Thì vậy, cổ tích của sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM) bao giờ cũng "sửa" lại bản gốc, bớt cái xấu, thêm cái thiện, cho tâm hồn trẻ thơ nhân hậu dịu dàng hơn. Đánh nhau tưng bừng cho vui vậy chớ rốt cuộc không có máu đổ đầu rơi chi cả, nhân vật nào cũng tiếp tục sống và yêu thương.
Na Tra lần này "đại náo" trung thu thật sự, vì trước đó cả tháng mà khán giả đã đặt vé gần hết. Đi xem, sẽ thấy xứng đáng đồng tiền, bởi vở diễn dàn dựng rất công phu, rất đẹp, từ cảnh trí cho tới trang phục, mũ mão, rồi bay lượn, múa rồng, âm nhạc... Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết lần này chi phí cao hơn nhiều so với những chương trình trước. Một bữa tiệc hoành tráng cho những khán giả nhí "sành ăn", vì các em luôn đòi hỏi "tăng đô" chất lượng. Mà lần này xem ra các nghệ sĩ diễn mệt quá, liên tục lăn-lê-bò-toài trên sân khấu, rồi đánh đấm, bay lượn... Nghệ sĩ nào yếu sức khỏe, chắc... xỉu. Khán giả còn lo giùm cho Thành Lộc vì cột sống anh vừa mới hồi phục sau chấn thương, giờ phải vận động quá nhiều. Thế mới thấy cái máu nghề trong mỗi nghệ sĩ, và cả tấm lòng yêu thương trẻ con nữa.
![Na Tra “đại náo” mùa trung thu - ảnh 1]() Đại Nghĩa và Hồng Ánh trong vở diễn
|
Thú vị nhất là phát hiện ra âm nhạc của toàn bộ vở diễn lấy hơi hướng chủ đạo từ cải lương, pha hồ quảng, phối lại hiện đại một chút, nghe vừa quen vừa lạ. Kể cả vũ đạo cũng đẹp, vì diễn viên xuất thân con nhà nòi cải lương, hát bội khá nhiều như Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, dư sức hướng dẫn cho các bạn trẻ như Đức Thịnh, Tuấn Khải... làm nên sự nhuần nhuyễn đáng phục. Thế mới biết, đừng chê nghệ thuật truyền thống, đôi khi dùng rất đắt.
Còn ấn tượng nhất về diễn viên? Có lẽ Hồng Ánh trong vai Thừa tướng rùa với giọng nói độc chiêu và Đại Nghĩa vai "cá mặt ngu" với giọng hát thần sầu, làm khán giả cười ồ kinh ngạc. Vai nhỏ xíu, mà biết gây ấn tượng, và biết làm mới mình, đâu có dễ!
Vở diễn sẽ ra mắt công chúng từ ngày 5.10 tại Nhà hát Bến Thành.
H.K