Một cuộc yêu - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

15/11/2015 05:00 GMT+7

Theo như tôi được biết, hình như, cô không có làm. Cô chơi không à! Từ hồi giờ chứ không phải mới đây. Hồi chồng còn, thôi có ổng lo đủ: nhà ở, áo mặc, cơm ăn, tiền ăn chơi và đánh bài. Chồng mất nhiều người cùng lo nên cũng không thiếu thốn gì. Nhiều người ở đây, là: con cháu, họ hàng, chòm xóm, bạn bè...

Một
Cô là cô họ bên phía chồng tôi.

Minh họa: Tuấn AnhMinh họa: Tuấn Anh
Theo như tôi được biết, hình như, cô không có làm. Cô chơi không à! Từ hồi giờ chứ không phải mới đây. Hồi chồng còn, thôi có ổng lo đủ: nhà ở, áo mặc, cơm ăn, tiền ăn chơi và đánh bài. Chồng mất nhiều người cùng lo nên cũng không thiếu thốn gì. Nhiều người ở đây, là: con cháu, họ hàng, chòm xóm, bạn bè... Nhiều người lo ớn, bỏ, đã có chú Hai xáp vô. Chú Hai là bạn trai của cô mà. Vậy mới nghiệt chứ! Tre trẻ có bạn trai nói gì. Đây cỡ bà cô tôi mà có được ông bồ phong độ vậy, sao không mất hồn? Ai mất hồn người nấy ráng chịu. Chú Hai vẫn tiếp tục yêu cô và tình cảm của hai người tính tháng tính ngày sao cho đủ? Vì già cả yếu đuối mà sức dai và tim mạnh dữ lắm, bởi không vậy, sao dám yêu một cuộc có trên chục năm trời.
Nghĩ chú Hai thương cô chi mà đầy mà đọa rồi ghen chi mà ghen chưng hửng, giảo banh. Phải cô hoa hậu hoa khôi, mướt mát, sang trọng ra dáng bà dáng chủ. Đây cô khô rang, nhỏ thó và lớn hơn chú tới mấy tuổi. Và chú, hồi cặp cô mới trên sáu chục cái xuân xanh. Khác với bà cô tôi, chú có một gia đình rất mực đàng hoàng với nhà cửa cơ ngơi hẳn hoi, vợ con cháu chắt đề huề. Vợ chú Hai đẫy đà phúc hậu rất xứng đôi cùng chồng. Có đâu như cô! Má chồng tôi có lần nói: đàn ông cỡ đó nhằm nhò gì. Có con còn được, nữa là. Chứ đàn bà hết xí quách rồi. Trúng cô Mai lũ bay thì có hơn gì cái xác ve. Chồng tôi trửng giỡn: biết đâu ông Hai lại ghiền kiểu vậy?
