Mòn mỏi chờ sóng hay ngậm ngùi cất kho?

05/07/2011 23:44 GMT+7

Vượt qua bao khó khăn thách thức, những bộ phim lịch sử thực hiện theo lời kêu gọi làm phim chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã hoàn thành. Trớ trêu thay, những bộ phim này lại rơi vào cảnh phải chờ chực khổ sở để được đến với khán giả hoặc nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Lên bờ xuống ruộng

Lý do mà cả hai phim truyền hình lịch sử mừng đại lễ đều phải phát sóng trong năm 2011 thật dễ hiểu: chờ sóng của đài truyền hình.


Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long - Ảnh: Đoàn phim cung cấp 

Trong cuộc họp báo giới thiệu phim Về đất Thăng Long, nhà sản xuất và ê-kíp làm phim đều cho thấy quyết tâm thực hiện để sao cho phim có thể phát sóng chậm nhất là vào tháng cuối năm 2010. Nhưng cuối cùng, “lễ vật” đã có mà không “về Thăng Long” đúng hẹn. Dẫu muộn còn hơn không, cuối cùng phim cũng đến được với công chúng, tuy là được xếp chiếu vào thời điểm… gần nửa đêm. Đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ: “Phim lịch sử đã kén khán giả, khi làm đã khó kiếm tài trợ, mà phát sóng lúc gần nửa đêm thì chỉ biết chấp nhận thương đau, lỗ là chuyện chắc”. Hiện tại, bộ phim đang được phát lại, cũng vào thời điểm rất nghiệt ngã: 5 giờ sáng.

Cùng cảnh ngộ chờ sóng còn có Huyền sử thiên đô. Phim dự kiến phát sóng vào tháng 10.2010 nhưng vì nhiều lý do nên dời lại năm sau. Đến tháng 4.2011, 20 tập của phim được công chiếu, càng gây ngạc nhiên cho khán giả, bởi thông tin nhà sản xuất hoàn thành 42 tập được đăng tải trước đó. Kịch tính hơn, và càng gây bức xúc cho dư luận hơn khi biết được Huyền sử thiên đô dừng ở tập 20 để phát sóng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, một phim bị phản ứng dữ dội vì “mang hơi hướng Tàu” khi vừa tung trailer và sau đó đã chỉnh sửa 3 lần theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia. May thay, cùng với thiện chí trong thương lượng của nhà sản xuất Huyền sử thiên đô, truyền thông đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho bộ phim lịch sử do tư nhân đầu tư này, nên cuối cùng 22 tập tiếp theo của phim đã qua được “cửa ải”. Dẫu vậy, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn không khỏi ngậm ngùi: “Nếu phim chiếu vào tháng 10 năm ngoái thì kết quả đã khác”. Bởi theo ông, từ việc chờ đến khi cho phát nhát gừng rồi cắt sóng, phát tiếp chẳng khác nào giết chết nhà đầu tư. Bị cho “lên bờ xuống ruộng” như thế thì còn ai dám làm phim lịch sử nữa.

Dài cổ chờ… thái sư

Bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ (dựa theo kịch bản văn học Trần Thủ Độ và người tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Đào Duy Phúc) được Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (Ban chỉ đạo) đặt hàng Hãng phim truyện 1 sản xuất. Phim khởi quay từ giữa 2009, nhưng đến nay vẫn “im thin thít và lặn mất tăm”.

Với kinh phí lên tới trên 50 tỉ đồng, Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim được nhà nước đầu tư với số tiền kỷ lục. Phim được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc), Cổ Loa (Hà Nội) và nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. NSƯT Tất Bình - Giám đốc Hãng phim truyện 1, cho biết: “Bộ phim mới chỉ hoàn thành và nghiệm thu 15 tập. Phần còn lại (15 tập tiếp theo) dự kiến sẽ hoàn thành và trình thành phố duyệt trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới”.

Nói như vậy thì một nửa số tập của Thái sư Trần Thủ Độ đã hoàn thành từ lâu, nửa còn lại cũng sắp hoàn thành, tuy nhiên chưa biết đến khi nào phim mới ra mắt khán giả truyền hình. Đại diện VTV cho biết, chưa thấy phía Ban chỉ đạo đặt vấn đề phát sóng phim, Đài truyền hình Việt Nam “chưa nắm thông tin về việc đó”. Còn ông  Nguyễn Trọng Tuấn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho biết, đến khi nào nghiệm thu xong phim mới liên hệ với đài truyền hình để phát sóng. Trong khi đó, với bất cứ chương trình nào (trong đó có phim truyền hình) phát sóng trên truyền hình đều phải có kế hoạch trước. Đài truyền hình phải ký kết với đối tác từ nhiều tháng trước đó, có khi là một năm. Vậy nên, chắc rằng khán giả sẽ phải “dài cổ” chờ ngày Thái sư Trần Thủ Độ lên sóng.

