Mộ cổ Hàng Gòn được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt

22/11/2016 11:23 GMT+7

Sáng 22.11, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia đặc biệt cho mộ cổ Hàng Gòn.

Mộ cổ Hàng Gòn nằm ở xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh, Đồng Nai), được người Pháp phát hiện vào năm 1927. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m, được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương đã bào khá nhẵn ở mặt ngoài, 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Xung quanh còn có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m. Niên đại được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên. Năm 1982, mộ cổ Hàng Gòn đã được nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
Hiện nay mộ cổ Hàng Gòn vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà giới khảo cổ vẫn chưa lý giải được, đó là ai đã xây dựng kiến trúc này và xây bằng cách nào? Làm sao người xưa có thể vận chuyển những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ nơi khác đến, vì theo nghiên cứu của các nhà địa chất, loại đá hoa cương trên không có ở Đồng Nai, chỉ xuất hiện ở Đà Lạt và Ninh Thuận.
Vào cuối tuần, Văn miếu Trấn Biên đón nhận rất nhiều đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học ngoại khóa Ảnh: Lê Lâm
Cũng tại buổi lễ này, UBND tỉnh Đồng Nai đón nhận bằng công nhận Văn miếu Trấn Biên là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Theo Gia Định thành thông chí, năm 1698 Chúa Nguyễn Phúc Chu phái Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam lập dinh Trấn Biên, 17 năm sau thì xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đến năm 1861 bị tàn phá bởi chiến tranh.
Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698 - 1998), UBND tỉnh Đồng Nai đã phục dựng lại dựa trên các tư liệu và thư tịch cũ.
Văn miếu Trấn Biên nằm ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), có diện tích 2ha, với các công trình như Văn miếu môn, Nhà bia, Khuê văn các, Thiên Quang tĩnh, Đại Thành môn, Nhà bia Khổng Tử, Nhà bái đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.