Cô có tấm hình chụp hồi trên dưới ba mươi. Điệu chết luôn! Hình màu nghen, mà hồi đó là màu tô, thấy không thật. Đâu có đẹp được như bây giờ. Cô che dù, mặc áo dài thêu đầy lá xanh bông đỏ, tóc phi-dê tân thời, cổ đeo kiềng vàng chóe mà chân mang đôi hài có rồng bay phượng múa. Không biết cô có tô mắt, vẽ mặt kỹ tới vậy không hay do ở tiệm ảnh sơn phết búa xua khiến cô y hệt đào hát. Vậy mà chú Hai thích cái hình này dữ lắm. Chú Hai trầm trồ: Bả ngon cơm quá chứ bay? Tướng ra nghệ sĩ. Ra dân chơi. Tức cái mình là không biết ca vọng cổ chứ ca hay nữa, ai chịu nổi. Mà cũng may! Bả được vậy cứ trên trời ngó chứ thèm chi cái thằng Hai này. Chú nói vậy là do nhìn phía trước và đối diện với chân dung cô. Chứ nhìn hàng chữ đề tặng phía sau xúc động quá, nghẹn! Cô biết viết nhưng chữ như gà bới nên mới nhờ tới tôi. Có bấy nhiêu đó thôi mà cô cháu cũng lời qua tiếng lại. Cô muốn lời tặng phải cho thiệt nồng thắm thiết tha. Tỷ như để suốt đời anh được ấp ủ hình bóng em. Tỷ như để lỡ mai này anh có lỡ xuống tuyền đài em được theo gót chân anh… Tôi thấy viết vậy sao kỳ kỳ. Nói cô có muốn thì viết. Con dị lắm không làm đâu. Cô nạt: Vậy chứ mày đòi viết sao, hử? Tôi nói chắc nụi: Tặng anh. Cô trừng mắt: Viết vậy thôi tình cảm gì? Trụi lủi, trọc lóc tao đọc đã muốn xịt chó cắn, huống gì… Cãi qua cãi lại đã đời hai cô cháu mới đồng ý, là: “Thương tặng anh để lưu luyến những ngày bên nhau”. Đâu ngờ quãng thời gian lưu luyến của hai người, tôi vừa được mà vừa bị chứng kiến hơi nhiều nhiều.
Hai
Ngoài thời gian ngồi sòng, cô không ở yên một chỗ được. Lẹt xẹt đi tối ngày. Rất khó để kiếm ra cô, vậy mà y như có thần giao cách cảm, cô ở đâu, làm gì, chú Hai ổng biết hết và khác khác một chút là gặng hỏi, tra nẹt cho ra mới thôi! Đã nói chú Hai ghen dữ dằn, ác ôn lắm mà! Cô ưa đâu ngủ đó. La cà ớn rồi tấp đại vô nhà người quen đánh một giấc cỡ năm giờ, trở dậy ngồi hút vài ba điếu thuốc rồi mò ra cái quán quen kiếm ly cà phê và bắt đầu cho một ngày mới. Tối đó cô có ghé nhà gặp lúc mọi người đang ăn cơm, mời, cô dụi tàn thuốc dòm sát mâm hỏi: “Ăn gì vậy?”. Má tôi nói canh cá nục lá giang món em ưa đó. Cô cười cười tự đi lấy đũa, bới lưng lửng chén rồi chan mấy muỗng canh, lùa vài miếng là rồi. Cô ra sau súc miệng nói vọng vô: “Đứa nào còn thuốc cho điếu?”. Tôi rửa chén xong ra phía trước thấy cô ngồi chồm hổm trên hè, đóm lửa liên tục đỏ rực trên môi ra kiểu nôn nóng vội hỏi: “Cô chờ chú Hai?”. Cô làm thinh cả đỗi mới cất giọng nhừa nhựa: “Chi?”.
Tiếp đó, hết cô tới chú thay phiên nhau giành chỗ nơi khoảng sân phía trước nhà tôi. Không giành cho cả hai mà giành cho có mỗi một người. Mới tội chứ! Bởi có cô không chú. Có chú không cô. Hai người lục sạo suốt tối đó. Y hình như cô là người lủi trốn mà chú lại là người kiếm tìm. Bởi, thấy bóng chú là cô biến mất. Hết thấy lại quay về. Khuôn mặt của cả hai căng thẳng, nhăn nhúm… thể hiện tâm trạng thấp thỏm lo lắng và cực kỳ khốn khổ. Suốt mấy tiếng đồng hồ liền, hai người như lời một bài hát tôi thuộc nằm lòng “… Tình yêu anh ơi cút bắt trò chơi. Em sẽ trốn khi anh đuổi tìm…”. Đâu cũng gần mười giờ đêm, lúc tôi đang ngồi trong nhà coi ti vi thì nghe tiếng chú kêu. Giọng gấp rút và giật cục khiến tôi phải lật đật chạy ra, mới liếc dòm tướng chú là tôi bắt sảng hồn. Chứ công chuyện gì của hai người mà ngó chú thất thểu bắt ghê! Vừa thấy tôi, chú hỏi liền:
- Chứ bả đâu? Con nói thiệt đi. Mày giấu cô mày ở đâu, hử?
