Bồi hồi kẹo dồi Cổ Hoàng

07/07/2021 08:30 GMT+7

Kẹo dồi từng là thứ quà “làm mưa làm gió” với thế hệ 8X, 9X trên khắp cả nước. Tuy vậy, đến nay muốn ăn kẹo dồi “gốc” thì phải về làng Cổ Hoàng (H.Phú Xuyên, Hà Nội).

Tôi không nhớ lần đầu tiên được ăn kẹo dồi là từ bao giờ, chỉ biết rằng ngay từ lúc còn bé tí, bố tôi đã bảo “bố mê dồi đen, con thèm dồi trắng”. Mỗi lần mẹ tôi đi chợ về hoặc cô dì chú bác đến chơi đều có chung một thứ quà là kẹo dồi.
Kẹo dồi đúng như tên gọi giống y như khúc dồi lợn, lạc và mạch nha được nhồi vào bên trong lớp đường bột cứng màu trắng, sắt thành từng khúc, cắn đến đâu giòn tan đến đó. Tôi thích phần vỏ trắng vì ưa độ ngọt sắc, tôi hay ăn kiểu “tỉa vỏ” ngoài trước xong mới ăn ruột sau.
Ngày nhỏ, kinh tế khó khăn, những “200 đồng” một cái kẹo dồi, tôi nhõng nhẽo mãi ông Đen hay bán hàng ở quán làng mới chịu bán rẻ cho “500 đồng 3 cái”, đó là giây phút tuổi thơ đẹp đẽ chưa bao giờ phai mờ trong tôi.
Nhưng rồi, xã hội phát triển, kẹo dồi thân thương không còn xuất hiện trên sạp nhỏ của ông Đen, thay vào đó là mấy thứ kẹo theo kiểu công nghiệp, đủ màu sặc sỡ mà hương vị thì không thật.
Cứ tưởng kẹo dồi đã “tuyệt chủng” thì gần đây tôi mới biết đến “đất tổ” của kẹo dồi, đó là làng Cổ Hoàng ven sông Nhuệ. Nghề làm kẹo dồi đã có ở Cổ Hoàng vài trăm năm và từng được mang đi tiêu thụ ở khắp phố phường Hà Nội, đến nay vẫn còn vài chục hộ làm nghề.
Kẹo dồi xưa và nay chẳng chút khác biệt. Vẫn màu trắng hơi đục, được bọc trong túi ni lông trong, giữa có một tấm giấy giới thiệu đơn sơ “Kẹo dồi gia truyền”. Chục năm không được ăn kẹo dồi, lúc ăn lại tôi như được trở về tuổi thần tiên, ngoài độ ngọt sắc của đường, thơm bùi của lạc còn nguyên vẹn, đó còn là mùi vị của tuổi thơ, của một thời “gom góp đồng nát, dép hỏng bán để lấy tiền ăn kẹo dồi”.
Bí quyết làm kẹo dồi khá đơn giản. Chỉ cần chọn lạc ta, hạt nhỏ rồi rang bằng chảo gang củi lửa không rang bằng gas, sau đó trộn nhanh với mạch nha đã nấu chín, mạch nha nấu đủ độ nếu không sẽ rất nhanh cháy. Hỗn hợp này được cuộn với lớp bột đường dẻo, người thợ phải cuộn thành khúc nhanh và cắt đều tay nếu không mạch nha sẽ nhanh cứng, cắt bị vỡ.
Giá một gói kẹo dồi “mua tận gốc” chỉ 10.000 đồng 10 cái cỡ to. Mừng là, giờ nghề kẹo Cổ Hoàng đã được công nhận là làng nghề truyền thống, ngoài kẹo dồi còn kẹo lạc, chè lam... Kẹo dồi Cổ Hoàng cũng xuất hiện trên các trang thương mại điện tử và đem lại đời sống ổn định cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.