Nghệ sĩ sau ánh hào quang: Thế Anh - cầm tinh con cọp

15/05/2009 00:07 GMT+7

Cầm tinh con cọp, 71 tuổi, ấy thế mà ông vẫn nói ào ào, hơi hám xem chừng còn khỏe lắm, lại hay pha trò, dí dỏm... Mời nghe đọc bài

Ông cười hinh hích: “Tôi mới chém đầu Lê Văn Duyệt thì lại bị Nguyễn Huệ chém đầu. Úi giời, lẽ ra tứ mã phanh thây đấy chớ, nhưng ở đây cứ chém cho gọn”. Hóa ra ông vừa đóng vai Minh Mạng trong vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt và vai võ tướng Nguyễn Hữu Chỉnh trong phim Tây Sơn hào kiệt. Cho nên đang rất ư phấn khởi...

Dấu ấn không phai

Thế Anh từng in đậm trong trí óc của tôi, cô bé 13 tuổi ngày mới giải phóng miền Nam, tuần nào cũng chạy thật nhanh ra bãi cát của ủy ban huyện để xem phim. Cái thời phim nhựa được đem về chiếu khắp thôn xã, coi miễn phí, kê dép dưới đít, ngồi bệt trên cát mà coi, “đã” vô cùng. Máy chiếu chạy xè xè phóng lên màn ảnh là tấm vải trắng căng giữa trời đất trăng sao, gió đồng thổi qua làm tấm vải rung rinh, hình ảnh trên phim cũng lung linh lay động. Và trong đó có hình ảnh Thế Anh, chàng diễn viên miền Bắc đẹp trai, khiến bao nhiêu khán giả nữ cứ là xao xuyến.

 
NSND Thế Anh vai Nguyễn Hữu Chỉnh trong phim Tây Sơn hào kiệt - Ảnh do NS cung cấp

Thế Anh đóng vai trung úy Phương trong Nổi gió, em của chị Vân (NSND Trà Giang), vì sai lầm lý tưởng mà theo Mỹ, cuối cùng đã bắn vào tên sếp Mỹ, trở về với quê hương, gia đình. Bộ phim tái hiện một giai đoạn thương đau của đất nước khi vĩ tuyến 17 chia cắt, khiến nhiều gia đình tan tác, phân ranh chính trị lẫn nhau. Nhưng người ta lại vỗ tay cho trung úy Phương, kể cả những người trong chính quyền Sài Gòn cũ cũng chấp nhận, bởi điện ảnh “Việt Cộng” thể hiện rất khách quan về một sĩ quan Sài Gòn. Có thể nói đó là vai diễn để đời của ông. Nhưng mấy ai biết, đó cũng là “mối tình đầu” của ông với điện ảnh, sau khi tốt nghiệp khoa diễn viên sân khấu. Để rồi từ đấy ông bị “bắt cóc” luôn sang điện ảnh. Đúng ra, ông vẫn “đi hai chân” cả hai ngành, nhưng người ta cứ nhớ ông là “dân phim” hơn là “dân kịch”.

Cô bé 13 tuổi là tôi lại ấn tượng với Thế Anh qua bộ phim tiếp theo - Mối tình đầu. Vai chàng sinh viên Ba Duy là kỷ niệm của Thế Anh vào năm 1976, vào Sài Gòn đóng chung với diễn viên miền Nam, lồng tiếng Nam, và cũng ăn chơi, xì-ke, mặc quần loe, tóc dài... làm khán giả lại vỗ tay, mê mẩn. Chỉ hai vai đó thôi, coi như Thế Anh đã “Nam tiến” hoàn toàn trong lòng khán giả miền Nam.

Có cái “tiếng” thì không có cái “miếng”

