'Mình đang sống cuộc đời của ai?' - nhìn lại để đổi thay và bước tiếp

31/01/2021 10:35 GMT+7

Mình đang sống cuộc đời của ai? , cuốn sách mới ra mắt của Phạm Minh Mẫn mang đến câu hỏi thoạt nghe như rất dễ trả lời, nhưng để có sự khẳng định phải cần đến cả một hành trình sống với tư duy và sự lựa chọn thông minh, nghị lực.

Trong lời đề tựa đầu tiên, Phạm Minh Mẫn viết “Cho những ngày đâu đó lưng chừng 30, bạn soi chính mình giữa cuộc đời rồi bất giác tự hỏi: Thay đổi bây giờ có quá muộn màng?”. Tuổi 30-40 là độ tuổi trưởng thành, lập nghiệp, xây dựng và ổn định cuộc sống trên rất nhiều lĩnh vực quan trọng của đời người. Đó cũng là độ tuổi người ta hay tự hỏi mình những câu hỏi có tính bản lề, bởi lẽ, điều gì đã hình thành thì cũng đã hình thành, đã tròn đã méo, đã có quả ngọt đã biết đắng cay, và đó cũng chính là rào cản dù quỹ thời gian còn lại không phải ít. Với tâm thế thong dong, với sự chiêm nghiệm có phần “lạ” ở một người trẻ, Phạm Minh Mẫn đã viết cuốn sách như một cách nhìn lại để bước tiếp, và ngay từ đầu, Mình đang sống cuộc đời của ai? đã thu hút người đọc không phải bằng vô vàn triết lý cuộc đời, mà bằng sự chân tình, thong thả ấy.
Cuốn sách gồm 34 bài viết, được chia làm 3 phần: Vận mệnh của mình phải chăng nên tự nắm bắt?; Theo đuổi đam mê tin vào điều mình lựa chọnBiết ơn thực tại trân trọng người trước mắt. Mỗi bài viết nhỏ với một chủ đề đưa ra: Chiếc áo quá rộng, Những đứa trẻ đâu đòi được sinh ra, Dám nói lời từ chối, Sống đời tầm gửi, Phụ nữ sinh ra để hy sinh và vị tha?, Cô đơn có phải bất hạnh, một mình có phải khổ đau?, Đừng chết trong… văn phòng, Không muốn kết hôn thì sao?, Đừng buông xuôi khi đam mê vẫn còn âm ỉ, Dọn dẹp ngăn nắp tâm hồn… ngay tựa đề đã nói lên quan điểm và thông điệp của tác giả. Và những thông điệp ấy không giáo điều, khô cứng, “dạy đời”, bởi nó được minh chứng bằng những câu chuyện chân thực mà bản thân tác giả đã trải nghiệm, chứng kiến, những nhân vật, tình huống bình thường ngay xung quanh mà ai cũng có thể gặp, những câu nói ai cũng có thể nghe. Sự gần gũi giản dị ấy khi đi cùng những lời bình luận, phân tích phản ánh suy tư, cảm xúc, quan điểm của tác giả, qua lăng kính và con mắt của một người trẻ với tư duy hiện đại, đa chiều, luôn hướng tới mục đích tốt đẹp, nâng đỡ tinh thần, nghị lực của chính mình và lan tỏa cùng mọi người khiến cho mỗi bài viết dễ đi vào lòng bạn đọc.
Nếu ai “chất vấn” bạn rằng “… bạn có đang để người khác sống giùm cuộc đời mình? Hơn ai hết chỉ có bạn mới hiểu đam mê của mình ở đâu, điều gì làm bạn hạnh phúc”, và khuyên bạn hãy đủ “dũng khí và quyết tâm” thực hiện đam mê, sống cuộc sống của chính mình, thì hẳn bạn sẽ cho là sáo rỗng, nhưng bạn sẽ thật sự thấy thấm thía và tự soi chiếu vào bản thân để học hỏi, suy nghĩ, khi nghe tác giả kể về những câu chuyện vốn đã và đang xảy ra xung quanh bạn: chuyện chọn trường đại học của chính tác giả (chọn Báo chí theo