Má ơi - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

13/12/2015 07:40 GMT+7

Tám tuổi và sau hai năm lớp một Thơ đã nghỉ học. Bà cô giáo không bằng cấp và lương lậu. Bà dạy chẳng qua giúp cho bầy trẻ không lê la quán chợ đầu đình.

Tám tuổi và sau hai năm lớp một Thơ đã nghỉ học. Bà cô giáo không bằng cấp và lương lậu. Bà dạy chẳng qua giúp cho bầy trẻ không lê la quán chợ đầu đình. 

Minh họa: Tuấn AnhMinh họa: Tuấn Anh
Cha mẹ chúng cho đồng bạc hay ký lúa thì tốt, không có cũng không sao. Nghèo phải chịu vậy. Vậy rồi sau hai năm rời lớp tình thương Thơ không đánh vần cũng như không viết được. Ngay khi ôm vở con bé còn không lần ra mặt chữ thì lấy cái gì để nhớ nhiếc mà viết với đọc? Đó là Thơ còn có cái để khoe là con học lớp hai rồi, còn em Nghĩa thì khỏi học luôn. Nếu má không bỏ đi có lẽ Thơ vẫn còn học và cu Nghĩa cũng được đến trường. Thơ nghe cô Tư - chị của ba - nói:
- Mày cũng cho thằng Nghĩa đi học chớ Hậu, cứ để nó dang nắng hoài sao?
Ba lè nhè. Lúc nào ba cũng lè nhè:
- Kệ đi chị Tư. Tui với chị mấy học? Cả nhà mình có ai đọc được tờ báo mà cũng sống chớ có chết đâu mà lo.
- Tao với mày khác Hậu ơi. Thời kiếm không ra cái ăn qua lâu rồi em à.
- Mệt bà quá. Kệ tui.
- Con Thi ở được với mày kể cũng lạ. Trước sau gì nó cũng bỏ mày cho coi.
- Tui đố đó.
Vậy rồi một sáng nào đó Thơ không nhớ nữa. Chị em Thơ thức dậy và không thấy má. Tưởng má theo cô Tư đi làm. Trưa về ba hỏi:
- Má đâu Thơ?
- Ủa… Má đi làm với cô Tư mà.
- Mày chạy qua cô Tư kêu má về - ba lầm bầm - thứ đàn bà chuyện nhiều, giờ này mà không cơm nước gì hết trơn.
Bên cô Tư không có. Thơ chạy đi khắp xóm nhưng:
- Tao nói mà mày đâu có nghe - cô Tư thở dài - Nó đi luôn cho mày coi.
- Thơ - cha biểu - mày chạy qua quán bà Tám mua tao chai rượu. Bà mẹ… nó đi đâu vậy kìa?
- Mày uống vừa thôi Hậu…
- Kệ tui… tui uống tiền tui chớ tiền của bà à?
Bình chân được hai ngày ba Hậu bắt đầu đôn đáo, nhưng biết kiếm má ở đâu? Bà con cô bác kẻ nói đông người nói tây. Phán khơi khơi rằng coi chừng vợ mày bị tụi chơi bùa yêu dẫn đi rồi Hậu ơi. Ba đi coi thầy. Thầy nói có con ma giấu má rồi. Muốn về phải đem cho thầy cái áo để thầy làm phép. Ba đem cả áo cả quần đến. Tiền cúng cho âm hồn cũng bồn bộn. Ba có bớt uống và ra sức nhờ hết thầy đến cô. Một tuần rồi một tháng trôi qua. Má không tăm dạng. Thầy cả cô đổ thừa thiếu cái món tóc rối nên bùa không linh. Hết tiền ba bần thần ngồi. Em Nghĩa cứ má ơi má hỡi ơ hời như nhà có đám ma vậy. Thơ nhìn cha rồi quay qua dỗ em. Má đâu rồi má ơi? Trời ơi Thơ buồn quá đi.
Cô Tư nói với ba:
- Mày dẹp ba cái vụ thầy bà cô cậu dùm tao Hậu ơi. Có bao nhiêu đem quăng kiểu đó là con mày đi ăn mày à. Mày bỏ rượu là con Thi nó về cho mày coi.