- Mắc gì con giấu?
- Mày sợ tao giết bả.
- Mà… Bình tĩnh đi chú! Có chuyện gì gặp cô rồi hai người giải quyết. Chứ…
- Bả lăng nhăng vậy để chi mà không bụp cho rồi.
- Mà cổ lăng nhăng với ai?
- Với cái thằng già dịch thầu khoán. Thằng… Tao không biết tên. Chỉ hay con vợ nó thứ sáu. Có sạp trái cây ở chợ Lớn.
- Trời ơi! Tưởng gì? Mông lung trời đất vậy mà hơi nào chú để ý chi cho mệt?
- Tao tìm hiểu rõ ràng sít sao, vậy mà mày biểu mông lung trời đất? Con tưởng nẫu mới tình ý đây, hé? Lâu hung rồi. Thằng đó làm thầu khoán thiếu gì tiền. Cho bả ngợp mặt ngợp mày cái ham chứ sao! Không xong với tao được đâu. Bả vọc giỡn trái tim tao thì tao cũng chà nát cái thân bả ra tanh bành. Mới hả…
Chú hăm he đã rồi bươn bả bỏ đi. Dòm chân bước biết ngay là chú rất giận và sẵn sàng “bụp”, nếu gặp. Đêm đã khuya nhưng tôi ráng căng mắt thức. Cũng tính chờ cô để báo động tình hình nhưng thấy chú Hai, ổng cứ lượn qua lượn lại miết nên ớn. Vô nhà, đóng cửa ngủ cho yên. Trúng bữa đó, chồng tôi phải về quê chạp mả. Nằm một mình, thiếu hơi thấy mền chiếu rộng rinh thừa thãi, buồn ngủ rũ rượi mà cứ lăn qua trở lại miết, chứ không cách gì chợp mắt được. Giữa hồi chập chờn vậy, tôi láng máng nghe như có ai kêu tên mình. Giọng rất nhỏ. Đợi kêu cả đỗi, định thần, tôi mới rón rén ra mở cửa buồng và rất nhanh một cái bóng thấp tủn, lách vô. Thì ra là cô! Lên giường nghe kể, mới hay là chú Hai ổng còn lần quần phía trước. Sợ quá! Cô đâu dám về nhà. Núp mình trong con hẻm gần đó, muỗi đốt muốn chết mà mấy thằng bá vơ đái sém trúng mặt. Rình miết, thấy ổng lơ lơ cô mới dám chui đường luồn vô ngõ sau. Nhà tôi có cái luồng đó mới thiệt hay! Đúng ra, đó là chỗ thoát nước của mấy nhà gần kề. Nước lênh láng suốt ngày đêm nên dòm như con mương nhỏ, cũng may là con mương này có đáy trét xi măng, không sâu và sạch. Đầu mương để ngỏ không cửa nẻo mà cuối mương lại thông với gian bếp của nhà. Nên đêm hôm khuya khoắt, cửa trước lỡ có đóng mọi thành viên trong gia đình tôi đều có thể đi qua cái mương đó để vô. Êm ru mà khỏe re. Tôi hỏi thầm:
- Mà có thiệt cô bồ ông thầu khoán có bà vợ thứ sáu bán trái cây?
- Mày hơi nào mà nghe. Thì tao cũng có quen. Quen trong sòng. Tao thua đậm liên tiếp cả tuần. Tiền chú Hai cho đủ thiếu gì? Đang hồi đứt chếnh có người đưa tiền thì lấy. Lấy tiền nẫu thì cũng chả chớt anh anh em em… Thì cũng sao đó coi cho được.
