Ly kỳ chuyện cọp: Người xưa bắt cọp

06/11/2015 06:01 GMT+7

Chuyện chúa sơn lâm dũng mãnh bị con người hạ gục bằng nhiều cách được ghi chép, kể lại đến ngày nay.

Chuyện chúa sơn lâm dũng mãnh bị con người hạ gục bằng nhiều cách được ghi chép, kể lại đến ngày nay.

Trên bưu thiếp Đông Dương xưa có cảnh người dân VN ngồi cạnh con cọp đã bị giết - Ảnh: T.LTrên bưu thiếp Đông Dương xưa có cảnh người dân VN ngồi cạnh con cọp đã bị giết - Ảnh: T.L
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Khoa Châu, năm nay 71 tuổi, ở làng Tân Mỹ, TT.Vạn Giã (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) dẫn chúng tôi đến cây sộp cổ thụ cách nhà ông chừng 200 m, nói: “Xưa kia, một con cọp bị người dân hạ gục, đem về để tại gốc cây sộp này”.
Đánh cọp cứu chó
Người dân làng Tân Mỹ ngày nay vẫn truyền nhau câu chuyện ông Đinh Văn Bé đánh cọp để cứu con chó quý. Theo nhà nghiên cứu Võ Khoa Châu, chuyện xảy ra cách đây đã hơn 50 năm. Ông Bé khi ấy ngoài 30, là người cao lớn, giỏi võ nghệ. Ông nuôi một đàn chó săn, trong đó có con chó đầu đàn rất tinh khôn.
Một lần, ông Bé dẫn đàn chó ra Sơn Đừng (thuộc xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh) săn thú. Bỗng nhiên, một con cọp từ đâu xuất hiện chồm lên, chụp đúng con chó đầu đàn. Con chó sủa lên thảm thiết. Thấy vậy, ông Bé cầm một khúc cây có gai nhọn xông đến đánh tới tấp vào đầu cọp để cứu con vật quý. Trúng đòn, cọp vằn nhả con chó ra nhưng vẫn ngồi lên trên và dùng chân giữ chặt con mồi, mắt gườm gườm nhìn ông Bé. Bất ngờ, cọp quật đuôi, phóng lên hòng vồ người. Ông Bé cúi xuống né được.
Người và cọp quần nhau một hồi lâu, đoạn cọp vồ hụt, va vào một gốc cây sau lưng ông Bé, làm bật cả rễ. Ông Bé thừa thế, quay người giáng những đòn chí tử vào đầu cọp. Hạ được cọp, ông Bé chạy đến chỗ con chó đầu đàn, nhưng nó đã chết do bị cọp bấm yết hầu. Con cọp được đem về gốc cây sộp của làng Tân Mỹ. Người dân kéo đến xem đông như hội.
Quận trưởng nghe tiếng, liền cho lính xuống chở cọp về quận và thưởng cho ông Bé 5.000 đồng.
Vạn Ninh xưa kia cũng là một vùng đất nhiều cọp dữ. Về chuyện bắt cọp, người dân địa phương còn lưu truyền câu chuyện người săn cọp sau đó bị cọp bắt. Ba người nọ lên rừng, phát hiện trong hang có mấy chú cọp con mà không thấy cọp mẹ đâu nên bắt cọp con mang về dưới làng để bán cho sở thú. Một đêm, ba người ra ngoài sân nhà nằm ngủ thì cọp mẹ về làng, bắt người nằm giữa tha đi. Sau vụ đó, dân làng không dám ngủ ngoài sân nữa và mỗi khi đi rừng, đi tìm trầm kỳ, người ta nằm ngủ kiểu “quây tròn”, vì không ai dám nằm giữa.
Đủ kiểu bắt cọp
Nhà thơ Giang Nam cho biết trước năm 1945, quê ông ở TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) nổi tiếng nhiều cọp. Người dân thường đào những hố sâu trên rừng núi để bẫy cọp. Hố này sâu lút đầu người, miệng hố rộng khoảng 2 m2, bên trên phủ lá cây để “ngụy trang”. “Khi cọp “sập bẫy”, hố sâu nhưng lại hẹp nên cọp không có “thế” lấy đà phóng lên. Cọp kiệt sức, người ta quây trên miệng hố, dùng dây trói cọp rồi đưa lên, mang về bán cho các sở thú”, nhà thơ Giang Nam kể.
Cũng khoảng thời gian này, ở Ninh Hòa có ông Giáo Nhân làm những bẫy cũi lớn, đặt rải rác ở vùng núi Ổ Gà để nhử cọp. Trong cũi nhốt một con chó sống làm mồi. Cọp vào trong cũi ăn mồi thì cửa ngoài sập xuống. Cọp dính bẫy, người ta giữ lại bộ da, còn bộ xương nấu cao.
Chuyện săn bắt cọp một thời còn diễn ra ngay tại Nha Trang. Nhà thơ Nguyễn Tư Giản từng viết: “Đại Lãnh văn viên cô nguyệt hạ /Nha Trang xạ hổ loạn vân gian” (nhà thơ Quách Tấn dịch: “Lắng vượn trăng mờ đêm Đại Lãnh /Bắn hùm mây rối núi Nha Trang”). Trong cuốn Những chuyện kể dân gian tại Khánh Hòa, tác giả Lê Quang Nghiêm cho biết khoảng năm 1935 - 1942, tại Nha Trang có nhóm 5 - 7 người Pháp và vài người Việt thường săn bắn cọp để giải trí. Tay súng thiện xạ người Pháp lai tên là Charles, con ông kỹ sư Pháp mà người ta thường gọi ông Lục Điếc, hay rủ bạn là sĩ quan Pháp hoặc người Pháp là chủ đồn điền cao su Suối Dầu đi cùng. Săn được, vật quý lưu lại tặng bạn bè là bộ da cọp. Mấy tay săn cọp dùng súng bắn đạn chài. Những tay thiện xạ thích dùng súng trường bắn đạn xoáy, vì hiệu quả hơn nhờ sức công phá mạnh khoét rộng vết thương con vật.
Nhà thơ Giang Nam vẫn còn nhớ một câu chuyện buồn. Khoảng trước năm 1954, khi đó ông công tác ở Ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Có lần, đoàn công tác từ H.Diên Khánh về lại chiến khu Đồng Bò ở Nha Trang vào đêm tối. Khi ngang qua một quãng rừng thì thấy có ánh đèn pin loang loáng. Mọi người biết đó là nhóm người phục vụ cho Pháp đi săn cọp và thú rừng nên khi thấy đèn pin thì nằm xuống, không cựa quậy. Tuy nhiên, có một đồng chí làm “động”, bị toán thợ săn bắn chết. Biết bắn nhầm người, nhóm đi săn mặc kệ, bỏ đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.