Nghệ sĩ Indonesia biến rác thành tác phẩm rối bóng

Huệ Bình
Huệ Bình
05/10/2020 12:16 GMT+7

Nghệ sĩ người Indonesia Iskandar Hardjodimuljo biến rác thải sinh hoạt thành những con rối bóng nhằm vực dậy tình yêu nghệ thuật múa rối Wayang (múa rối bóng).

Theo mô tả của kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) ngày 5.10, những con rối bóng của nghệ sĩ Iskandar Hardjodimuljo tạo cảm giác thô mộc nhưng thu hút ánh nhìn. Qua bàn tay của ông, chúng không còn là tác phẩm nghệ thuật cổ điển, tinh xảo của những bậc thầy múa rối dày dạn kinh nghiệm, thường xuyên biểu diễn trong cung đình hay các phòng hòa nhạc lớn. Thay vào đó, chúng được tô thô sơ với màu sắc tươi sáng và rực rỡ, để bán và đôi khi làm quà tặng cho học sinh và công chúng.
Điểm khác biệt lớn nhất so với phiên bản truyền thống là những con rối bóng của nghệ sĩ Iskandar Hardjodimuljo không được chạm khắc tinh xảo từ da hoặc gỗ, mà làm từ thùng các-tông, chai nhựa bỏ đi và hộp đựng thức ăn. Nghệ sĩ 55 tuổi nói với Channel News Asia: “Thông qua những con rối làm từ đồ bỏ đi, tôi muốn truyền tải các thông điệp về môi trường, văn hóa và xã hội. Tôi muốn giới thiệu với mọi người về Wayang, đặc biệt là trẻ em. Tôi cũng muốn bọn trẻ hiểu rằng rác thải có thể được biến thành các tác phẩm nghệ thuật, những thứ có giá trị”.

Iskandar Hardjodimuljo là một trong những nghệ sĩ đã có công vực dậy bộ môn múa rối bóng, vốn đang bị mai một của Indonesia

Ảnh: CNA


Ông Iskandar Hardjodimuljo mê mẩn Wayang kể từ khi còn là một đứa trẻ lớn lên trong ngôi làng ở rìa thành phố Yogyakarta, trung tâm văn hóa của đảo Java và là nơi tọa lạc của các triều đại Hoàng gia Indonesia từ nhiều thế kỷ trước. Ông chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nghệ sĩ chứ đừng nói đến chuyện trở thành nghệ nhân múa rối. Niềm đam mê nghệ thuật chỉ nảy nở sau khi ông trở thành kế toán viên, một nghề mà ông làm suốt 25 năm.

Hồi sinh nghệ thuật bị mai một

Ông Iskandar Hardjodimuljo chia sẻ: “Tôi thích vẽ và tự học. Tôi thường vẽ những con rối bóng để hồi tưởng thời thơ ấu, khi xem tất cả các vở kịch wayang được biểu diễn trong làng”. Dần dần, danh tiếng của Iskandar Hardjodimuljo lan nhanh và ông bắt đầu nhận được lời mời tham gia các triển lãm nghệ thuật vào những năm 2000. “Đó là một quá trình dài. Sau đó, tôi quyết định trở thành một nghệ sĩ toàn thời gian”, ông Iskandar Hardjodimuljo nói về lý do bỏ công việc kế toán vào năm 2012. Vào thời điểm đó, ông Iskandar Hardjodimuljo chỉ vẽ con rối trên vải.
Ý tưởng làm con rối từ rác thải sinh hoạt nảy sinh vào năm 2013, khi chứng kiến trận lụt lớn, cuốn đồ nhựa, ván ép, chai lọ đến gần chỗ ông sống. Ông Iskandar Hardjodimuljo cho biết ông thích làm con rối từ vật liệu bỏ đi. “Tôi có thể đổi mới với các vật liệu khác nhau. Nó thúc đẩy sự sáng tạo. Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy rác thải, tôi ngay lập tức nghĩ: “Tôi có thể làm được gì từ cái này?”, ông Iskandar Hardjodimuljo nói.

Con rối 3D (trái) và 2D truyền thống

Ảnh: Reuters, Indoindians.com

Nhiều nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật từ vật liệu tái chế ở Indonesia nhưng nghệ sĩ Iskandar Hardjodimuljo là người duy nhất biến chúng thành những con rối bóng. Năm 2003, UNESCO đã công nhận nghệ thuật múa rối Wayang là kiệt tác truyền miệng và phi vật thể nhân loại. Để làm sống lại môn nghệ thuật đang dần bị mai một, các nghệ sĩ Indonesia đã biến những con rối truyền thống 2D thành 3D. Đoàn múa rối cập nhật những câu chuyện phản ánh xã hội hiện đại thay vì những câu chuyện sử thi Hindu như Ramayana và Mahabharata.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.