- Chẳng lý vậy mà chú Hai ghen lồng ghen lộn…
- Ờ! Thì tao cũng có gác cái đùi lên cặp giò cha đó. Rồi chả cũng có ngắt véo chút chút. Cũng thường. Đâu mất mát gì! Chú Hai nghe ai méc không biết. Nổi cơn ghen quậy luôn chứ sao!
- Con nghĩ. Cô cũng phải gặp chú Hai nói cho ổng hiểu chứ không…
- Thì cũng chẫm thẳng. Ổng qua cơn đã chứ giờ há? Ổng vặn họng!
Vặn họng đâu chưa thấy, cô nói chưa rồi câu, đèn buồng tôi bỗng bật sáng và tiếng chú Hai dõng dạc: “Bà Mai! Giở mùng, bước ra. Tui nói chuyện. Mau”. Cô đâu dám động cựa, im ru, xít người tận vô phía trong, cái bộ xác ve thêm sát rạt khi dán chặt mình lên chiếu. Tôi sợ điếng người nhưng vẫn lanh, kịp lấy mền trùm kín mít người cô. Tiếng chú gằn trong miệng: “Bà đừng bày đặt trốn trong đó. Tui theo rình thấy hết rồi nghen! Đừng bắt tui làm rộn nhà nẫu. Bước liền liền cho tui. Mau. Rồi ra đường cái cho tui nói chuyện”. Tôi đã ngồi bật dậy từ khi nãy nhưng run quá, không rời giường được. Cái chân lẩy bẩy mà cái mùng lướng vướng. Phải một chặp sau, tôi mới đứng đối diện với chú. Tôi không dám nhìn thẳng vô mắt ổng. Cô tôi mà chú còn đòi bụp, chà nát mình chắc gì tôi ổng tha? Cũng may chú làm thinh, nghiến răng qua lại… Trèo trẹo ớn rồi tới trin trít đã đời, mới chịu chỉa miệng vô mùng hỏi trỏng trỏng: “Vậy là bà quyết tâm cố thủ, phải không? Bà không thoát khỏi thằng này đâu nghen. Bà ngon trốn tui miết đi. Tui không xử bà trước cũng xử sau à!”. Nói rồi quay qua tôi hỏi trọn lỏn: “Mày cháu dâu bả vậy cháu dâu tao. Đúng chưa?”. Tôi lúng búng: “Dạ. Dạ… Đúng!”. “Vậy bay nghe tao nói nghen. Tao với cô bay bữa này chấm dứt. Hết tình. Hết bồ bịch. Gái trai. Tao thề tao mà còn thương bả nữa tao đội quần bay. Tao nói thiệt! Tao đội quần con cháu dâu đây. Bà ở trong mùng bà nghe rõ chưa. Bà Mai, bà nghe rõ chưa, hử?”. Nói rồi chú tự động tắt đèn, khẽ bước ra nhà sau và lách mình qua con mương nhỏ, ra đường. Khi chú đi rồi, tôi mới hay là mình quên đóng cửa buồng, hồi cho cô chui vô. Cũng may, chồng tôi vắng nhà và mọi người trong gia đình đang yên giấc nên không ai hay biết gì.
