Một cuộc giải oan tận tâm và nhọc nhằn

28/07/2012 09:53 GMT+7

Sau hai tuần dẫn dắt cảm xúc khán giả với việc tái diễn vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi, vở kịch mới Vua thánh triều Lê sẽ ra mắt vào ngày 29-7 cũng tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM).

Ðó là một vệt kịch lịch sử nhiều tâm huyết được một sân khấu tư nhân quyết tâm vẽ nên và bền bỉ thực hiện gần mười năm qua.

Án oan tru di tam tộc của đại công thần Nguyễn Trãi - điều lớn nhất ám ảnh người xem sau khi kết vở Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữu Ðản, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) - lại là cảnh mở đầu của vở Vua thánh triều Lê (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh). Chữ "oan" lớn nhuộm đỏ màu máu cũng được dùng làm phông nền trong hầu hết những cảnh diễn của Vua thánh triều Lê. Ðó gần như là sợi dây xuyên suốt kết nối hai vở kịch lớn, cũng là niềm thôi thúc những nghệ sĩ của Idecaf thấy cần thiết phải bước tiếp vào một cuộc giải oan ngay trên sân khấu.

 Một cuộc giải oan tận tâm và nhọc nhằn
Vua Lê Thánh Tông (NSƯT Thành Lộc) trong quá trình minh oan cho Nguyễn Trãi trong vở Vua thánh triều Lê - Ảnh: T.T.D.

Minh quân "trừ bạo an dân"

Cuộc giải oan đó được đặt trong tay vua Lê Thánh Tông (NSƯT Thành Lộc) khi ông lên ngai vàng vào 20 năm sau. Vị vua trẻ luôn trăn trở về nhiều câu trong Bình Ngô đại cáo vẫn đang được truyền tụng trong chúng dân dù bị cấm, luôn day dứt về một bản án thảm khốc và kỳ lạ của một gia tộc đã có công khai quốc, cô độc giữa một triều đình nhiễu nhương lộng quyền.

Và chính vua Lê Thánh Tông - chứ không ai khác - phải tự mình giải quyết tất cả những trăn trở, day dứt, cô độc ấy bằng một hành trình nhọc nhằn. Bởi trong hành trình đi tìm chân lý đó, nhà vua - người đứng trên vạn người và nắm quyền sinh sát trong tay - cũng phải đối mặt với những bí ẩn của quá khứ, những rào cản của hiện tại, những biến ảo của lòng người và cả những ranh giới ngay giữa lòng mình.

 
Cùng với NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Vũ Minh đã trực tiếp làm việc với tác giả Lê Duy Hạnh để viết và dựng thêm ba cảnh vốn không có trong kịch bản ban đầu: cảnh độc thoại của thần phi Nguyễn Thị Anh, cảnh đối thoại tay đôi giữa vua và quốc công và cảnh xin lỗi của triều đình sau khi giải oan cho Nguyễn Trãi. Với ba lớp diễn này, một cái nhìn khác hơn về bà Nguyễn Thị Anh được gợi ra, một thông điệp mạnh mẽ mang ý nghĩa thời đại cũng được thẳng thắn bày tỏ: dù có là bậc vua quan quyền cao chức trọng hơn người mà đã làm sai thì phải xin lỗi, đó mới là cách hối lỗi thiện chí và thiết thực.

Một cuộc giải oan cho một bậc hiền tài đã đồng thời là một cuộc đi đến tận cùng bản ngã của một bậc minh quân. Ở đó, vua đã nhận ra nhiều điều, rằng nỗi oan khuất thấu trời của Ức Trai tiên sinh năm xưa sẽ mãi là nỗi đau khôn nguôi của triều Lê, rằng ngai vàng vừa là đỉnh cao chói lọi của quyền lực lại vừa là hố sâu hun hút chia cắt tình người gây nên bao oan trái, rằng phải làm sao để vừa giữ nghiêm phép nước vừa trọn đạo với thần phi Nguyễn Thị Anh (người được xem là chủ mưu trong vụ án Lệ Chi viên), rằng làm thế nào để trị nước bằng "vương đạo" thay cho "bá đạo" khi "vương đạo lấy dân làm gốc, bá đạo xây quyền chức làm nền"...