Nhưng ba không còn cơ hội để thầy bà vì dượng Tư đưa công nhân đi Tây Ninh thi công theo yêu cầu của chủ thầu. Ba phải đi và tất nhiên chị em Thơ, Nghĩa phải theo, cái cơ hội đến trường là biệt tăm nếu không có cuộc du hành từ Tây Ninh xuống Đồng Nai. Đời công nhân xây dựng như vậy đó. Nay tỉnh này mai tỉnh khác là chuyện hết sức thường. Đến đâu phòng trọ đến đó. Ở nơi mới cô Tư thuê nguyên một dãy trọ mới thi công xong. Toàn bộ thợ thầy của cô dượng ngụ lại một chỗ. Vui không thể tả vì gần chợ và quán tiệm kề bên. Buổi sáng cà phê cóc nổi nhạc ì ì. Buổi chiều thợ thầy cũng ì ì nhậu nhẹt. Hai chị em, Thơ, Nghĩa luôn có tiền mấy chú thợ cho khi họ nhờ đi mua rượu. Ông chủ tiệm hỏi cô Tư:
- Cháu bà hả?
- Dà… cháu kêu tui bằng cô đó anh.
- Vợ chồng bà ít gì cũng cai thầu. Nghĩ sao mà dẫn con cháu theo không cho học hành? Má nó đâu tui hổng thấy?
- Anh Hai à - cô Tư kéo Nghĩa vào lòng rồi ca cẩm - cha nó hư hao lắm anh. Rượu suốt, có bao nhiêu là đổ hết vô ma men. Má nó chịu không xiết nên bỏ đi.
Chủ tiệm nói:
- Hai đứa con xinh xắn như vầy chắc không đến nỗi bỏ luôn đâu bà ơi. Cổ đi đâu đó thời gian rồi cũng về thôi mà. Cho nó đi học đi chớ…
- Tui còn có cả bầy cháu nội lóc nhóc anh ơi.
- Cháu nội thì mắc chi vợ chồng bà? Cha mẹ nó đâu? Bà phải biết bổn phận của ông bà là chỉ có thương cháu thôi, còn cha mẹ nó lo, bộ bà lo luôn phần của cha mẹ nó hả?
- Thấy tui thương cháu quá nên cha mẹ nó ỷ anh à…
- Nè - chủ tiệm nói với ba - Sao không cho thằng nhỏ đi học? Để nó lông bông vậy ngó được sao? Không cho đi học ba bữa lớn lên nó hư cho ông coi.
- Tui tuốt dưới ít-y-zét làm sao đi học được anh Hai?
- Ở đây cũng có trường. Bên họ đạo người ta mở lớp dạy chữ cho con em công nhân các tỉnh. Từ sáu giờ sáng tới sáu giờ chiều. Miễn có tiền, mà ông thì ngày công ba trăm ngàn. Tiếc làm chi mà không cho con đi học?
- Không có khai sanh làm sao xin học anh Hai?
- Làm sao mà không khai sanh?
- Có nhưng ở dưới quê rồi.
- Để tui cho mượn cái khai sanh của thằng cháu nội.
- Được không? Lỡ nhà trường họ biết thì làm sao?
- Cháu tui lớp một bên trường chính rồi. Bên họ đạo tui quen hết nên có thể nói họ thông cảm.
- Học hành vậy một tháng bao nhiêu anh Hai?
- Đã cho đi học thì đừng tiếc tiền. Cái gì mua được bằng tiền đều rẻ hết ông biết không?
Vậy là Nghĩa được đi học. Còn Thơ? Mười tuổi đâu thể vô mầm chồi lá được. Muốn đến trường thì phải học bạ. Thôi thì được đứa nào hay đứa đó. Chủ tiệm bảo vậy. Rồi thêm rằng:
- Mày ở nhà lo nấu cơm cho cha, thằng Nghĩa đi học về là kèm thêm cho nó. Cái gì không biết tao chỉ cho. Nhân tiện mày cũng ôn lại để sau mà đọc báo với người ta.
Nhưng Thơ không nấu cơm nước chi ráo. Buổi sáng ba xách xe chạy ra chợ mua ba hộp cơm. Trưa cũng cơm hộp. Chiều không hộp nhưng mà tiệm. Sữa hộp cho cu Nghĩa đi học, ba cho Thơ mười ngàn muốn xài chi đó thì xài. Lại dặn ông chủ tiệm:
- Ở nhà con Thơ mua gì anh cứ bán rồi chiều tui tính cho nghe anh Hai.