Ba
Tôi cứ ngờ sự việc trầm trọng tới vậy và chú Hai ổng đã thề tới mức đó, chắc cô chú phải thôi nhau. Ai dè sau đó mấy bữa, đi ngang chỗ chú vẫn ngồi uống bia hơi mỗi chiều, đã nghe tới hai giọng réo tên mình ơi ới. Đang đạp xe ngon trớn, tôi mất hồn bóp phanh thiếu điều chúi té. Dòm vô quán thấy có hai người ngồi sát nhau. Là cô và chú. Thấy có hai nụ cười chờ đón mình. Là chú với cô. Chú rót bia từ ca ra ly. Bưng đưa tận tay tôi ra bộ rất chu đáo. Còn cô xé miếng mực lớn chấm vô đĩa tương. Cũng trao vô tay tôi coi bộ rất tận tụy. Sao sướng dữ, hé! Tôi dè chừng đưa mắt ngó quanh. Thấy tình chú cô lưu luyến ở khóe mắt, bờ môi… Ở bàn tay chú khô khiễng đặt hờ lên đùi cô teo héo. Tình vầy ít gì nữa na! Là tình của nẫu ấy mà! Chương ướng vậy, hay gì nổi? Nhưng ai biểu dở, nói giùm coi? Người đã sáu lăm sáu bảy sao tình mãi thuở ban sơ? Tôi hớp một ngụm bia và nhai thiệt kỹ miếng mực. Vừa nhai tôi vừa nhìn cô bối rối dụi đi dụi lại tàn thuốc và chú lóng ngóng vuốt đi vuốt lại bộ râu. Cô tằng hắng và chú e hèm cũng mấy lần vậy mới chép miệng rồi ngập ngừng mở lời: “Thôi hử con cháu dâu. Chuyện bữa trước… Câu thề của chú á mà. Úy! Hơi nào… Con đừng có để bụng nghen. Thì đội quần… Đội quần cũng như đội vải chứ khác gì đâu con, hé! Vậy hử?”.
Coi! Hay dữ? Và tôi ngắc ngứ miết điều định nói. Câu chữ đã hình thành nhưng được giữ lại trong vòm họng nên đâu thể tuôn ra. Nằm im ru và ngọ nguậy. Thành những dấu hỏi liền kề, áp sát và hối thúc bờ môi. Nhưng miệng không mở lấy gì tiếng nói phát ra? Lặng thinh một chặp rồi chần chừ cả đỗi, tôi chào cô chú và rời quán. Không quên ăn thêm một miếng mực nướng cô đưa và húp thêm một ngụm bia hơi chú mời. Chưa đủ vì tai còn mắc nghe thêm một lần nữa câu này: “Vậy hé! Con… Thì đội quần cũng như đội vải í mà!”. Tôi chậc lưỡi thôi kệ hai người. Kệ cuộc yêu của họ.
Đã thành lệ. Mờ sớm cô chú gặp nhau nơi cái quán cóc gần nhà. Chú không biết uống cà phê, hút thuốc nhưng luôn là người trả tiền. Chú thường đem ra đó hai cái bánh bao hoặc hai gói xôi hoặc hai ổ bánh mì bắt cô ăn cùng. Cô không có thói quen ăn sáng nhưng “Của ổng không ăn, ổng buồn mà có chút gì dằn bụng, ngồi sòng giấc trưa cũng đỡ xót xáy”. Cô thường nói vậy. Như chú thường cho cô tiền và nói: “Hề! Ít đồng cho cái túi bà nó khỏi ở không. Cái túi mình nó cũng như cái ruột mình á chứ! Không có gì bỏ. Rỗng ruệch. Xót xáy, chịu gì nổi?”. Hai người lình xình ở đó cũng mấy tiếng đồng hồ mới chịu chia tay trong niềm lưu luyến. Chú trở về nhà với vợ con. Cô vô sòng ngồi luôn tới khoảng năm, sáu giờ chiều. Sòng rã, lại tìm ra quán bia hơi chú hay ngồi. Cô không biết bia rượu nên vừa hút thuốc vừa xé mực chấm tương vừa xoa vỏ đậu phộng giúp chú. Hay lắm kìa! Cô xoa đậu đặt vô lòng bàn tay. Chú lượm từng hột, từng hột một nhâm nhi. Đôi hồi, cô bụm bàn tay, đọc mấy câu đồng dao của lũ nhỏ: “Chi chi. Chành chành… Cái đanh thổi lửa…” rồi chụp lấy bàn tay chú ôm khư khư. Ớn ghê ớn gớm! Dòm, đã muốn kiếm ai đó đặng ôm. Mà cái nòi ôm, kỳ, không ôm thì thôi, ôm chi cái tay cũng chịu mang tiếng đời. Nên có đôi lần chú cũng có lén ôm hờ bờ vai cô. Đó là nghe cô chủ quán méc lại. Cô đó là bạn tôi mà. Hai người lình xình ở đó gần hết buổi tối rồi mới chịu ai về nhà đó.
