'Lala: Hãy để em yêu anh': Một bộ phim khó hiểu

04/02/2018 10:17 GMT+7

Bộ phim xoay quanh mối liên kết bí ẩn giữa nhạc sĩ trẻ Hà Mi (Chi Pu), nhạc sĩ thiên tài G-Feel (San E) với cô gái Yoon Hee (Chae Yeon). Câu chuyện hé mở khi G-Feel quyết định sang VN sau một biến cố lớn.

Vai diễn Hà Mi của Chi Pu là một cô gái trẻ yêu nhạc, vui tươi, hồn nhiên. Cô làm việc ở quán cà phê, thích ăn kim chi và thường đăng tải những đoạn clip chơi dương cầm lên YouTube. Hà Mi chỉ bộc lộ phần nội tâm đầy chông chênh, bất an sau cuộc gặp gỡ với Yoon Hee, không lâu sau đó nghe tin Yoon Hee tự sát, và cô bắt đầu mơ thấy những giấc mơ về thời chiến tranh cứ lặp đi lặp lại. Từ đó buộc Hà Mi phải đi tìm nguyên do ẩn sau chuỗi giấc mơ này.
Có lẽ nhờ lợi thế độ tuổi và ngoại hình nên Chi Pu dễ dàng nhập vai một Hà Mi tươi trẻ, đam mê âm nhạc, thế nhưng lại không thể làm bật lên khía cạnh sâu kín hơn của nhân vật. Biểu cảm của nữ diễn viên còn đơn điệu, hầu hết chỉ là những cái chau mày hay mở to mắt hoang mang khiến người xem không biết nên cảm nhận thế nào. Lối nhả chữ chậm rãi, có phần rề rà của Chi Pu khiến những phân đoạn cô độc thoại trở nên gượng ép, thiếu tự nhiên như đang đọc thuộc lòng kịch bản chứ không thể truyền tải được cảm xúc bằng lời nói. Nói trắng ra là Chi Pu vẫn chưa có ý thức thay đổi "đài từ" để phù hợp với vai diễn, đây cũng là thiếu sót chung của rất nhiều diễn viên Việt Nam.
Chi Pu vẫn chưa có sự thay đổi đài từ để phù hợp với vai diễn
Nhưng nhìn chung, vai Hà Mi vẫn khá đơn giản, thiếu chiều sâu từ phần kịch bản nên diễn xuất của Chi Pu trong phim vẫn thuộc diện tạm chấp nhận được, không đến nỗi thảm họa. Bên cạnh đó, trong phim còn có người diễn tệ hơn, đó là nam diễn viên San E trong vai Kang G-Feel.
Rapper San E vào vai một nhạc sĩ vừa phải chịu áp lực công việc, vừa chịu cú sốc khi hay tin bạn gái tự sát. Đây có thể nói là vai diễn nhiều nội tâm nhất phim. Đài từ của anh tạm chấp nhận được, thế nhưng biểu cảm còn “một màu” và đơ hơn cả Chi Pu. Xuyên suốt thời lượng phim, San E chỉ trưng ra mỗi một biểu cảm thẫn thờ để đối mặt với mọi tình huống. Ở bên cạnh bạn gái, anh trông chán đời. Nói chuyện với đối tác làm ăn, anh cũng chán đời. Hay tin bạn gái tự sát, anh càng chán đời hơn. Dường như không có tình huống nào trong phim khiến San E phải thay đổi biểu cảm cố hữu, buộc khán giả phải đặt câu hỏi về khả năng diễn xuất của anh. Thậm chí có không ít cảnh quay San E thụ động đến mức chỉ đờ mặt ra đấy và để mặc phần nhạc nền làm nhiệm vụ phụ họa cảm xúc.
Rapper San E dường như không có duyên với nghiệp diễn
May thay, dàn diễn viên như Jin Ju Hyung hay Jung Chae Yeon lại diễn khá ổn, có lẽ do vai của họ cũng chẳng mấy phức tạp.
Nếu có thể diễn tả sự tạp nham của phim một cách hình tượng nhất, xin chọn chi tiết “cháo hành ăn kèm kim chi”. Trong đoạn hồi tưởng quá khứ chiến tranh, cô gái câm mặc áo dài trắng do Chae Yeon thủ diễn mang cho anh lính vô danh người Hàn Quốc bát cháo hành, rồi chẳng hiểu sao lại bưng thêm đĩa kim chi ăn kèm. Chi tiết tưởng chừng buồn cười này hóa ra lại rất “đắt” vì khái quát được bản chất của cả bộ phim: một sản phẩm khó hiểu.
Lala: Hãy để em yêu anh được kể đan xen hai tuyến thời gian hiện tại và quá khứ. Hiện tại là dòng thời gian của nhân vật Hà Mi và G-Feel. Quá khứ lại có liên quan đến chiến tranh Việt Nam khi một anh lính trong lúc lẩn trốn quân thù đã chạy vào căn nhà giữa rừng và gặp thiếu nữ mặc áo dài đang chơi đàn dương cầm. Thiếu nữ ấy cũng chính là tiền kiếp của Yoon Hee. Từ đó, người xem có thể tự suy rằng cái chết của Yoon Hee trong phim là để dứt nợ ân tình trong kiếp trước.
Bố cục rối rắm, nhiều cảnh quay thừa thãi
Đoạn hồi tưởng quá khứ trong phim rất ngô nghê và thiếu thuyết phục. Cảnh quay của phim cũng mờ đục như được lọc qua một làn khói
Ý tưởng nghe chừng hay nhưng cách triển khai câu chuyện lại ngô nghê non nớt, không làm bật lên thông điệp duyên tiền định nên khiến cả đoạn hồi tưởng chiến tranh mất hết sức mạnh biểu đạt và trở nên “lạc quẻ” vô cùng. Điều gì đã khiến một thiếu nữ nhà lành khi bị người lạ chĩa súng lại không bỏ chạy, lại còn mời anh ta món kim chi? Nhưng tại sao lại có kim chi giữa thời chiến tranh trong một gia đình người Việt Nam? Chẳng ai biết tại sao.
Cách triển khai câu chuyện nhìn chung khá chắp vá, thiếu logic. Đạo diễn còn lạm dụng một số cảnh quay bằng cách tua đi tua lại nhiều lần đến mức khiến người xem thuộc lòng, như phân đoạn Yoon Hee và Hà Mi gặp nhau lần đầu tại quán cà phê hay những phân đoạn giấc mơ của Hà Mi. Có nhiều cảnh vừa sáo rỗng vừa thừa thãi, chỉ tập trung "zoom" vào gương mặt diễn viên để kéo thời lượng phim thành ra dông dài, lê thê. Các khung hình đều được nâng tông tối đa với đủ thứ hiệu ứng ngược sáng, khiến người xem cảm thấy lóa mắt.
Đến cuối phim, câu chuyện về cây đàn dương cầm được hé lộ một cách vội vã, hấp tấp. Thế nhưng mối quan hệ giữa Hà Mi và G-Feel vẫn mơ hồ. Cả hai không có cơ hội ngồi lại với nhau để cùng nói về khúc nhạc mà Yoon Hee để lại. Còn sự nghiệp âm nhạc của G-Feel ở Hàn Quốc ra sao thì chẳng ai biết. Có thể nói, chính ra ý tưởng chủ đạo không tệ nhưng vì xử lý kém nên mới biến bộ phim trở thành một món ăn khó nuốt đối với khán giả, cũng giống như món “cháo hành ăn kèm kim chi” vậy.
Lala: Hãy để em yêu anh khởi chiếu tại rạp từ ngày 2.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.