Dĩ nhiên sau này tôi còn biết Thế Anh qua nhiều bộ phim khác nữa, và gặp ông nhiều lần vì ông đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Căn nhà của ông nằm trên con đường nhỏ ở quận 10 nhưng khá sầm uất, sáng sủa. Ông cười: “Giời ôi, nhà của bố mẹ tôi cho tiền mua đấy! Chứ nghệ sĩ nhân dân cũng chả có tiền đâu. Không nghèo, nhưng cũng chả giàu đến mua được nhà. Còn thua mấy cô người mẫu đóng phim bây giờ. Cái nghệ thuật nước mình nó như thế!”. Nhưng rồi ông lại hà hà ngay: “Thôi thế cũng được. Có cái tiếng thì không có cái miếng. Chứ cái gì cũng muốn vơ vào người thì có mà chết yểu. Mấy thằng bạn nó chọc mình đi đóng phim được ôm bao nhiêu là người đẹp, thế kêu ca quái gì nữa!”. Tôi lại châm thêm: “Và còn làm vua biết bao nhiêu lần. Ông có chân mệnh đế vương quá mà!”. Thế Anh gật gù: “Ừ, tôi làm vua làm tướng hoài đấy nhé. Vua Mèo Vàng Pao, vua Minh Mạng, Chúa Trịnh Sâm, tướng Nguyễn Hữu Chỉnh, thiếu tá, đại tá thì đầy. Nhờ cái mắt tôi nó xếch thế này này, và cái lông mày rậm nữa này, nên trông tôi dữ tướng ra phết!”.

NSND Thế Anh tốt nghiệp loại ưu khoa Diễn viên trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh VN khóa đầu tiên 1961 - 1964.

Năm 1964, ông công tác tại Nhà hát kịch VN.

Những phim tiêu biểu: Nổi gió, Em bé Hà Nội, Đường về quê mẹ, Không nơi ẩn nấp, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Tình xa, Mối tình đầu, Lưu lạc trở về Sam Sao, Đêm hội Long Trì...

Năm 2001, ông được phong Nghệ sĩ Nhân dân.

Ông vuốt vuốt bộ lông mày quả là rất rậm, miệng cười với bộ râu cũng rất oai phong. Cho nên tôi tiếc sao có mấy năm thấy ông ở ẩn, không đóng gì hết, mới xuất hiện trở lại sau này. Ông nhún môi: “Mình tuổi con cọp mà. Hổ phải biết rình mồi, thấy lim dim mắt như thế nhưng bợp một cái là đớp đấy. Nhưng mồi ngon mới đớp nhé. Có vai hay thì tôi mới làm, có khi không cần tiền nong. Chứ cái phim làm kiểu vài ngày một tập, thì có cho cả trăm tập tôi cũng không dám giơ mặt ra. Sợ là mới bật ti vi mình đã tự đỏ mặt. Nguyên tắc chung là phải có cái thắng trong công việc lẫn tình yêu. Mà cái nào đã ham, đã say rồi thì làm tới cùng”.

Ông đưa tôi xem cả xấp giấy A4 đánh máy cuộc đời của danh tướng Nguyễn Hữu Chỉnh mà ông sưu tầm, nghiên cứu, thậm chí đã thuộc lòng và “thuyết minh” ào ào cho tôi nghe. Cái vai phụ xuất hiện không bao nhiêu, vậy mà ông kỳ công đến thế. Vai Trịnh Sâm cũng khiến ông đâm đầu vô mấy trăm trang sử mà nghiền ngẫm. Ông lắc đầu: “Mình phải yêu nhân vật, biết thật rõ lý lịch nhân vật, thì mới dám diễn, chứ đừng làm dối, làm liều. Dù vai nhỏ, nhưng tôi tâm niệm phải làm cho người ta nhớ. Thành công của đời tôi một phần là may mắn nhưng một phần là sự nỗ lực. Không đổ mồ hôi nước mắt thì không thành nghệ sĩ đâu”. Tôi muốn nói thêm với ông, đó chính là phẩm chất của nghệ sĩ lớn, nghệ sĩ của mọi người.

Ông có hai người con trai, và đã có cháu nội. Hỏi ông có ai theo nghề nghệ thuật, ông giãy nảy: “Tôi cho chúng nó cạch. Úi giời, cái nghề bạc như vôi ấy! Chả bạc là gì, cứ đóng vai nào hay thì người ta công kênh mình lên, còn đóng dở thử xem, họ không vùi dập ấy à!”. Nói vậy mà ông đâu có bỏ nghề. “Ừ, à... đời mình vướng vào rồi, cho nó vướng luôn!”. Nhưng ông lập tức say sưa chỉ cho tôi xem gần trăm bức ảnh và poster phim nước ngoài lẫn thế giới mà ông sưu tầm rồi phóng to treo đầy trên tường của nhà trước, nhà sau, trên lầu. Nhiều bức poster bản gốc quý hiếm vô cùng. Ông lại cười hà hà: “Giờ con cái nó lo hết, tôi đóng phim là vui thôi. Nhưng vẫn còn “máu” lắm nhé! Có vai hay là lên đường thôi”.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.