Bốn
Ở xóm tôi cũng có một ông già cỡ chú, nghĩa là trên tuổi sáu lăm. Cũng đâu làm gì. Cũng rượu bia tối ngày. Cũng có bộ ria con kiến cứng đơ vểnh ngược. Cũng thứ hai. Kêu là ông Hai Hết. Kêu vậy thôi chứ đâu ai biết tên thiệt ổng là gì. Ông đây say rượu từ mờ sớm tới hồi xoa hai chân ình lên cái chõng kê trước hè, ngủ mê mết. Ông đây gặp ai cũng bắt người đó đứng lại nghe ngâm cho đủ câu này mới cho đi. Câu đó là vầy: “Áo dzũ cơ hàn có thế thôi! Cuộc đời Hai Hết đã hết rồi. Tình yêu cũng hết tiền cũng hết. Ra trước hành pháp luật pháp xử tròn đẹp như mơ…” và sau đó là nói: “Đời là xê la vi. Tình là xe ba lua. Bất quá nằm cho xe ba lua cán chết luôn!”. Ông đây ngâm và nói câu đầu tiên là với bác Ba Dị, ở sát nhà khi bác bưng xoong bánh canh chả cá ra vỉa hè bán. Bác Ba nói bữa nào ông Hết đau ốm hay mắc đi đâu, tui không được ổng chặn lại để nghe câu đó là bữa đó ế tàn ế mạt luôn nghe. Cha mẹ ơi! Cả nhà húp bánh canh muốn bịnh. Y hình vậy mà có bữa, chưa thấy ông Hai Hết chặn lại ngâm và đọc thần chú, bác Ba như gà mắc đẻ ra vô luýnh quýnh chứ không chịu dọn hàng. Nói vậy chứ không mua bán thì thôi, đã bán mua ai ưng gì cái chuyện ế ẩm. Đi bạn ra khơi lỗ tổn xăng dầu. Nấu xoong bánh canh không tính công xá cũng lỗ tổn cả trăm, chứ ít ỏi gì na!
Ông Hai Hết ngâm câu đầu là với bác Ba Dị, ngâm rất nhiều, câu sau là với quá chừng chừng là người. Chân đi tới đâu là “Áo dzũ cơ hàn…” tới đó và bất cứ cuộc gặp nào cũng không sót được lời tâm tình rút ruột rút gan “… cuộc đời Hai Hết đã hết rồi…”. Nhưng câu cuối tuyệt đối ổng ngâm cho chính ổng nghe. Nội lời độc thoại cho bản thân, ông Hai cũng nghiên cứu rất kỹ và rất nghiêm túc, khi thực hiện. Dù say ngả say nghiêng, bước lao chao lúi chúi vẫn về được tới tận nhà, vẫn ngồi đàng hoàng xuống chiếu. Giở cặp chân ra khỏi đôi dép lào, từ tốn xoa hai chân vào nhau như cách rũ sạch bụi trần và miệng ê a, ê a… Ông tính thiệt tài tình vì vừa tới chữ cuối “… cho xe ba lua cán chết luôn” là ông Hết kịp đặt cái đầu mình lên gối và ngủ vùi.
Ông Hai Hết nghe nói hồi nhỏ cũng mê cô Mai dữ lắm. Cái thời cô Mai tháng nào cũng lên hiệu ảnh, chụp hình với sắc áo của đủ các dân tộc trên thế giới. Ông Hai ưa hình cô mặc kimono đặt cái dù hờ hững trên bờ vai. Mỗi lần, cô đưa hình khoe là ông Hai Hết cất tiếng ngân nga: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa. Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa…” (**). Tôi hỏi một lần:
- Ông Hai xóm mình là ông Hai Hết, còn ông Hai của cô?