Tự thân vận động

“Nhà nước chẳng ưu ái gì khi chúng tôi thực hiện phim Long Thành cầm giả ca. Có chăng chỉ là kinh phí được duyệt cao hơn chút đỉnh so với dòng phim tình cảm - xã hội. Là nhà sản xuất chúng tôi đâu thể xin quảng cáo hay tài trợ cho dòng phim lịch sử bởi chẳng có doanh nghiệp nào bỏ tiền vào. Mặt khác, Nhà nước cũng không hỗ trợ phát hành, hãng phim Giải Phóng phải tự phát hành Long Thành cầm giả ca thông qua hệ thống rạp của hãng. Một bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc được đầu tư hàng chục triệu USD, trong khi phim của ta làm cao lắm được 500 nghìn USD là nhiều. Long Thành cầm giả ca từng đoạt Cánh diều vàng 2010 phim xuất sắc nhất, biên kịch, họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất chứng tỏ phim không làm qua loa, cẩu thả” - Ông Nguyễn Thái Hòa (Giám đốc Hãng phim Giải Phóng)

“Sau sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các bộ phim về đề tài lịch sử gần như chìm vào quên lãng. Việt Nam chưa hình thành cơ chế cho dòng phim lịch sử. Chúng tôi phải tự thân vận động từ tìm kiếm vốn đầu tư cho bộ phim Khát vọng Thăng Long rồi cũng tự tìm hướng phát hành và bây giờ là tự đưa phim đi dự LHP Pusan (Hàn Quốc) và America Festival Film vào tháng 10 năm nay. Phim nhựa chiếu rạp càng không thể lấy quảng cáo, tài trợ như phim truyền hình, cộng thêm phí phát hành cao (chiếm 50% trên giá vé), nhà sản xuất phải tự bỏ tiền quảng bá phim lịch sử. Khát vọng Thăng Long dù được Cánh diều bạc phim hay nhất, Cánh diều vàng cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh, nam diễn viên chính Vũ Đình Toàn nhưng vẫn chịu chung số phận như bao bộ phim lịch sử khác. Nếu được hỗ trợ từ Nhà nước bằng các chính sách ưu đãi, may ra những nhà sản xuất tư nhân mới đủ sức làm tiếp dòng phim lịch sử. Bằng không ai cũng chạy đua làm phim thương mại hài hước, tâm lý - xã hội, tình cảm để nhanh thu hồi vốn” - Bà Lê Minh Tâm (Giám đốc Công ty Kỷ Nguyên Sáng)

“Tây Sơn hào kiệt do công ty chúng tôi tự bỏ vốn sản xuất với kinh phí lên đến 12 tỉ đồng. Đến nay chỉ thu về được 2 tỉ. Phim được chọn chiếu dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng lần thứ 11, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 13 và Đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, đến hôm nay, Nhà nước không hỗ trợ đồng nào. Chúng tôi đã làm đơn gửi cho Ban tổ chức chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội xin tài trợ cho phim Tây Sơn hào kiệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi. Hiện trong tay tôi đã có kịch bản phim Đô đốc Bùi Thị Xuân, mơ ước được làm nhiều lắm nhưng đào đâu ra tiền? Hãng phim Lý Huỳnh từng sản xuất nhiều phim như Lửa cháy thành Đại La (1989), Thăng Long đệ nhất kiếm (1990), Thanh gươm để lại (1991), Sơn thần thủy quái (1992) rồi Tây Sơn hào kiệt. Tôi đã 69 tuổi rồi và chỉ có mong ước tuổi trẻ ngày nay nhớ ơn những vị anh hùng trong lịch sử dân tộc. Mong ước đó ngày càng xa vời khi tình hình phim lịch sử của ta ngày càng ít ỏi, không đủ sức chống đỡ trước sự xâm lấn văn hóa đến từ nhiều nước khác” -  NSƯT Lý Huỳnh

Đồ Tuấn - Nguyên Vân - Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.