Lắt léo chữ nghĩa: Nguồn gốc của từ 'đất' và 'đá'

06/06/2021 06:08 GMT+7

Cách đây hơn một thế kỷ, trong Etudes sur la phonétique historique de la langue annamite - Les initiales (Imprimerie d’Extrême-Orient, 1912), học giả Henri Maspéro đã quy từ đất về gốc Môn-Khmer (tr.33).

Ông đã dàn hàng ngang để so sánh theo thứ tự Annamite - Mon - Khmer - Bahnar - Stieng - Rơngao - Cham, như sau: đất - tĭ - đĭy - teh - těh - t-ơn-ih - t-ỡn-ih - t-ăn-ơn (Chúng tôi buộc phải thay dấu “mặt trăng” [như trong chữ “ă”] của tiếng Rơngao bằng dấu “ngã”).
Thực ra, đất là một điệp thức của địa [地] (« đị) theo tương ứng I « ÂT, chẳng khác gì: - chí [至] hài thanh cho thất [室]; - ni [尼] hài thanh cho nật [昵], bản thân ni [尼] cũng đọc nật; - phất [弗] hài thanh cho phí [費]. Còn đĭy của tiếng Khmer chẳng qua là do mượn ở đai trong đất đai của tiếng Việt; bản thân đất đai là điệp thức của địa đái [地帶] trong tiếng Hán, mà trang Từ điển võng [词典网] giảng là “thổ địa đích phạm vi; địa khu phạm vi” [土地的范围;地区范围].
Cũng trong Etudes [...], ngay dưới hàng ngang của đất là hàng ngang của đá, mà Maspéro đã ghi như sau: đá – t-m-a – t’-m-a – t-ỡm-o – t-ỡm-âu – ham-u – ba-tau.
Thực ra, Cham (Chăm) không thuộc ngành Môn-Khmer nên ba-tau không có vai trò gì ở đây. Còn bốn từ của Mon, Khmer, Bahnar và Stieng, trong đó tiếng Khmer là ngôn ngữ của quốc gia, thì chúng tôi xin thưa đó là do vay mượn từ tiếng Sanskrit aśma[n] (Pali: asmā), dĩ nhiên có nghĩa là “đá”.
Còn đá của tiếng Việt thì sao? Đây là một từ gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [石], mà âm Hán Việt hiện hành là thạch nhưng xét về lịch sử thì nó lại đọc là đá, với phụ âm đầu Đ. Bằng chứng là chữ này đã dùng để hài thanh cho chữ đố [妬] là “ghen”. Trang Trung Hoa ngữ văn tri thức khố [中華語文知識庫] khẳng định rằng trong giáp cốt văn (là loại hình văn tự xưa nhất của Tàu) thì chữ đố [妬] vốn thuộc bộ nữ [女] và đọc là [石] nhưng vì [石] và [戶] tự dạng na ná nhau nên chữ [妬] cũng viết thành [妒].
Thuyết văn giải tự chú viết về chữ đố [蠹] như sau:
“(Đố) mộc trung trùng. Tại mộc trung thực mộc giả dã. Kim tuc vị chi chú [蛀]. Âm chú [注]. Tả truyện viết: Công tụ hũ đố. Tùng côn [䖵]. Thác [槖] thanh. Đương cố thiết [當故切]. Ngũ bộ [五部].”
Chữ [槖], nay thường đọc là thác, với nghĩa là “cái túi dùng để xách, để đựng”, theo Thuyết văn giải tự chú, lại có âm đố vì hài thanh bằng chữ [石]. Từ đố đến đá (Ô « A) chỉ có một bước, giống như: - bộ [簿] trong sổ bộ cũng đọc bạ trong học bạ; - cố [固] hài thanh cho [個]; - mộ [墓] trong mộ chí « mả trong mồ mả; - nỗ [弩] « ...
Vậy đá là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [石], nay đọc là thạch, nhưng xưa từng đọc là đố (> đá).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.