Năm mới đi tìm người cũ...

27/01/2020 14:00 GMT+7

Đầu năm mới, lũ bạn cũ tổ chức họp mặt. Mấy đứa con trai bảo: Cái A ngày xưa đẹp nhất lớp, sao thằng B lại không cưa nhỉ?

Bọn con gái kháo: Thằng X học giỏi nhất trường, sao cái Y lại không đổ? Đại loại hàng trăm câu hỏi bắt đầu bằng hai chữ ngày xưa.
Tôi chẳng thể nào biết được, vì sao tụi nó quan tâm đến chuyện cái A và thằng B chẳng thành một đôi, hay là đứa con trai kia đang tiếc hùi hụi vì ngày trước không ngỏ lời với cái A, và đứa con gái nọ vẫn còn ân hận vì lầm tưởng thằng B đã có người thương. Với bản tính thông minh (nhưng hơi chậm hiểu) của mình, tôi nghĩ tôi không nên đâm đầu vào mấy câu hỏi đậm màu sắc triết học như thế. Tôi thường tránh xa mấy đứa hay hỏi vu vơ kiểu như:
- Bạn cũ có người bỗng hỏi:
Ngày xưa bà có thương tôi?
Hay:
- Bạn cũ có người lại hỏi:
Người ta thương bà rất nhiều
Bà có từng thương người ấy?
Rồi còn thế này nữa chứ:
- Bạn cũ có người lại hỏi:
Ngày xưa bà có thương ai?
Ôi rắc rối làm sao hai chữ ngày xưa! Ấy thế, nhưng ta chẳng thể nào chắp tay sau lưng, rồi đi thẳng một mạch tới tương lai mà không ngoái lại bao giờ. Cũng như mười hai con giáp cứ phải xoay vần, hết năm con khỉ lại tới năm con gà, năm con cún đi qua rồi thì là năm con lợn ú, để năm nay cũng phải trở lại là năm con chuột - năm Canh Tý. Theo quan niệm dân gian, các cụ bảo người tuổi Tý có sức sống bền bỉ, thông minh, lanh lợi và gan dạ. Chính chồng tôi ngày xưa cũng quen được một cô nàng tuổi Tý. Mẹ chồng tôi kể là họ đi cùng một chuyến xe từ Hà Nội tới Thanh Hóa. Lúc đó tôi đang dọn nhà đón tết cùng bà, tấm ảnh hai người chụp chung rơi ra từ một xấp ảnh cũ. Chồng tôi lập tức lao đến, giằng lấy rồi vứt tọt vào sọt rác (chắc định phi tang đây!). Tôi cũng lao tới, bới cái ảnh lên, cốt để xem người ấy mồm ngang mũi dọc ra sao. Và muốn ra điều ta đây fair-play, tôi để nó vào xấp ảnh cũ cho mẹ chồng cất lại vào tủ. Tất nhiên, ảnh còn đó, sau này tôi có gặp còn biết đó là ai.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chồng tôi nhặt lên từ túi đồ của tôi một cái khăn lụa trắng, in hình bông hồng đỏ thắm. Ôi sao tôi không vứt quách cái khăn ấy ở nhà mẹ đẻ cho rồi. Cái khăn mỏng manh chả đủ ấm, tôi chỉ mang theo bên mình để lâu lâu nghe lại mùi thơm. Cái mùi thơm nhè nhẹ từ tấm khăn thường gợi cho tôi nhớ mùi hoa cau bên thềm nhà của bố mẹ tôi.
Tôi còn nhớ hôm đó là đêm 30 tết. Tôi đang lúi húi trong bếp nấu xôi gấc, luộc gà, rồi nấu nồi chè hoa cau chuẩn bị cho mẹ làm lễ cúng giao thừa. Ngoài trời mưa nhè nhẹ. Giữa màn đêm đen như nhung của đêm cuối năm, thỉnh thoảng lóe lên một quả pháo hoa của nhà ai đang nóng lòng chờ năm mới. Chợt ngoài ngõ có tiếng gọi khe khẽ:
- Hương ơi!
Tôi há hốc mồm khi thấy hai thằng bạn cùng tổ lạch cạch dựng cái xe cào cào bên gốc cau. Một đứa dúi vội cái gói nhỏ, nhẹ và mềm vào tay tôi bảo:
- Quà năm mới cho Hương này. Hai đứa tôi vừa chạy một vòng hết nhà mấy đứa con gái tổ mình, Hương là người cuối cùng đấy!
Rồi hai đứa leo vội lên xe phóng một mạch, bỏ lại tôi ú ớ với cái khăn. Hương mùa xuân lâm râm, nồng nàn, ấm nồng trong cái rét của mùa đông còn chưa dứt. Đất trời đã vào xuân.
Tôi giằng lại cái khăn, cất thật kỹ vào tủ, khóa lại. Chồng tôi nghiến răng ken két:
- A! Quà tặng tình yêu của thằng nào?
Ấy thế, thà rằng ngày xưa mình yêu quách cái đứa tặng khăn cho rồi! Chẳng biết vì sao hồi ấy lại chẳng thương?
Sài Gòn ngày trở gió
“Cơn đau không cần lý do. Có lẽ tình yêu cũng thế”
(Ronald de Sousa)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.