'Life': Hiểm họa đến từ sự tò mò

26/03/2017 14:04 GMT+7

Có nên hay không việc tiếp cận với giống loài ngoài Trái đất? Thay vì phác họa tương lai đầy hi vọng, thì bộ phim Life của đạo diễn Daniel Epinosa lại phơi bày viễn cảnh tăm tối một khi chiếc hộp Pandora được mở.

Life khắc họa một cuộc chiến kinh điển, đó là cuộc chiến giữa Con người với Cái chưa biết. Nhân loại vốn đã cảm thấy mối nguy ấy từ nhiều thập niên nay qua sự phát triển nhanh chóng của công nghệ vũ trụ và sự xuất hiện của hàng loạt bộ phim thuộc dòng kinh dị - khoa học viễn tưởng (horror sci-fi) như Alien (1979), It Came from Outer Space (1953)... Giờ đây, Life lại một lần nữa khơi dậy nỗi sợ ấy, nhưng nếu Alien lấy bối cảnh tương lai, thì Life lại là chuyện kinh dị ở thì hiện tại.
Cốt truyện của Life vô cùng đơn giản, theo bước một phi hành đoàn khi họ vô tình phát hiện sự tồn tại của một sinh vật đã hủy diệt sự sống trên sao Hỏa từ hàng triệu năm trước. Sinh vật ấy được gọi với cái tên Calvin, có trí tuệ siêu việt, khả năng thay đổi hình dạng và tốc độ phát triển kinh hoàng. Bị tách khỏi môi trường sinh sống, Calvin buộc phải “trỗi dậy” để chống lại các phi hành gia trên trạm vũ trụ.
Trong bối cảnh đó, Jake Gyllenhaal vào vai tiến sĩ David Jordan trầm tĩnh, Ryan Reynolds thể hiện một Rory Adams nóng tính, Rebecca Ferguson vào vai bác sĩ Miranda North. Các nhà khoa học còn lại lần lượt được phân bố đại diện cho các nước lớn trên thế giới, như Mỹ, Nga và Nhật Bản. Các diễn viên đều hoàn thành tốt vai diễn, tuy hai nam tài tử Jake Gyllenhaal và Ryan Reynolds vẫn trội hơn cả. Người xem không thể nào quên được ánh mắt đầy ám ảnh của Jake lẫn tính hài hước rất đặc trưng của chàng Deadpool Ryan.
Sau Deadpool, Ryan Reynolds trở lại với vai diễn Rory Adams đầy ấn tượng trong Life
Bối cảnh phim vừa rộng lại vừa hẹp. Rộng vì được đặt trong môi trường vũ trụ bao la, hẹp vì các phi hành gia chỉ có thể hoạt động trong chừng mực nào đó xung quanh trạm không gian. Điều này đặt họ vào một thế tiến thoái lưỡng nan, khi cả bên trong lẫn bên ngoài trạm đều ẩn chứa sự chết chóc. Không thể trông chờ sự trợ giúp từ bên ngoài, chỉ có thể phát huy sức mạnh từ bên trong. Tình cảnh này ta đã từng thấy ở Gravity (2013), trong đó con người buộc phải đối mặt với cái im lặng ghê hồn của vũ trụ và của chính lòng mình để có thể sống sót.
Như vậy, thay vì mở ra tương lai tươi sáng khi biết rằng trái đất không hề đơn độc, thì Life lại đưa ra một lời cảnh báo ghê người: hãy để chiếc hộp Pandora giữ nguyên bí ẩn của nó. Vì sự tò mò có thể đưa đến diệt vong. Nàng Pandora trong thần thoại Hi Lạp đã tò mò mở chiếc hộp mà thần thánh giao cho, để tai ương tràn khắp thế gian. Nhưng thứ còn lại ở đáy chiếc hộp không phải là “hi vọng” như người ta thường lầm tưởng, mà theo một cách diễn giải khác, còn là “sự bất khả thấu thị tương lai”. Chính vì không lường trước tương lai đầy bất trắc, con người mới có thể tồn tại cho đến ngày nay với đôi mắt mù và con tim rộng mở. Đời sống của mỗi người trong chúng ta cũng tương tự, vì không biết trước những gì xảy đến cho ta ngày mai, nên ta mới có thể sống yên ổn vào hôm nay. Trong thực tế, nhân loại vẫn mưu đồ thám hiểm từng ngõ ngách của vũ trụ, mong đợi một điều gì đó mà chính họ cũng không lường trước được.
Nhưng cũng nên nhớ rằng sinh vật mang tên Calvin trong Life không hoàn toàn là phản diện. Mà đây thực chất chỉ là một cuộc chiến sinh tồn ngoài không gian. Không có đúng sai ở đây, chỉ có mạnh được yếu thua - cũng chính là quy luật sinh tồn từ bao đời nay. Life đã phác họa cuộc chiến ấy ngoài không gian, khi con người trở nên yếu ớt và thảm hại, tuyệt vọng chống đỡ với Cái chưa biết. Con người là gì khi đứng trước vũ trụ đầy tiềm năng? Chẳng là gì cả.
Ánh mắt đầy ám ảnh của nam tài tử Jake Gyllenhaal trong phim
Life không được sản xuất với kinh phí khổng lồ, cũng không được truyền thông quá rầm rộ lúc ra mắt, nhưng lại là một trong những phim chất lượng của nửa đầu năm 2017, khai thác rất hiệu quả hiệu ứng kỹ xảo và âm thanh trong những cảnh giật gân. Màu sắc phim hư hư thực thực gợi cho ta liên tưởng đến một giấc mơ. Giấc mơ khi con người đặt chân ra ngoài vũ trụ lần đầu, để rồi sau đó biến hóa thành một cơn ác mộng kinh hoàng.
Và đến cuối cùng, như nét mực điểm xuyến trên bức tranh đã được tô vẽ khéo léo, Life gieo vào lòng khán giả một cái kết đầy ám ảnh, rất hợp với thông điệp mà ngay trên poster đã đưa ra: Fear life, not death - Hãy e sợ với nguồn sống, chứ không phải cái chết. Vì trên hành trình sinh tồn, chính sự đấu tranh vì sự sống mới đưa đến cái chết, chứ không phải ngược lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.