Lắt léo chữ nghĩa: Gốc Hán của bốn chữ 'bụng làm dạ chịu'

27/09/2020 06:42 GMT+7

Tam thiên tự dạy ta “腹 phúc bụng 膺 ưng lòng” (chữ 1779, 1780) nhưng đây chỉ là giảng về nghĩa chứ về từ nguyên thì lại khác.

Bụng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𩪌] mà âm Hán Việt là phụng vì thiết âm của nó là “phòng dụng thiết” [房用切], như đã cho trong Tập vận. Nhưng âm xưa (Cổ Hán Việt) của chữ phòng [房] là buồng nên theo đó âm xưa của [𩪌] lại là bụng vì “b[uồng]+[d]ụng = bụng. Hiện tượng “B xưa hơn PH” đã được Vương Lực chính thức chứng minh từ năm 1948 tại thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (in trong Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.209 - 406). Còn nghĩa nữa của [𩪌] là “ngực” (hung dã [匈也]), như Ngọc thiên đã giảng (dẫn theo Hán ngữ đại tự điển). Ngực liền với bụng nên việc chuyển nghĩa từ “ngực” sang “bụng” không phải là chuyện tối kiêng kỵ.
Làm thì có liên quan về nguồn gốc với chữ lãm [攬], mà nghĩa gốc quen thuộc là “cầm, nắm”. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi cho nó 7 cái nghĩa cụ thể nhưng riêng Văn Tân thì lại còn đối dịch nó là “làm” trong Từ điển Trung Việt (NXB Sự thật, 1956).
Dĩ nhiên Văn Tân có cái lý của ông vì cái nghĩa “làm” của lãm [攬] nằm ngay trong ngữ vị từ lãm công [攬工], thường được giảng là “tố trường công” [做長工], nghĩa là “làm thuê dài hạn”. Nếu có người bẻ rằng lãm công [攬工] chỉ thuộc về phương ngữ chứ không phải là một đơn vị từ vựng chung thì ta lại còn có một ngữ vị từ “chung” là lãm hoạt [攬活], có nghĩa là “làm công việc nặng nhọc (để mưu sinh)”. Đằng nào thì cái nghĩa “làm” cũng đã nằm trong hệ nghĩa của từ lãm [攬]. Nói tóm lại thì làm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [攬], có âm Hán Việt là lãm, mà “làm” là cái nghĩa nằm trong một góc khuất.
Dạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [也], hiện nay chỉ dùng theo lối giả tá như là một hư từ nhưng cái nghĩa cực kỳ cổ xưa của nó lại là “bộ phận sinh dục của đàn bà”, như Hứa Thận đã giảng trong Thuyết văn giải tự: “Nữ âm dã. Tượng hình” [女陰也。象形] Đi vào tiếng Việt, dạ có nghĩa rộng như có thể thấy trong dạ con, bụng dạ, lòng dạ...
Chịu bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [遂], mà âm Hán Việt hiện hành là toại, có nghĩa là “hài lòng, thỏa mãn; thuận theo”. Nhưng âm gốc của [遂] lại là tụy, vì đây là một chữ thuộc vận mục chí [至]. Thiết âm của nó trong Quảng vận là “từ túy thiết” [徐醉切]. T[ừ]+[t]úy = tụy (sở dĩ tụy thuộc dấu nặng vì chữ từ thuộc dấu huyền). Tương quan T « CH giữa tụy chịu còn có thể thấy qua: - tạc [笮], dây xoắn bằng lạt tre « chạc trong thừng chạc; - tán [饡], cho canh vào cơm « chan trong chan canh; - tiệm [漸] trong tiệm tiến « chậm trong chậm trễ; - tiên [煎], đun cho cạn « chiên trong chiên xào; - tiết [紲], buộc bằng dây « chít trong chít khăn; - tiệt[截], cắt đứt « chịt (làm cho tắc lại);... Về quan hệ I/Y « IU, ta có: - bỉ [鄙] trong khinh bỉ « bỉu trong dè bỉu;
- bị [被], mắc, dính « bịu trong bận bịu; - quỵ [跪], còn có âm khụy, quỳ gối « khuỵu trong khuỵu chân; - trì [持], cầm, giữ « trìu trong trìu mến; - trụy [墜], rơi xuống, sa xuống « trĩu trong nặng trĩu...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.