Mùa xuân rất hiền

21/02/2015 05:38 GMT+7

(TN Xuân) Hồi còn nhỏ, có một năm trong mấy ngày giáp tết, đài truyền hình địa phương cứ phát đi phát lại ca khúc Lời tỏ tình mùa xuân do ca sĩ Ngọc Bích thể hiện. Tôi nhớ nhất câu “Mùa xuân rất hiền, lặng yên ngồi nghe tôi hát...” và băn khoăn, vì sao mùa xuân được xem là “hiền” nhỉ?

(TN Xuân) Hồi còn nhỏ, có một năm trong mấy ngày giáp tết, đài truyền hình địa phương cứ phát đi phát lại ca khúc Lời tỏ tình mùa xuân do ca sĩ Ngọc Bích thể hiện. Tôi nhớ nhất câu “Mùa xuân rất hiền, lặng yên ngồi nghe tôi hát...” và băn khoăn, vì sao mùa xuân được xem là “hiền” nhỉ?
Minh họa: Văn Nguyễn
Đọc thơ văn, tôi chỉ thấy người ta miêu tả mùa xuân là mùa xanh, mùa đâm chồi nảy lộc, mùa khởi đầu của mọi khởi đầu, lãng mạn hơn là mùa tình yêu... Chỉ riêng nhạc sĩ Thanh Tùng bảo xuân là mùa “hiền” (vậy các mùa còn lại trong năm chắc là… không hiền rồi?). Nhưng tôi không biết hỏi ai, vì những ngày đó người lớn bận tối mắt để lo tết, chỉ mấy đứa trẻ được nghỉ tết sớm thơ thẩn chơi với nhau.
Mãi cho tới khi chuẩn bị xong bữa cơm giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau, trong mùi nhang trầm nhẹ nhàng lan tỏa, thì ai nấy mới có vẻ thư thả một chút. Cả nhà vui vẻ gắp thức ăn cho nhau, cười nói rôm rả. Chợt có tiếng chuông cửa ngập ngừng vang lên. Một người đàn ông vai khoác túi đang cúi đầu đứng ngoài đó. Mặt cô Út bỗng dưng biến sắc, môi cô run run. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều buông đũa xuống và im bặt. Chồng cô Út, người đàn ông đã bỏ lại cô và đứa con trai để dọn đến sống cùng một phụ nữ khác hai năm nay, đã trở về đúng vào chiều 30 tết. Mấy người lớn nhìn nhau, có lẽ vì quá bất ngờ nên không ai biết nên làm gì.
Một lúc sau, bà nội chậm rãi: “Ra mở cổng cho nó đi Út”. Cô Út nhìn lên, mắt cô đã đỏ hoe. Rồi cô lắc đầu. “Có chuyện gì để nói sau. Giờ năm hết tết đến rồi, nó đã về thì cứ cho nó vào nhà cái đã” - ba tôi cũng lên tiếng. Cô Út vẫn còn đang ngần ngừ thì đứa con trai của cô đã chạy tót ra cổng, reo lên mừng rỡ đón ba nó vào nhà. Người đàn ông ấy ngượng nghịu chào mọi người. Cô Út quay mặt ra chỗ khác. Nhưng dượng vẫn được bà nội chỉ chỗ cho ngồi cạnh ba tôi, bữa cơm cuối năm vẫn diễn ra một cách vui vẻ.
Sau này, nhớ lại buổi tối hôm đó, tôi đồ rằng chính mùa xuân đã làm cho cô Út, bà nội và cả ba tôi “hiền” hẳn. Nếu dượng Út trở về vào một dịp khác mà không phải tết, chắc dượng đã không được ngồi ăn yên ổn như thế. Mà chắc cũng do ngay từ đầu đã không “làm dữ” với dượng, nên mấy ngày sau đó mọi người vẫn cư xử với dượng bình thường; còn cô Út, dù vẫn rất giận, cũng chỉ nhấm nhẳng bóng gió vài câu chứ không vật mình vật mẩy như hồi trước. “Dượng Út khôn thật” - tôi thầm nghĩ.
Từ khi phát hiện ra rằng nhạc sĩ Thanh Tùng viết đúng chóc - mùa xuân quả là hiền, những năm về sau, tôi thường nhằm những ngày sắp bước sang năm mới để kèo nhèo ba mẹ cho mình một cái gì đó (mà trong năm mở miệng xin có khi bị la), hoặc “tranh thủ” làm một việc mà tôi vốn rất thích nhưng không được phép, để rồi sau đó mon men xin lỗi ba mẹ... Thường thì ba mẹ tôi cũng dễ dãi đồng ý cho những món tôi xin, hoặc xí xóa “tội” của đứa con gái láu cá. Sau này tôi được biết, có những đứa con bị cha mẹ giận, đuổi khỏi nhà cũng thường quay về tạ tội với song thân vào những ngày trước tết, bởi dù giận cách mấy, thường chẳng bậc cha mẹ nào nỡ ngoảnh mặt với con vào thời điểm đó. Ai chả muốn cho qua hết những trục trặc, hiềm khích để hòa thuận, sum vầy cùng nhau trong xuân mới.
Khi tôi lớn lên, lời tỏ tình đầu tiên mà tôi nhận được là vào một chiều xuân nắng đẹp. “Này, bạn bè mà cậu nói gì kỳ cục vậy?” - tôi la toáng lên. Cậu bạn cùng lớp chắc cũng hoảng trước phản ứng của tôi, chỉ đứng im đỏ mặt mà không nói được tiếng nào. Hai chục năm sau, gặp lại nhau, nhắc lại chuyện xưa, bạn cười: “Tại hồi đó tớ hay nghe cậu hát Còn em lặng yên ngồi nghe lời tỏ tình mùa xuân, nên chắc mẩm... Ai biết đâu mùa xuân thì hiền, nhưng gái xuân thì... dữ quá!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.