ý thích của mình chứ không chọn Học viện Hành chính như ý ba - một người cả đời làm viên chức nhà nước, ưa sự ổn định, bình an); câu chuyện về những người bạn luôn phải làm theo ước muốn của cha mẹ (ba mẹ làm Tòa án nên bạn ấy cũng phải trở thành thư ký toà án, trong khi bạn thích làm nhà thiết kế, may đồ, vẽ kiểu…), câu chuyện không thừa nhận thất bại khi mình đã là hình ảnh thành công (cô bạn cả thời phổ thông học giỏi, đứng đầu, không chấp nhận chuyện mình trượt trong kỳ thi thạc sĩ, vẫn “giả vờ” hằng ngày đi học, thực chất là lang thang quán xá, cà phê cho hết giờ…), câu chuyện tự gây áp lực với chính mình, vượt quá sức chịu đựng của mình để làm một “con ong chăm chỉ” đến mức gục ngã đột quỵ ở văn phòng, hay chuyện người bạn đồng tính nam phải lấy vợ để bố mẹ có cháu bế, trong nỗi đau lặng thầm… Lối hành văn trong sáng, giản dị, những cảm xúc gửi gắm trong từng câu chữ và cả cách bộc lộ rất thật cái hay, cái dở của chính mình khiến cuốn sách có sức thuyết phục.
Trong cuốn sách này, có thể nhận thấy có ba mảng màu nổi bật: người trẻ với ý thức và lựa chọn cho sự khởi đầu của con đường học hành, lập nghiệp, trong công việc; người trẻ với quan niệm về tình yêu - hôn nhân thời hiện đại; và người trẻ với đam mê, làm đẹp và giàu có cuộc sống tinh thần, bồi dưỡng nhân cách. Và ở góc độ khác, bạn đọc cũng thấy qua những trang văn hình ảnh một chàng trai sâu sắc, lãng mạn, “mê bóng đêm”, hãy còn những mơ ước, nghĩ suy vừa thơ trẻ vừa có tính chiêm nghiệm, hiền triết, như khi chàng trai ấy tự nhủ “Còn tôi, sẽ lại tiếp tục hành trình tìm kiếm những điều mới lạ ở Sài Gòn, như một cách để khám phá tâm hồn mình, rồi sẽ có một ngày tôi đếm hết Sài Gòn có bao nhiêu ngã tư”.
Khúc vĩ thanh, Phạm Minh Mẫn chia sẻ rằng “Tôi đặt tựa 'Mình đang sống cuộc đời của ai?' thật sự mong chúng ta đều có thể từ những va vấp trong cuộc sống mà trưởng thành, nhờ đó mà hiểu bản thân muốn bước đi trên con đường nào một cách mạnh mẽ nhất”. Bên cạnh đó tác giả trẻ cũng rụt rè, chừng mực khi xem cuốn sách nhỏ của mình như việc thực hiện “một kế hoạch, một ước mơ” đã đặt mục tiêu cho mình. Nhưng có lẽ những thủ thỉ nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía từ cuốn sách lại có tác dụng nhiều hơn mong đợi ở một tác phẩm đầu tay.
Mình đang sống cuộc đời của ai? nhắc tôi nhớ đến cuốn sách được xếp vào top bestseller từ năm 2012 cho đến nay - Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân. Nếu với Phạm Lữ Ân, ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong những gì tưởng chừng nhỏ bé, giản đơn nhất “nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu”, như một liều thuốc bổ cho tâm hồn, thì với cuốn sách này, Mình đang sống cuộc đời của ai? là câu hỏi thức tỉnh, để ta nâng niu và trân trọng cuộc sống mình đang có, làm những gì tích cực, hiệu quả nhất để thay đổi nó theo hướng tốt đẹp nhất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.