Mùa “Nuôi em” ngày xưa…

24/12/2020 11:36 GMT+7

"Nuôi em" ở đây là tiếng nói trại đi của chữ Noel mà tụi con nít tụi tui hồi xưa hay dùng để chỉ mùa Giáng sinh.

Mùa Giáng sinh cũng như mùa tết ta, người ta vui, người ta đón chào không phải ngay ngày chính thức của lễ mà chính là những ngày trước đó. Nhất là con nít chộn rộn đón chào một cách hân hoan quá sức hiểu biết của lứa tuổi.
À, đối với tụi con nít Công giáo sự chộn rộn, đón mừng là vì sẽ được "Ông già nuôi em" cho quà theo điều ước nguyện bỏ trong chiếc vớ treo đầu giường (thay cho lò sưởi-nếu kẹt quá, treo dưới bếp có ông Táo cũng được). Đối với con nít, cũng như nam thanh nữ tú ngoại đạo khi đến đầu tháng 12 là cũng bắt đầu chộn rộn, chạo rạo chuẩn bị cho mùa Giáng sinh và một đêm Noel thật tưng bừng, trăm ngàn kiểu đón Chúa vòng vòng Vương Cung Thánh Đường. Noel nào đâu của riêng ai?
Đấy là thời gian của những bài nhạc Noel diễm lệ vang lên còn hơn tiếng chuông phát ra từ những chiếc radio, những cuộn băng trên máy Akai của những quán cà phê được trang trí bằng những cây thông giấy nho nhỏ. “Lạy Chúa, con là người không đạo nhưng tin rằng có Chúa ở trên cao…”(Trần Thiện Thanh). Những Noel của kẻ thất tình khi đó mùa Noel cuối cùng có em: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em.Noel năm nào chúng mình có nhau…”(Nguyễn Vũ). “Thê thảm thiết” hơn thì “Con quỳ lạy Chúa trên trời/sao cho con lấy được người con thương/Đời con đau khổ đã nhiều, từ khi thơ dại đủ điều đắng cay/Số nghèo hai chục năm nay/ xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo/ Chúa ơi! Chúa ơi!...” (Phạm Duy-Lê Dinh). Băng, đĩa , bài hát có lời liên quan đến Noel là cháy hàng. Chưa nói là trên các chương trình văn nghệ trên băng tầng số 9 của Đài truyền hình Sài gòn cũng không nhường bước cho các chương trình của đài phát thanh. Ấy là chưa nói đài băng tần 11 của TV Mỹ vang lên nào là White Christmas, Silent Night, Santa Claus Is Coming to Town… Rộn ràng, thật rộn ràng từ trong lồng ngực rộn ràng ra!

