Lần theo những bước tài hoa

12/03/2012 08:51 GMT+7

Ấy là cái cảm giác khi gấp lại tuyển tập Quang Dũng, lại là tập tinh tuyển gồm cả thơ, văn xuôi, tranh và thủ bút. Nhiều thế hệ bạn đọc biết đến Quang Dũng như một người lính Tây tiến trong sách giáo khoa, sẽ thật sự thú vị khi tiếp cận với tập Mắt người Sơn Tây (*) - là cả hành trình thơ đa sắc màu và chứa chan tâm sự.

Ấy là cái cảm giác khi gấp lại tuyển tập Quang Dũng, lại là tập tinh tuyển gồm cả thơ, văn xuôi, tranh và thủ bút. Nhiều thế hệ bạn đọc biết đến Quang Dũng như một người lính Tây tiến trong sách giáo khoa, sẽ thật sự thú vị khi tiếp cận với tập Mắt người Sơn Tây (*) - là cả hành trình thơ đa sắc màu và chứa chan tâm sự.

Thơ Quang Dũng có một chút phong vị Ðường thi, như một chất men dẫn để trước biến động phong ba của cuộc đời, nhà thơ khẳng khái đối mặt lên đường và tin chắc hành trình của mình sẽ được chính thơ ghi lại. Thế rồi trong khắc nghiệt của chiến tranh, của tình người, của thói đời, chất men ấy dần đông lại thành một dạng tinh chất khác, để thơ Quang Dũng vẫn gần gũi, cận kề với những việc, những người và mỗi câu chữ viết ra là một nỗi niềm đau đáu. Có lẽ chính những dặm đường chiến dịch trong thân phận người lính đã tạo nên cảm hứng thơ bất tận trong ông. Những bến sông, đêm rừng, chiều mưa, đường trăng, những địa danh, những người đã gặp, những vuông sân đã ghé lại... tất cả đều là hiện thân của chiến tranh nhưng nhà thơ - chiến sĩ Quang Dũng đã tỉ mẩn lọc ra, tỉa tót từ những bộn bề phiền tạp của cuộc chiến để tạo thành chất liệu cho thơ.

 
Tập sách với tranh bìa của chính Quang Dũng - Ảnh: Thuận Thắng

Cứ hình dung cái lộ trình "Từ Nghệ An, Hà Tĩnh/Nghỉ lại Nho Quan/Hút điếu thuốc sợi vàng/Nhìn lên sao Bắc Ðẩu/Ðêm nào vượt sông Ðà?" mà Quang Dũng viết thành thơ cứ nhẹ như không, mới biết làm thơ cũng cần đảm lược. Cũng như dọc đường chiến tranh, thơ ông bỗng chùng lại trước nghĩa trang của những người lính giặc: cái tên Chabbi Chabbi của một người lính u Phi nào đó vĩnh viễn nằm lại trên đất VN đã làm ông xúc động, hay bối cảnh "Tôi đã dừng chân/Bên một nghĩa địa dài/Nơi yên nghỉ/Cả một tiểu đoàn lính giặc" đã làm hồn thơ người lính trong ông bột khởi. Chỉ tin rằng đó là điều chân thực của thi ca, dù rằng chính điều chân thực ấy đã mang lại cho ông không ít những thăng trầm vất vả.

Có những niềm đau đáu dồn nén khiến hơi thơ Quang Dũng bỗng trở nên ngột ngạt, lạ thay đó lại là bài thơ viết về không gian vừa qua khỏi chiến tranh: Ðường chiều thứ bảy. Có phải đây là "hội chứng hậu chiến" vẫn thường thấy ở một số nhà văn? Hay chính bản thân nhà thơ cũng không tự mình lý giải nổi về sự sống còn sau những trải nghiệm hãi hùng: "Tôi vẫn nghĩ đăm đăm/Sao chính mình vẫn còn trở lại?/Những lứa tuổi thanh niên thời đại/Mười năm sinh tử ra vào/ Sao chính mình còn thấy lại trăng sao trên hồ Tây/Uống cốc rượu ngay bên hồ Hoàn Kiếm".

Trong cơn ám ảnh của trạng thái vừa ra khỏi chiến tranh ấy, thơ ông vẫn kịp nhận ra và "zoom" vào những góc đời rất nhân văn: "Ai biết được bây giờ/ tâm sự của những người/ ngậm ngùi cất kỹ ảnh chồng/ vào đáy hộp nữ trang/ bến nước đi thêm một bước...". Nhưng tài hoa diệu thủ phải kể đến bài thơ Nhớ bạn Quang Dũng viết gửi Hữu Loan: vừa choáng ngợp khi trong mắt ông thì Hữu Loan là "Con chim phượng hoàng/con chim đại bàng/Nuốt lửa kiếm rau", vừa rùng mình trước hình ảnh: "Cha già phơi áo rách/Mẹ trông ngõ ngày dài/Thương con thành hổ báo/Thương một người con trai".

Và hành trình của Quang Dũng khi ngoặt qua mảng văn xuôi lại trở thành một nét tài hoa khác hẳn. Chỉ riêng cái tác phẩm Mùa quả cọ, giọng văn viết cho thiếu nhi như những tiếng reo vui vào mùa cọ chín. Không gian thiên nhiên thân thiết đến kỳ lạ khiến người đọc tần ngần không biết ông nhà thơ Quang Dũng này tìm đâu ngần ấy kiến thức về các loại chim rừng, sóc, khỉ... Còn bài ký Cống trắng Khâm Thiên thì quả thật đáng làm ngán ngại cho những ai ôm mộng viết địa chí về một vùng đất mà chưa thật sự sống cùng, chưa am hiểu và chia sẻ với những phận người, những biến động thời cuộc xảy ra trên vùng đất đó.

Quang Dũng không viết địa chí, ông chỉ nhẩn nha kể chuyện ở phố Khâm Thiên thời trước và sau cách mạng, nhưng nó sống động, thương tâm, thiệt thà theo mỗi phận người, đẫm nước mắt trong từng câu chuyện. Những thông tin ấy đã thuộc về lịch sử, và cũng chỉ còn tìm được ở những trang viết này của Quang Dũng, chứ không phải ở những pho địa chí rổn rang nào.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.