Vở kịch vì thế đã trở nên nóng rẫy và thâm sâu khi ước muốn "trừ bạo, an dân" của một vị minh quân chỉ thành khi ông dũng cảm bước qua những danh lợi, định kiến và vị kỷ. Hơn nữa, có vị vua nào lại muốn tự phạt mình hay sẵn sàng công khai xin lỗi trước muôn dân khi mình làm sai như vị vua của Vua thánh triều Lê? Dù chỉ là những tình tiết hư cấu, nhưng những cảnh đối thoại đầy ưu tư giữa vua Lê Thánh Tông và Nguyễn Lê quốc công (NSƯT Hữu Châu) hay cảnh cả triều đình công khai xin lỗi gia tộc Nguyễn Trãi đã thật sự gây ấn tượng mạnh cho người xem. Bởi ở đâu đó trong những hoài niệm và tưởng tượng là những ước muốn lớn lao được gửi gắm về một vị "vua thánh"... không chỉ của ngày xưa. Và bởi chuyện sử hay chuyện kịch thì cũng là những câu chuyện đời bất tận.

Phiêu với kịch lịch sử

"Làm kịch lịch sử thì phải "phiêu", nếu không sẽ thấy oải lắm!" là lời tâm sự chân thành của NSƯT Thành Lộc - "linh hồn" của những vở kịch lịch sử tại sân khấu Idecaf trong nhiều năm qua. Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử hay Vua thánh triều Lê đều là những kịch bản rất nặng về ý nghĩa, tình huống, lời thoại, tâm lý nhân vật.

Ðể hiểu và nhập vai người xưa sống cách đây hàng nhiều thế kỷ, hơn nữa những người xưa đó đều là những bậc anh hùng kỳ tài, những nhân cách lớn nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một sự tôn trọng và cẩn trọng bắt buộc. Chính vì sự nghiêm túc đó nên diễn xuất của các nghệ sĩ trong Vua thánh triều Lê đã thật sự là một điểm cộng cho vở diễn. Không thể kiếm ai có được khả năng diễn xuất nội tâm chân thật và sâu sắc như NSƯT Thành Lộc trong vai vua Lê Thánh Tông, dù anh đã qua cái độ tuổi đôi mươi của nhân vật từ lâu.

Hay cũng khó mà tìm được người nào có nội lực mạnh mẽ và bản lĩnh sân khấu như NSƯT Hữu Châu để tạo nên cái thần sắc uy nghiêm của một vị quốc công quyền lực. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ Hoàng Trinh, Ðại Nghĩa, Xuân Thùy, Bạch Long... dù là một trường đoạn dài hay chỉ vỏn vẹn một cảnh ngắn cũng đều là những sự góp mặt chỉn chu, đáng quý.

Vua thánh triều Lê còn được đánh giá cao ở sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn Vũ Minh. Nói chuyện lịch sử bằng giọng kể mang hơi thở đương đại là cách mà Vũ Minh đã làm trong một không gian kịch sang trọng, đầy ẩn ý. Vẻ đẹp tinh tế của cách xử lý ánh sáng trên sân khấu, cách dàn dựng đại cảnh đông người, sự phối hợp với âm nhạc ở những khoảnh khắc sâu lắng hay trầm hùng đều góp phần đem lại ấn tượng mỹ cảm cho khán giả.

Tuy nhiên, tất cả những cái phiêu của tác giả, đạo diễn, diễn viên đều sẽ khó mà thành hình nếu không có sự phiêu của... ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. "Phiêu" với ông bầu không hẳn là "phiêu linh" như nghệ sĩ, mà là "phiêu lưu" bởi tổng số tiền đầu tư cho vở diễn đã lên gần 600 triệu đồng. Nhờ đó mới có một sân khấu hoành tráng và lộng lẫy mà người xem sẽ không cần phải ước lệ hay tưởng tượng nhiều về cung đình xưa, bởi mọi đạo cụ và phục trang đều được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Và mỗi suất diễn chỉ bán ra 500 vé (dù nhà hát Bến Thành có hơn 1.000 chỗ ngồi) để "chống loãng" cho không gian sân khấu cô đặc cần thiết của một vở kịch đặc biệt. Và tất cả những sự phiêu linh hay phiêu lưu nhọc nhằn này, đơn giản chỉ là để khán giả "xem cho sướng!" như mong muốn của NSƯT Thành Lộc.

Theo Hoàng Oanh / Tuổi Trẻ

>> NSƯT Thành Lộc: Lối rẽ đến “thánh đường”
>> Nhiều bài học trong Vua thánh triều Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.