- …
- Trời! Bồ bịch lâu lắc không biết tên người ta.
- Tao có hỏi. Ổng nói bà thử đoán coi. Tao nói Hai Rô, ổng nói bà bài bạc quen chứ rô bích nào ở đây. Rồi tao nói Hai Thiên, ổng nói bà cứ trên trời ngó coi thằng nào ngon hơn tui đặng mê nên ưa tên Thiên chứ sao!
- …
- Tao nói ổng là ông Hai Dại. Cái ổng nói ý bà nói tui mê bà quá cái ngu hé?
- Vậy cũng không phải tên đó.
- Ừ! Ổng nói ông già tui biết tui có cái cốt mê phụ nữ đặt chi tên dại. Chưa phải dại đã ngu tàn ngu mạt vầy. Dại nữa chết liền!
- Rồi sao nữa? Con người phải có tên chứ!
- Bí thiết quá cái tao kêu ổng là ông Hai Hù. Vậy mà ổng chịu. Ưa hung chứ!
Vậy là từ bữa đó, bạn trai của cô có tên Hai Hù. Chú coi bộ ưng cái tên này dữ lắm! Mắt sáng trưng cười nhỏn nhẻn mỗi lần tới nhà tụi tôi chơi mà nghe ai kêu ông Hai Hù, chú Hai Hù, anh Hai Hù. Chú dặn lui dặn tới lũ tui là phải luôn luôn kêu vậy. Để chi biết không? Để phân biệt với cái thằng cha Hai Hết trước cửa nhà. Chú nói thằng đó thương bả hồi đó nhằm nhò gì. Ngon thương bả hồi này đi! Tao thương bả tao còn bao bả ăn sáng, uống cà phê, cho bả tiền đánh bài, chứ Hai Hết há? Có cái mạng trành “Áo dzũ cơ hàn có thế thôi…”. Rồi chú trầm ngâm giây lát trước khi tâm sự tiếp: “Hai Hết hát hay quá. Cái bài Ai lên xứ hoa đào tao nghe Hà Thanh hát rồi nhiều người hát mà đâu ai hát hay bằng cái thằng cha Hai Hết mày. Con bà nó, cái thằng, hát nghe sao mà thiệt sướng cái lỗ tai chứ bay”!
Có lần, tôi méc lại lời chú tâm sự với chồng. Đang nằm trên giường, anh cười thiếu điều lăn mình xuống đất. Cười đã đời mới cho hay là chú Hai Hù ghen với Hai Hết. Quê, ổng cố tình chơi xỏ tình địch nên khen đểu. Đâu dè, tôi ngu quá tưởng thiệt. Chồng tôi còn ngắt nghẻo: Hay. Hay cái con khỉ! Ca sĩ hát được là nhờ có bộ răng sít sao, liền lạc. Nó cũng như cái cổng để chặn bớt bụi bặm, rác rến, có vậy nhà cửa mới sạch sẽ chứ! Đây răng của chú Hai Hết nó trống huơ trống hoác, âm tiếng phát ra phều phào hay gì nổi? Hai Hù thấy vậy mà thâm độc dữ, hé! Có điều mấy cha đó thuộc bài dữ lắm em ơi! Hát hỏng lào khào không ra sao, vậy mà hát đủ chữ đủ câu đàng hoàng. Thiếu là ý kiến. Đã nói hát chắc lụi mà.
Tôi à lên thích thú. Là vậy đó, người già hát chắc lụi mới hay. Và hát cũng như yêu: trọn lỏn, gọn bưng duy nhất một cuộc thôi nhưng ứ đầy và dặc dài bắt ớn. Cái cuộc yêu đó, của mỗi người, như đày như đọa, làm sao mà lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.