Lắt léo chữ nghĩa: Nghĩa của một số “yếu tố láy” (*)

05/07/2020 08:00 GMT+7

28. Kỉnh trong cáu kỉnh: Kỉnh là điệp thức của cảnh, một yếu tố Hán Việt, ghi bằng chữ [𢙾], có nghĩa là “oán giận, hờn dỗi”. Chúng tôi đã nhiều lần nói về quan hệ ANH « INH.

29. La trong lê la: La không phải là một âm tiết láy vì ngoài lê la, nó còn hiện diện cả trong la cà và khi một yếu tố tồn tại trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa thì đó là một từ, ít nhất cũng là một hình vị, tức một yếu tố có nghĩa. Huống chi, la là một yếu tố Hán Việt mà chữ Hán viết với bộ túc [足] bên trái và thanh phù la [羅] bên phải thành [足+羅]. La có nghĩa là “đi lại khó khăn”.
Vậy lê la không phải là một từ láy.
30. Lao trong lớn lao: Lớn lao không phải là một từ láy vì lao là một yếu tố có nghĩa và là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [牢], với nghĩa hữu quan mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho, là “bao la” [包羅], nghĩa là có phạm vi rộng lớn đến có thể chứa mọi thứ. Vậy lao không phải là một yếu tố láy, còn lớn lao thì lại vốn là một cấu trúc đẳng lập gồm hai yếu tố cận/đồng nghĩa.
31. Lìm trong im lìm: Lìm là một hình vị gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [溓] mà âm Hán Việt hiện hành là liệm, có nghĩa là “yên lặng”. Sự chuyển âm từ IÊM sang IM cũng giống như từ nhiều chữ kiềm khác nhau [拑,箝,鉗], với nghĩa là “dùng hai thanh tre mà kẹp”, “đồ dùng bằng sắt để kẹp đồ vật”..., sang kìm trong kìm kẹp, kìm hãm...
32. Lò trong lò dò và lò mò: Từ điển từ láy tiếng Việt ghi nhận cả lò dò lẫn lò mò vì mặc nhận rằng lò là một yếu tố láy. Nhưng lò hiện diện trong cả hai cấu trúc lò dò và lò mò với cùng một nội dung ngữ nghĩa nên đó hiển nhiên là một hình vị (chứ không phải một âm tiết vô nghĩa). Huống chi, đây lại còn là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [瞜], mà âm Hán Việt hiện hành là lâu, xưa hơn nữa là lầu, có nghĩa là “xem kỹ, nhìn kỹ”. Về quan hệ ÂU « O giữa lâu/lầu và lò, ta còn có: cấu [够], đầy đủ, nhiều « có trong giàu có; ngẫu [藕] « ngó trong sen ngó với đào tơ.
33. Lòa trong lòa xòa: Từ điển Tiếng Việt 2008 giảng xòa là “buông xuống và tỏa ra xa trên một diện rộng”. Không có quyển từ điển nào giảng lòa trong lòa xòa. Thực ra, đây là một yếu tố Hán Việt, ghi bằng chữ [𩮹], nay đọc là loa nhưng âm xưa chính là lòa vì thiết âm của nó là “lạc hòa phiên” [洛禾反], như đã cho trong Hán Nôm đại từ điển (HNĐTĐ). L[ạc] + [h]òa = lòa. HNĐTĐ cho nghĩa của nó là “đầu phát trù mật” [头发稠密], nghĩa là “tóc tai rậm rạp”. Với nghĩa này thì lòa hiển nhiên là “chính chủ” trong lòa xòa và lòa xòa hiển nhiên vốn là một từ ghép đẳng lập chứ tuyệt đối không phải là một từ láy.
34. Long và lanh trong long lanh: Long lanh là điệp thức của từ tổ lung linh [瓏玲] trong tiếng Hán, mà Hán điển (zdic.net), cũng như nhiều nguồn khác giảng là “sáng sủa” (quang minh đích dạng tử) và dịch sang tiếng Anh là “bright; brilliant”. Lung [瓏] « long thì cũng giống như: cung [弓] « cong trong đường cong; hình dung « hình dong; tam tùng (tứ đức) « tam tòng (…); trung [中] « trong. Còn linh [玲] « lanh thì cũng giống như: bản lĩnh « bản lãnh; đỉnh [頂] « đảnh trong đảnh lễ; ninh [獰], (vẻ) dữ dằn « nanh trong nanh ác; sinh viên « sanh viên.
(*) Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 28.6.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.