Khi thợ thầy lên đường thì dãy trọ hiu hắt liền. Thơ luẩn quẩn bên tiệm của ông Hai. Con nhỏ cũng dễ thương, nó phụ bà Hai tráng lại ba cái ly, cái phin cà phê. Đúng là chưa mọc lông ống mà đã muốn ra ràng nên cũng biết lấy lòng người. Quán tiệm cũng vắng. Lâu lâu mới có người dừng xe mua gói thuốc hay ly cà phê mang đi. Cũng có người a lô biểu bưng đến đó kia cho họ ly chi đó là Thơ giúp bà Hai liền. Sau đó là rảnh. Rảnh lắm. Rảnh nên bà chủ tiệm mới hỏi sau khi cho Thơ cái kẹo mút loại hai ngàn đồng một que:
- Sao má bỏ đi vậy con?
- Tại ba đánh má. Say là ba đánh…
- Có khi nào má về thăm hai chị em con không?
- Dạ có. Hồi còn ở dưới quê má về thăm hoài và cho tiền hai chị em con nữa.
- Sao con không đi với má?
- Dạ… bữa ba đánh má. Má dắt con đi bị ba lấy rựa đòi chém. Ba nói…
- Nói sao hả con?
- Mày mà dẫn con Thơ đi là tao chém thằng Nghĩa cho mày hay. Tao nói là tao làm à.
- Ba nói vậy chớ làm gì dám.
- Nhưng mà ba có chém một người rồi đó bà Hai. Ở tù sáu tháng luôn đó.
Chủ tiệm gật gật ra chiều đã hiểu, sau đó cho con bé ly xi rô đá bào:
- Trưa ăn cơm với vợ chồng bà Hai nghe.
Nghĩa đi học từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy, chủ nhật cu cậu ở nhà. Sáu tuổi nên Nghĩa nghịch như giặc. Nó lọ mọ lôi đủ thứ từ vỏ xe đạp đến ba que củi, nó rủ con Thơ chơi lăn xe và đánh kiếm. Bực bội quá chủ tiệm ra lệnh:
- Thơ. Mày lấy tập vở ra cho nó ôn bài giùm tao cái.
Sáu tuổi mà mới bắt đầu a ă â bờ cờ thì tội quá đi thôi. Con Thơ dạy:
- Đây là chữ bê.
- Đâu phải. Đây đâu phải chữ bê. Cô tao dạy chữ bờ.
Thơ cốc lên đầu Nghĩa:
- Tao nói chữ bê. Chữ nầy tao học rồi.
Chủ tiệm cũng ngớ người, chả biết phải nói sao cho cả hai chị em hiểu rằng bê hay bờ là một. Thiệt là rắc rối. Lại lệnh:
- Mày dọn cái bàn cà phê giùm, còn chuyện dạy nó học để cho tao.
Chủ tiệm lấy một cuốn vở. Viết một trang chữ A bằng bút chì rồi kêu Nghĩa đồ lại. Thằng cu đánh vật với cây viết thấy mà tội. Chiều về Thơ đem ra khoe với cô Tư. Nó không khoe với ba Hậu vì ba đang bên bàn rượu với bạn. Thợ xây dựng thì chiều sương sương đôi xị là chuyện thường. Và khi đang đánh bạn với ma men mấy ai quan tâm đến chữ nghĩa. Thơ méc cô:
- Chữ này cô con dạy là chữ bê mà cô thằng Nghĩa và ông Hai đọc là bờ. Vậy là con sai hả cô Tư?
- Không sai đâu con, bê với bờ cũng vậy. Dưới quê mình đọc là bê lên đây người ta đọc bờ.
Rồi Thơ nghe cô phân trần với ông Hai rằng do bà cô dưới quê dạy theo kiểu cũ nên nó vậy đó anh Hai. Sao mà rắc rối ba cái đánh vần này quá anh há? Ông chủ quán nói tui bó vụ này như bó tay với cha của hai đứa nhỏ vậy. Ông Hậu uống kiểu đó chắc trước sau gì cũng chết vì xơ gan cổ trướng. Nay mai hai đứa này biết ra sao hả bà? Mẹ nó phải về mà lo cho con, kiểu này hai đứa nhỏ hư mất. Chắc cha Hậu đứt bóng bả mới về quá?
Cô Tư nói:
- Nó không về đâu anh ơi.
- Nói vậy chớ con cái đứt ruột đẻ ra không ai bỏ được đâu chị.
