Một người xứ Quảng

03/07/2010 20:21 GMT+7

Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân đi xa vừa tròn ba năm. Nhân ngày giỗ lần thứ 3 của ông, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Tạp chí Xưa và Nay phối hợp xuất bản cuốn sách Nguyễn Văn Xuân, một người Quảng Nam tập hợp những bài viết của ông đăng trên Tạp chí Xưa và Nay.

1. Nổi tiếng trong làng văn từ năm 1937 khi vừa 16 tuổi, nhưng tác phẩm của nhà văn - nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân ít được đưa lên mạng internet. Cho đến khi ông nằm xuống, ít người biết đầy đủ về ông. Sau khi ông mất, nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến sinh sống ở Pháp, lúc đó đang có công việc ở Liege (Bỉ) đã viết: “Năm 1956 dưới bút hiệu Việt Hiến, cùng với Thu Tâm (Võ Thu Tịnh) và Trần Lê Nguyễn, anh (Nguyễn Văn Xuân) chủ trương biên tập Tạp chí Văn Nghệ Mới tại Huế, ra được hai số thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa vì tình nghi thân cộng”; “Nguyễn Văn Xuân phát hiện 80 hồi trong pho tuồng hát bội Vạn bửu tình trường của thời Tự Đức trên tổng số 120 hồi. Rất thông thái về tuồng, anh viết liên tiếp nhiều bài về hát bội trên Tạp chí Tân Văn, Sài Gòn; hay nhất là bài Trại Ba Công Chúa - tức là tuồng Địch Thanh. Nguyễn Văn Xuân sành văn hóa dân gian, nhất là văn hóa địa phương.

Thỉnh thoảng anh có bài điểm sách, phê bình sách, đưa ra nhiều nhận xét thực tiễn và chính đáng thay vì những lý thuyết dông dài như nhiều người khác thời đó. Nguyễn  Văn Xuân là một tài năng lớn, một học giả công tâm, uyên bác, ngay thẳng. Trong một thời gian dài, anh là lương tâm văn hóa của chúng tôi trong một bối cảnh xã hội và lịch sử nhập nhằng...”.

2. Nhà văn Thái Bá Lợi có nhiều kỷ niệm với ông trong suốt 30 năm, từ khi hết chiến tranh cho đến lúc ngồi bên thi hài ông trong căn nhà cũ: “...Trong đời ít có ai mà không gặp một sự cố nào dù lớn dù nhỏ, nhưng hoàn cảnh của ông thật là hy hữu. Đến năm 80 tuổi, ông vẫn là lao động chính trong một gia đình có nhiều người khác thường. Trong căn nhà mà tôi được biết từ 1.4.1975 đến nay chẳng có gì thay đổi mà ngày càng xuống cấp thêm bởi người lao động chính đang bận kiếm sống để cái gia đình đặc biệt đó tồn tại. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết ông lấy đâu ra ý chí, sức lực để chống chọi với hoàn cảnh. Cuộc chiến này của ông thật là oanh liệt, người bình thường như chúng tôi thật khó hình dung ra nổi, dù nó đã diễn ra hằng ngày trước mắt mình...

Những năm cuối đời, ông thường nói với tôi về hai sự kiện: Vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm và cuộc chiến tranh chống ngoại xâm 1858-1860 của dân Quảng. “Đó là hai dấu son chói lọi trong lịch sử xứ mình, cần được vinh danh và truyền đời cho con cháu...”. Ngày nay, các nhà nghiên cứu mà ta thường đọc ít có những tư duy độc lập như thế. Phần đông họ làm công tác biên khảo chứ chưa đạt đến cấp độ nghiên cứu để phát hiện vấn đề mới như ông. Chính đó là một khoảng trống khi cụ Xuân ra đi!”.

3. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, trước sau vẫn gọi ông là “thầy Xuân” dù chưa học với ông ngày nào ở trường. Nhưng anh Quốc bảo: “Nếu không có “thầy”, tôi khó có cơ hội gắn bó với những đề tài lịch sử ở Quảng Nam và Đà Nẵng” và “thầy Xuân ưa chơi với người trẻ hơn người già. Khác với nét mặt khắc khổ đượm vẻ kiêu hãnh cộng với vốn sống và vốn kiến thức, thầy là người rất cởi mở và thích sống hết mình những khi có dịp. Chỉ “chọc” khẽ, thầy có thể cho tuôn trào biết bao điều chứa chất bên trong thành những bài thuyết giảng hấp dẫn, thành những câu thơ tình đọc rất say sưa hay những lời bình sâu sắc thường pha chất trào lộng... Tất cả, bằng một giọng xứ Quảng rất nặng. Tôi không bao giờ quên cuộc hội thảo kỷ niệm hai nhân vật xứ Quảng: các cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng (1992), tại Đà Nẵng, Nguyễn Văn Xuân ngồi ở dưới phát biểu ý kiến; Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ đoàn chủ tịch xuống ngồi sát cạnh ông để nghe cho rõ những điều ông nói. Giọng thầy rất khó nghe nhưng khi đã lọt vào tai rồi là đi tới óc”.

Anh Quốc kết luận: “Là người từng gắn bó tham gia nhiều công việc với các đồng nghiệp xứ Quảng của thầy, tôi cũng cảm nhận được một điều: một cuộc hội thảo, một tập kỷ yếu viết về lịch sử và văn hóa xứ Quảng mà vắng tên của thầy thì mọi người đều cảm thấy một cái gì đó không trọn vẹn, một khoảng trống... Nguyễn Văn Xuân là người học rộng lại chuyên viết về xứ Quảng nên gọi thầy là nhà Quảng học hiểu theo nghĩa nào cũng đều đúng cả, một tính cách và một kho tri thức”.

Sau ba năm ông nằm xuống, chúng tôi chỉ muốn nêu lại đây một đề nghị: Đặt tên ông cho một con đường ở Đà Nẵng, Tam Kỳ hoặc Hội An (những thành phố quê hương ghi đậm dấu vết trong những trang viết của ông lúc sinh thời) như một sự tri ân của chúng ta, còn là để tôn vinh cho bản sắc văn hóa của một vùng đất vậy. 

Hai tháng sau ngày Nguyễn Văn Xuân mất, Tự điển Wikipedia đã lập “trang định hướng” về Nguyễn Văn Xuân (27.8.2007) với nội dung tóm tắt như sau:

“Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) là một học giả, nhà văn và thầy giáo Việt Nam. Ông sinh năm 1921 tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời vào lúc 21 giờ 30 ngày 4 tháng 7 năm 2007 tại Đà Nẵng.

Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm như: Bão Rừng, Dịch Cát, Kỳ Nữ Họ Tống,... Ngoài sáng tác, ông còn có những tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn học như Khi những lưu dân trở lại, Phong trào Duy Tân, Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc...

Bên cạnh nghề văn, Nguyễn Văn Xuân còn là một nhà giáo nhiều năm dạy học tại nhiều trường trung học. Ông còn hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật tuồng, bảo vệ văn hóa dân tộc ở miền Nam trước năm 1975.

Lối hành văn và cung cách hành xử với đời của ông phản ảnh những tấm gương của các nhà cách mạng xứ Quảng. Trong giai đoạn từ 1941 đến 1945, Nguyễn Văn Xuân cộng tác với Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội. Sáng tác chính của ông vẫn là những truyện ngắn, trình bày những sinh hoạt đời thường, cùng giới thiệu, đề cao tâm hồn chất phác, giản dị của lớp quần chúng lam lũ.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.