Sài Gòn xưa tràn ngập không khí Giáng sinh

ẢNH: T.L

Trong khi mùa "nuôi em" có vẻ là mùa… thất tình của các nhạc sĩ thì đối với bọn trai trẻ như tụi tui là mùa tán “ghệ” không ngơi nghỉ. Không thể mở miệng “thót” một câu nghe được trước mặt mấy nàng áo dài, tụi quần xanh áo trắng đành phải mượn mấy tấm thiệp chúc mừng Noel để ngỏ lời. Không thành công thì cũng… thất bại khi hiểu được lòng “nường”. Thằng bạn tui vốn là đệ tử của một họa sĩ nên nó đầy hoa tay, vô cùng được săn đón mùa Noel. Tụi tui mời nó cà phê Năm Dưỡng, hủ tíu mì sáng khu Nguyễn Thiện Thuật gần trường Petrus Ký để nhờ nó vẽ tay cho vài cái thiệp tặng người trong cõi nhớ. Khi có thiệp rồi chính tay tụi tôi sẽ viết trên giấy pơluy hồng hay xanh những lời từ trái tim (đa số là chôm trong sách) của mình. Những tấm thiệp Giáng sinh được dùng để thay lời tán tỉnh. Nhờ vậy, mỗi mùa Noel đến là mỗi mùa kiếm tiền của gia đình thằng bạn tôi. Ba nó mua giấy bristol giao cho nó vẽ bằng bút chì gương mặt thiếu nữ, hoặc mấy cô gái trong tà áo dài với bối cảnh luôn là nhà thờ rồi em nó sơn màu, rắc kim tuyến lên với vài dòng chữ Merry Christmas, x’Max, Mừng Giáng sinh… Thế là đã có một tấm thiệp vẽ tay (thời thượng gọi là hand-made). Thiệp do gia đình nó sản xuất khép kín phát hành bằng cách bỏ mối sỉ bán đầy các nhà sách dọc trục đường Lê Lợi gần nhà sách Khai Trí, trên các sạp dọc đường Nguyễn Du đối diện Vương Cung Thánh Đường. Phải nói là các sạp này bán đủ thứ loại từ thiệp vẽ tay, thiệp in lụa đến thiệp in offset, thiệp in nổi nhập từ nước ngoài. Cần một tấm thiệp đủ màu, đủ sắc, đủ Noel để gửi đến bạn bè thân, người thương hãy đến khu vực nầy sẽ được đáp ứng đầy đủ theo túi tiền.
Mấy sạp dã chiến này ngoài bán thiệp Giáng sinh, thiệp xuân còn bán những cành thông nho nhỏ. Những gia đình Công giáo muốn tìm những cây thông thật là… thông y như thông Đà Lạt thì chỉ cần đến khu vực đường Nguyễn Huệ cứ không cần phải lên xứ đồi thông hai mộ chi cho cực cái thân. Thiệt là ngộ con đường Nguyễn Huệ này! Tết âm lịch thì trở thành con đường bán hoa xuân rực rỡ còn mùa Noel trở thành một đường thông như rừng thông từ Đà Lạt bê về. Từ đầu đường Nguyễn Huệ góc Lê Lợi có tiệm kem lạnh buốt Pole Nord chạy dài cho tới tận cuối đường là một màu xanh lục bát ngát với thông thật, thông giấy đủ cỡ. Những kiosque hai bên đường rực rỡ ánh đèn, rực rỡ những ngôi sao lấp lánh, dây treo kim tuyến đủ loại sắc màu. Đến đường Nguyễn Huệ vào lúc này là đã thấy hơi hướm “Ông già nuôi em”… Nhưng đường này không đẹp chỉ vì thông mà còn đẹp vì bóng dáng những cô thiếu nữ Sài thành đi cùng những chàng trai “bảnh tỏn” đóng “quỡn”, vận “y”, chân mang “hia cối”, mắt đeo kính hippy to bự, che hết gương mặt. Đây là “đội quân” sẽ có mặt ào ạt trong đêm 24 vòng quanh những cung đường bao bọc Vương Cung Thánh Đường bằng đủ các loại xe Honda, Suzuki, Kawasaki, Bridgestone… với nhiều cấp độ phân khối lớn nhỏ. Thấy những chiếc xe lạng lách, chen chúc, những ông bà cụ đi lễ nửa đêm chỉ biết chép miệng “Giêsu ma…Giêsu ma…”. Nhưng thật ra đây chỉ là một sự lo xa vì đêm "nuôi em" là đêm “bình yên dưới thế cho người thiện tâm”. Thật ra, nam thanh nữ tú chỉ chạy xe vòng vòng để nhìn nhau, ngắm nhau đến nửa đêm cho đến khi nghe tiếng chuông nhà thờ báo hiệu “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…”(Hải Linh).
Năm nào cũng vậy, người Sài Gòn biết mùa “nuôi em” bắt đầu từ những tấm thiệp gửi đi khắp phương xa, từ những hàng thông nhấp nháy ánh đèn, những ngôi sao Bethlehem đủ màu kim tuyến xuất hiện ngập tràn xanh trên con đường Nguyễn Huệ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.