Vậy rồi thôi. Nghĩa đi học, chiều về hai chị em mang tập ra đọc và viết theo chỉ huy của ông Hai. Nhờ vậy Thơ rành a bê xê tức a bờ cờ, dê đê e từ dờ đờ e. Thơ cũng tập tọng viết được. Đang ngon lành thì sáng ấy ba không đưa Nghĩa đến nhà trẻ nữa. Ông Hai hỏi:
- Sao không chở thằng Nghĩa đi học hả anh Hậu?
- Thôi nghỉ luôn ông ơi. Tháng bảy trăm ngàn bạc mà thấy không ra ôn gì tui cho ở nhà luôn.
- Trời ơi là trời - ông Hai kêu lên - chữ nghĩa chớ đâu phải cái bay cái máng mà sáng làm chiều thu hoạch ông nội ơi. Con ông dốt mà ông chịu được sao?
- Kệ tui đi ông Hai. Ông cho tui xị rụ súc miệng cái coi. Còn học hành thì đèn nhà ai nấy sáng trán của ai nấy xỉ ông Hai há?
Ở nhà hai chị em sướng lắm. Buổi sáng sau điểm tâm khi cơm khi cháo lúc bún riêu, ba cho thêm hai chị em đứa mười ngàn. Thơ thấy ông Hai lắc đầu vì ba vẫn tiếp tục uống rượu khi bạn thợ ai về phòng nấy sau vài ly sương sương gọi là giải mỏi:
- Hậu à - ông Hai nói - ông uống mà không ăn kiểu đó thì chết nay mai chớ không lâu đâu. Ông cứ vầy rồi hai đứa con ông làm sao nên người hả ông?
- Khì khì… sống chết có số anh Hai ơi. Còn con tui hả? Ông không nghe câu đời cua cua máy, đời cáy cáy đào sao?
- Chả có cái số nào dính dấp vô cái bê tha và liều mạng của ông.
- Mà mắc chi đến anh? Tui uống kệ tui, con tui cũng ngày ba bữa, tắm rửa cũng ba lần thua chi con ai. Thằng Hậu này không dễ chết anh Hai!
Chủ quán lắc đầu. Vợ chủ quán cũng xen:
- Kệ người ta. Ông sao mà đa sự quá, lo cho cháu nội của ông kìa.
Và ông Hai thực là đa sự. Ông không cho chị em Thơ lê la nghịch bẩn và phá phách. Khi mọi chuyện của quán xá tạm gọi là yên ắng, ông bắt hai chị em lôi sách vở ra tập đọc và viết. Buổi chiều mới đặc biệt. Đúng hai giờ ông lôi thằng cháu nội đang học lớp một ngồi vô bàn và buộc phải viết một trang luyện chữ. Thơ và Nghĩa cũng phải đúng một trang:
- Có như vầy - ông nói với bà - cháu mình mới cố để hơn bạn.
Bà Hai nói:
- Cháu mình đã tủi nhìn hai đứa này còn tủi hơn.
Nhưng rồi chuyện học ở nhà cũng không xong. Tất cả tốp lại vì ba Hậu bệnh. Thấy ba ôm bụng rên xiết hai chị em Thơ, Nghĩa khóc như ri. Cô Tư mặt xám ngoét và đôi mắt đầy âu lo. Cô chạy ra hiệu thuốc tây và đem về cả chục túi ni lông đựng đầy thuốc. Ông Hai lắc đầu:
- Chị đưa ổng đi bệnh viện, kiểu nầy là bị sưng gan chứ không thường đâu.
Cô Tư kêu taxi rồi lôi cả hai chị em lên bệnh viện huyện chăm ba. Cô còn phải hợp sức với dượng cái khoản chỉ huy công nhân thi công công trình. Lơ một chút là chết với thợ thầy liền. Không có chủ, họ cầm bay cầm búa đứng chơi thì lỗ sặc gạch. Cô phải chạy đi chạy về giữa công trình và bệnh viện. Em út mà không lý bỏ nó sao? Nhưng dượng Tư thì không vậy. Cả nửa tháng ròng chân viện chân công trình, bê trễ đủ thứ chuyện thánh còn cáu nói chi ông Tư vai u thịt bắp. Nghe cô nói bệnh viện đề nghị chuyển lên tuyến trên là ông bực mình:
- Lên tuyến trên cũng chết với bệnh ung thư gan. Mà ai nuôi nó trên tỉnh? Bà hả?
