Ngành văn hóa bị “phớt lờ”

05/05/2010 00:46 GMT+7

Chủ đầu tư đường Văn Cao - Hồ Tây vẫn tiếp tục cho xe ủi phá dỡ đoạn Hoàng thành Thăng Long trên phố Hoàng Hoa Thám, bất chấp sự phản đối của các nhà khảo cổ học.

Theo các tài liệu mà Báo Thanh Niên tiếp cận được, các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Trung ương và Hà Nội đều đã chính thức bày tỏ quan điểm về việc thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám tại khu vực được coi là chứa nhiều dấu tích của Hoàng thành Thăng Long xưa.

Ngày 23.3.2010, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) có công văn đề nghị Sở VH-TT-DL Hà Nội kiểm tra, báo cáo những vấn đề liên quan đến quy hoạch tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám. Trong công văn trả lời ngày 9.4.2010, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết: ngay từ năm 2006, Ban Quản lý dự án giao thông đô thị - Sở Giao thông Công chính Hà Nội (nay là Sở Giao thông vận tải) đã thông báo dự án xây dựng đường Đội Cấn - Hồ Tây giai đoạn II (đường Văn Cao - Hồ Tây sau này). Tuy nhiên, “thời điểm ấy, Sở Giao thông Công chính không có văn bản hỏi ý kiến Sở VH-TT-DL Hà Nội”.

Theo Sở VH-TT-DL Hà Nội, những dấu tích dưới mặt đường Hoàng Hoa Thám là tư liệu quan trọng chứng minh sự tồn tại của thành Đại La, gắn liền với lịch sử ngàn năm Thăng Long. Do vậy, Sở VH-TT-DL đề nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) trước khi thi công cần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức thám sát khảo cổ, nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết.

“Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”.

(Trích Khoản 3, Điều 37, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa)

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nêu trên, sau khi nhận được công văn của Sở VH-TT-DL Hà Nội, ngày 20.4, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trần Chiến Thắng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan có kế hoạch nghiên cứu về di tích này, trường hợp phát hiện di tích khảo cổ học, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cần tổ chức thăm dò thám sát, khai quật khảo cổ học theo Luật Di sản như đã xử lý đối với dự án đường Kim Liên kéo dài đi qua Đàn Xã Tắc...

Công văn nói trên cũng được gửi cho Sở GTVT Hà Nội (chủ dự án đường Văn Cao - Hồ Tây). Nhưng cho đến nay, sau 15 ngày, việc san ủi đoạn thành cổ trên đường Hoàng Hoa Thám vẫn được các đơn vị thi công triển khai cả vào ban đêm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó giám đốc Sở GTVT (phụ trách Ban Quản lý dự án đường Văn Cao - Hồ Tây) cho biết, lãnh đạo Sở GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công nếu phát hiện di vật, di tích ở chỗ nào thì khoanh chỗ ấy lại, còn chỗ khác vẫn tiếp tục thi công cho kịp tiến độ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học VN) cho rằng: “Với định hướng này, phải chăng thay vì việc phải phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học thì lãnh đạo Sở GTVT đã giao luôn nhiệm vụ “phát hiện di vật khảo cổ học” cho những công nhân chẳng có kiến thức gì về khảo cổ học? Đây là một trò đùa với di sản ngàn năm Thăng Long. Phải chăng các ông ấy bất chấp Luật Di sản?”.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.