Một di tích kêu cứu

07/07/2008 01:40 GMT+7

Phật viện Đồng Dương (thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - khu di tích với nhiều tác phẩm điêu khắc đặc sắc có từ thời Vua Chămpa Indravarman II, từng được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao - hiện đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Giá trị lịch sử

Năm 875, Vua Chămpa Indravarman II đã cho xây một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada tại khu vực nay là làng Đồng Dương. Đến năm 1901, L.Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương. Trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108 cm, mang đậm yếu tố nghệ thuật Ấn Độ.

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Ngày 5.1.2001, Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.

Một năm sau đó, nhà nghiên cứu H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật, dài 326m, rộng 155m với 3 nhóm kiến trúc được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch, như: tu viện Phật giáo (Vihara) với pho tượng Thích Ca ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như Vua Chămpa ngồi trên ngai vàng; nhiều tượng thần bảo vệ giáo luật của đạo Phật trên những bệ đá. Ở nhóm tháp giữa là ngôi nhà dài có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) cao khoảng 2m, là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa...

Trải qua những cuộc chiến tranh, khu di tích Đồng Dương nhiều lần hứng chịu những trận bom và đại bác làm hư hại rất nặng. Đến năm 1978, dân địa phương đã đào được một pho tượng Bodhisattva (Bồ tát) bằng đồng thau, cao 114 cm ở gần khu đền thờ chính. Đây là pho tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara: Nữ thần đứng thẳng; tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà; gương mặt nữ thần nghiêm nghị; thân trên để trần với bộ ngực căng tròn; thân dưới quấn một sarong dài có nhiều nếp lượn cong mềm mại; hai tay cầm hoa sen (đã bị gãy mất). Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chămpa và là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á.

Tấm bảng bảo vệ di tích đã hư hỏng trong nhà dân - Ảnh: T.Đ.T

Một tượng voi phơi mưa nắng bên đường

Bị quên lãng

Chúng tôi trở lại làng Đồng Dương khi nghe tin một xe gạch Chăm cổ trên đường chở đi Hội An vừa bị bắt giữ. Tại xã Bình Định Bắc, hàng ngàn viên gạch cổ (cỡ 20x30x5 cm) bị người dân lấy từ các tháp về xây nhà, nay gỡ ra bán thì bị chính quyền địa phương thu lại, chờ cấp trên xử lý vì có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ di sản. Tại nhà thờ nhánh 2 tộc Trà, một tượng voi cao khoảng 70 cm, dài 1m, trước đó cũng bị giữ lại khi kẻ gian trên đường tẩu tán. Đây cũng là tượng voi quý thứ hai được người dân sở tại bắt giữ lại được...

Những tác phẩm nghệ thuật được khai quật tại Đồng Dương tuy nhiều, nhưng theo các ông Trà Tấn Gặp, Trà Tấn Nhỏ - người địa phương thì trên diện tích 33.000m2 của khu di tích rậm rạp cây rừng, chắc chắn còn rất nhiều di vật, tác phẩm nghệ thuật bị vùi lấp sau những trận bom dữ dội năm 1968. Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam Hồ Xuân Tịnh cho biết, do không có kinh phí khảo cổ lẫn bảo vệ, Đồng Dương đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ!

Lần theo một lối mòn nhỏ xuyên rừng, chúng tôi tìm đến khu cổng Tháp Sáng. Đây là phần kiến trúc duy nhất còn lại đang được chống đỡ bằng những cây gỗ. Phía xa là những đống gạch đổ nát, những tấm bia đá lớn bị vùi lấp chỉ lộ ra một phần nhỏ. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó chủ tịch xã Bình Định Bắc đưa chúng tôi đi tìm lại tấm bảng niêm yết khu vực di tích được bảo vệ, mà theo ông do bị bão đánh ngã mấy năm nay nên đã đem "gửi" vào nhà dân. Một tấm bảng bằng tôn, khung sắt đã gỉ sét, ngày nào còn là hiệu lệnh của luật pháp, nay đang trở thành... vách chuồng lợn tại nhà một người dân ở tổ 6! Cả vị phó chủ tịch xã và một cán bộ ngành văn hóa thông tin huyện đều ngỡ ngàng trước cảnh tượng này.

Một di tích quý giá được xếp hạng cấp quốc gia như Phật viện Đồng Dương nay bị lãng quên và bị tàn phá từng ngày, vậy ai và cấp nào phải chịu trách nhiệm theo Luật Bảo vệ di sản?

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.