Trời ơi. Bệnh hiểm vầy thì chỉ có vợ mới lo được. Mà vợ thì đâu nữa mà lo. Cuối cùng cô Tư phải nghe theo kế sách của ông Hai là đem ba về rồi uống thuốc nam từ thiện của chùa:
- Anh Tư nói đúng đó chị Tư. Ung thư gan có đem qua Mỹ cũng chết. Chị cứ đem về đây rồi lấy thuốc chùa cho ổng uống. Chị không có tiền tỉ để lo cho em chị đâu.
Nghe tin sẽ đưa kẻ bệnh ngặt, nguy cơ chết mười mươi về phòng, ngay lập tức chủ trọ phản ứng:
- Tui là tui không đồng ý đưa ổng về đây đâu. Ổng mà chết trong phòng là cả dãy trọ này tui khỏi cho thuê luôn.
Mà thiệt vậy. Ai đâu muốn có người chết trong chỗ làm ăn của mình? Thà không biết hoặc ai đó bị bất đắc thì không nói, đằng này sờ sờ ra đó. Ai lại rước ma vô? “Ừ, tui vậy đó - chủ trọ nói - Mấy người thuê được thì thuê không thì trả phòng lại cho tui”. Đang rối như canh hẹ thì điện thoại của cô Tư có cuộc gọi tới. Mặt đang xám sơ sơ bỗng ngoét lại và đôi lông mày nhíu gần sát luôn. Nghe dà dà liên tục chả ai hiểu chi. Xong cuộc gọi, người ta thấy nước mắt chạy dọc xuống má cô Tư:
- Sao? Cái gì mà khóc? - ông Tư hỏi.
- Nó chết rồi.
- Nhanh dữ vậy?
- Mà sao chết?
- Trời ơi là trời - cô Tư kêu lớn - bịnh cỡ đó mà nó còn mò ra quán trước cổng bệnh viện mua rượu. Nghe đâu làm có mấy hớp mà ói máu chết ngay tại quán của người ta… Bây giờ tính sao hả anh Hai? Anh giúp với chớ tui rối quá rồi.
Hai chủ tiệm thở ra:
- Bây giờ cả tui cả chị không cần phải lo nữa. Dịch vụ tang ma lo hết chị ơi.
Xe của dịch vụ mai táng vô tận nhà chung sự của bệnh viện. Hai chị em Thơ, Nghĩa lên xe cùng cái băng ca đựng xác cha. Hai đứa được đưa về tận trại hàng. Cô Tư và ông Hai đi hết dãy hàng này đến dãy hàng khác để chọn. Và rồi đạo tì bê một cỗ áo quan lên xe. Cỗ áo đẹp lắm, nó được sơn son có cả hình con rồng óng ánh như vàng thiệt vậy. Thằng Nghĩa nói:
- Đẹp ghê há chị Hai.
Chiếc xe đưa hai chị em và cha về lại phòng trọ. Thiệt là lẹ. Người ta đã dựng xong một mái hiên di động. Bàn ghế được xếp sẵn như ngày nào chưa xa lắm cô Tư làm đầy tháng cho cháu nội. Người ta bê ra hai chiếc ghế dài đặt dọc theo mái hiên. Cỗ áo quan được đặt trên hai chiếc ghế ấy. Thơ thấy một ông thầy áo nâu đang bấm bấm ngón tay, phán rằng:
- Tuổi này, giờ này liệm được rồi.
Ba được đưa vô quan tài. Và tiếng tụng kinh gõ mõ vang lên.
Đám ma ở xứ này công nhận thiệt là vui. Nửa đêm người ta xúm vô rượu chè la hét và ca hát. Có mấy ông eo éo như con gái còn múa nữa. Một ông cầm mi cờ rô ngâm thơ. Thơ thích bài này vì nó nhắc đến mẹ Quê hương là gì hở mẹ/mà cô giáo dạy phải yêu/quê hương là gì hở mẹ/mà con phải nhớ suốt đời? Rồi ông đó hát quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày… Thơ sa nước mắt. Nó nhớ ở quê, nhà nó cũng có cây khế. Má nó vẫn thường hái khế giã muối ớt rồi ba má con cùng nhau hít hà. Má ơi - Thơ gọi thầm - Ba chết rồi về đi má ơi.
***
Một tuần sau cô chi đó đẹp thiệt đẹp, má phấn và môi son có mặt trong lễ cúng bảy ngày của cha. Cô Tư cùng ông Hai kéo Thơ và Nghĩa lại ngồi với cô đẹp. Cô đến không phải để chia vui sẻ buồn mà đến vì chuyện cỗ áo quan:
- Cô Hồng Hà à - cô Tư nói - chi phí lễ lạt và hàng họ hết bao nhiêu vậy cô.
