Ly kỳ chuyện cọp: Cọp bị ngộ sát

07/11/2015 07:36 GMT+7

Người dân ở tổ dân phố Mỹ Trạch, P.Ninh Hà, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) hằng năm vẫn duy trì lễ cúng tại miếu cọp, cầu mong “ông” cọp che chở dân làng. Tục cúng “ông” cọp được cho là xuất phát từ chuyện xưa kia người trong làng vô tình giết chết những đứa con của “ông”.

Người dân ở tổ dân phố Mỹ Trạch, P.Ninh Hà, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) hằng năm vẫn duy trì lễ cúng tại miếu cọp, cầu mong “ông” cọp che chở dân làng. Tục cúng “ông” cọp được cho là xuất phát từ chuyện xưa kia người trong làng vô tình giết chết những đứa con của “ông”.

Miếu thờ cọp của làng Mỹ Trạch - Ảnh: Nguyễn ChungMiếu thờ cọp của làng Mỹ Trạch - Ảnh: Nguyễn Chung
Ba cọp con bị chết cháy
Ngày xưa, Mỹ Trạch là một làng nhỏ, nghèo khó. Trải qua hàng chục năm khai hoang, sức người đã biến nơi đây thành một vùng đất trù phú và Mỹ Trạch trở nên nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói truyền thống. Tuy vậy, những người cao tuổi ở Mỹ Trạch đều cho rằng làng cũng có nhiều thăng trầm, mà mỗi khi kể về quá khứ, người dân lại chột dạ nhớ về chuyện dân làng có lỗi với “ông” cọp.
Truyền rằng, khi làng mới thành lập, người dân tích cực khai hoang trồng lúa, trồng cói dệt chiếu. Một ngày nọ, khi đốt xong đám cỏ lác, nông dân làng Mỹ Trạch đã phát hiện có ba bộ xương cọp con bị cháy.
Dân làng tự trách mình đã vô tình giết chết ba chú cọp con. “Tôi nghe cha ông kể lại rằng, sau khi sự việc xảy ra, dân làng ai cũng hoảng hốt. Có người còn chắp tay vái lạy rối rít, có người van xin “ông” cọp tha lỗi vì chuyện xảy ra chỉ là sự vô ý của con người, có người thì chạy về đóng kín cửa, giấu con nhỏ vì sợ “ông” trả thù”, ông Năm, 70 tuổi, người trong làng cho biết.
Người dân còn nghe kể lại rằng, sau khi cọp mất con, nhiều đêm người ta nghe tiếng “ông” cọp kêu gào thống thiết ở khu vực rừng bị đốt cháy phát quang. Mùa vụ năm đó, người dân làng Mỹ Trạch không ai dám tiếp tục khai hoang gần khu vực trên nữa. Không biết có phải là do “ông” cọp “trả thù” mà năm ấy dân làng không sản xuất được nên lâm vào cảnh túng quẫn.
Lập miếu thờ cọp
Dân làng Mỹ Trạch cho rằng việc ngộ sát ba chú cọp con đã khiến cọp mẹ nổi giận, liên tục quấy phá, khiến người dân “làm gì hỏng nấy”. Trong tâm trạng âu lo, có người đã nghĩ đến việc hoặc là bỏ đi nơi khác, hoặc phải chuẩn bị tinh thần đón rước những tai họa có thể ập xuống.
Trước tình cảnh ấy, dân làng quyết định mở một cuộc họp, bàn cách chuộc tội với “ông” cọp. Cuối cùng, người dân nguyện lập một miếu thờ cọp. Xương cốt của ba chú cọp con được người dân đưa về, cẩn thận cho vào một hộp gỗ nhỏ, đặt trong miếu thờ.
Theo lời kể của người dân địa phương, ban đầu ngôi miếu thờ cọp được dựng lên ngay khu vực ba chú cọp con bị cháy. Mỗi sáng, người dân thường thấy nhiều dấu chân cọp quanh miếu và biết rằng cọp mẹ tối hôm trước đã về đây thăm con. Dường như nghĩa cử của dân làng Mỹ Trạch cũng xoa dịu được phần nào đau đớn của cọp mẹ mất con nên từ khi lập miếu, cọp không còn về làng gầm rú, thoắt ẩn thoắt hiện “hù” người dân nữa.
Trải qua nhiều năm, miếu thờ cọp xuống cấp, người dân đã làm lễ xin dời vào trong làng, thuộc khuôn viên đình Mỹ Trạch. Ngôi miếu nhỏ thờ cọp được xây bằng xi măng, mái ngói, nằm phía bên hông trái đình Mỹ Trạch giờ đã phủ rêu phong. Trước miếu có bình phong với hình tượng cọp mẹ, sơn màu vàng chủ đạo, đang băng qua cảnh núi rừng của làng Mỹ Trạch xưa. Trong miếu vẫn còn lưu hộp gỗ đựng cốt ba chú cọp con.
Ông Nguyễn Xèo, 73 tuổi, là người được dân làng Mỹ Trạch tin tưởng giao nhiệm vụ trưởng ban tế lễ nhiều năm nay, cũng được xem là người am hiểu “lịch sử” của làng, cho biết đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18. Hằng năm, cứ đến ngày 18.3 âm lịch là người dân Mỹ Trạch góp tiền lo lễ vật mang ra cúng tại đình làng. Ngoài lễ thờ cúng Thành hoàng làng, Hậu thổ thánh nương, tiền hiền... người dân còn làm lễ cúng tại miếu thờ sơn lâm chúa tướng, chính là miếu thờ ba chú cọp con bị ngộ sát năm xưa.
Ông Xèo cũng như người dân Mỹ Trạch không biết rõ thời gian cọp bị ngộ sát, chỉ biết tục cúng miếu cọp đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Chúng tôi hỏi: “Đã bao giờ dân làng thử mở hộp gỗ bên trong miếu ra chưa?”. Ông Xèo nói ông gắn bó với việc tế lễ tại đình Mỹ Trạch trên dưới chục năm, nhưng chưa khi nào dám đụng vào hộp gỗ đó và có lẽ nó vẫn “yên vị” từ bao đời nay.
Chuyện cọp làng Mỹ Trạch tưởng như đã hết sau khi miếu thờ cọp được lập nên, tuy nhiên, trong cuốn Truyền thuyết dân gian Khánh Hòa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Việt Kỉnh cho biết thêm: Một đêm mùa đông nọ, người dân làng Mỹ Trạch lại thất kinh khi nghe tiếng cọp về. Nhưng lần này tiếng kêu hiền lành và đứt quãng. Dân làng hoang mang. Mọi người chuẩn bị vũ khí, mai phục bắt cọp. Lúc này, có lão nông trong làng từng đốt rẫy khiến ba con cọp con chết thuở xưa nói với đám trai tráng trong làng hình như cọp mẹ về làng để chào những đứa con của mình lần cuối.
Hôm sau, người dân thấy quanh miếu thờ cọp con đầy dấu chân cọp mẹ, cánh cửa miếu bị hất toang. Sau lần ấy, người dân không bao giờ thấy cọp về làng nữa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.