển cho đồng đội khác vượt giới tuyến. Vào miền Nam, bức thư lưu lạc, qua tay rất nhiều người trước khi đến tay một cán bộ là cháu của mẹ ông Lân. Chính người cháu này đã đọc bức thư vì lúc này mắt bà mẹ đã mờ.
Ngóng tin con đằng đẵng 5 năm nên khi nhận thư, biết con khỏe mạnh, mẹ Quy mừng rơi nước mắt. Lá thư, kỷ vật của đứa con yêu quý, trở thành vật bất ly thân của mẹ. Nhưng rồi lo lắng nếu không may thư vào tay giặc sẽ phiền phức, nên mẹ đã tìm mọi cách giấu đi. Mẹ cắt một ống tre, cẩn thận khoét nắp rồi cuộn tròn lá thư cho vào đó. Mẹ bỏ ống tre vào một hũ sành rồi tiếp tục lấy nắp bịt kín lại trước khi đem chôn trong vườn. Những năm về sau, chiến sự miền Nam càng khốc liệt, quân địch lùng sục, bắt bớ nhưng lá thư vẫn an toàn trong lòng đất.
Tháng 10.1975, ông Lân trở về thăm quê sau nhiều năm. Đoàn viên với gia đình, ông càng cảm động hơn khi biết mẹ vẫn giữ được lá thư suốt những năm tháng dài đau thương... Trước khi mẹ đi xa mãi mãi, bà đã trao lại bức thư này cho ông để rồi nó trở thành kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử. Gần 60 năm qua, bức thư tuy đã phai nhòe nhưng nét chữ vẫn còn rất rõ. Năm 2016, hay tin Bảo tàng Mẹ VN anh hùng sưu tầm hiện vật, ông Lân đang mang bức thư cùng hũ sành, ống tre đến hiến tặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.