Cô đẹp đưa cái hóa đơn. Cô Tư nheo con mắt rồi đọc lớn:
- Cái hàng mười một triệu, tiền thầy tụng ba triệu. Mái hiên di động và bàn ghế ba triệu cho ba ngày… cô có thể bớt cho chút đỉnh được không cô?
- Dà… vậy là bớt hết ga xăng rồi đó chị. Em cũng biết chị tha phương theo công trình… Thôi thì em cho chị triệu nữa. Tính mười lăm cho nó gọn. Là em thương lắm hai đứa nhỏ nầy. Tội quá, mẹ bỏ đi, cha chết… rồi đây biết làm sao hả con?
Nhìn theo cô Hồng Hà, ông Hai lắc đầu:
- Thiệt tình là thời mạt pháp. Mười lăm triệu bạc là họ nuốt của thân nhân người chết đúng phân nửa.
Cô Tư chép miệng:
- Ở xứ tui đâu có mà dữ dội vậy anh Hai ơi. Chuyến này chắc tui chết thiệt ở đây rồi. Tiền phúng chưa tới chục triệu. Giờ còn phải lo vụ đất mai táng. Thâm tiền nhà đậm như vầy tui cũng không yên với ông Tư.
- Vụ đất mai táng chị làm cái đơn kể hoàn cảnh may ra xã họ giảm cho chút ít. Xã này tui cũng có quen biết vài người. Tui năn nỉ giúp cho một tiếng.
- Thiệt cám ơn anh quá.
- Ơn nghĩa chi. Cũng coi như tui tích cái đức cho thằng cháu nội.
- Anh tốt quá. Nhìn hai đứa nhỏ tui đứt ruột quá anh.
Ông Hai chắt lưỡi:
- Tui cũng đứt chớ hơn chi chị. Nhưng mà chị nên hy sinh vài trăm mỗi tháng cho thằng Nghĩa tiếp tục học hành. Để nó lông bông ba bữa lớn lên là nó hư chắc. Lúc đó giả dụ bà có giàu chín xe mười vàng cũng không ngon lành gì.
- Dăm bảy trăm ngàn thì không lớn, nhưng hết công trình bọn tui lại ra đi. Lúc đó biết tính làm sao hả anh?
- Nó còn mẹ, bà lo làm chi.
- Nó đi theo tiếng gọi thì còn trông mong chi nữa anh?
- Sao chị biết má hai đứa nhỏ đi theo tiếng gọi?
- Thì tui nghe người ta nói vậy. Có người thấy nó đi với một ông có vẻ giàu lắm.
- Hơi sức đâu mà nghe chuyện thiên lôi. Mắt thấy tai nghe mà còn chưa chắc đúng nói chi lời đồn. Người ta có thể bỏ chồng nhưng con không ai bỏ đâu chị ơi. Chị tin tui đi.
- Nếu không sao mấy tháng nay nó không điện thoại về thăm hỏi?
- Biết đâu bị mất điện thoại. Thêm cái không nhớ số thì làm sao gọi? Tui nói vậy chị nghĩ đúng không? Má nó sẽ về. Tui nói là linh lắm.
- Lỡ nó không về thì làm sao anh?
- Tới đâu tính tới đó. Cứ để hai chị em nó ở đây đi học. Chị đi theo công trình cứ tới tháng quay lại chung tiền ăn tiền học cho tụi nó… Tiền học thôi, còn tiền ăn tui cho cũng được mà.
Quay sang bà vợ ông Hai hỏi:
- Tui tính vậy được không bà nội cu Phong?
Bà già chép miệng:
- Ông tính sao đó thì tính. Kệ, mình làm phước tích cái đức cho con cháu về sau.
Đúng lúc đó điện thoại trong túi cô Tư tít tè cuộc gọi đến:
- A lô… Ai vậy? Trời đất ơi… mày hả Thi? Cái bà nội mày… Bỏ chồng bỏ con đi đâu mấy tháng nay mậy? Mất điện thoại hả? Vợ chồng con Tám nói cho mày biết vụ thằng Hậu rồi hả? Ờ… nó chết rồi… Tao với anh Tư mày chôn trên này luôn. Mày theo con Tám lên đây đi…. Con Thơ nè mày nói chuyện với nó…
Thơ cầm điện thoại. Nó nói trong tiếng nấc:
- Má ơi…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.