Nghèo là tệ nạn xã hội

01/09/2012 11:35 GMT+7

Ông Ngô Hùng Lâm sinh năm 1961 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Gia đình có 8 anh em, cuộc sống nghèo khổ. 17 tuổi, ông trốn nhà ra nước ngoài, gặp nạn giữa biển, lưu lạc sang Malaysia tị nạn 2 năm. Sau đó, được chính phủ Nhật giúp đỡ, ông sang Nhật trở thành con nuôi của một gia đình bản xứ ở Ichikawa. Tên tiếng Nhật của ông là Fujii Minoru (Fujii là họ của bố nuôi, Minuro nghĩa là “nụ hoa”).

Ông Lâm là một trong những doanh nhân Việt Nam thành công ở Nhật, thị trường vốn khó tính và chuộng nội. Tại Nhật, ông làm các nghề xây dựng, kinh doanh gốm sứ, rồi kinh doanh hoa và cây cảnh.

 Ông Ngô Hùng Lâm (giữa) cùng khách mời, từ trái sang: Á hậu Hoàng Anh, nhà báo Nguyễn Lương Phán, ông Nguyễn Phú Bình (Nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật), Hoa hậu Ngọc Hân
Ông Ngô Hùng Lâm (giữa) cùng khách mời, từ trái sang: Á hậu Hoàng Anh, nhà báo
Nguyễn Lương Phán, ông Nguyễn Phú Bình (Nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật),
Hoa hậu Ngọc Hân - Ảnh: Mi Ly

Làm giàu vì không muốn thành gánh nặng cho xã hội

Chia sẻ thêm về phát biểu trên với Tiền Phong, ông Lâm nói: “Câu Nghèo là một tệ nạn xã hội là do tôi nghiệm ra từ cuộc đời mình. Mình nghèo thì nhà nước phải nuôi, phải trợ cấp. Mình phải đi vay tiền người này người kia. Không đóng góp được gì cho những người xung quanh mà còn gây phiền phức”.

“Tôi sợ nghèo, sợ người đời khinh. Công việc là niềm vui đối với tôi”, ông nói lý do quyết tâm lập nghiệp trên đất Nhật. “Cô hoa hậu trông xinh là vì chăm chút trang điểm. Làm giàu cũng thế, cứ miệt mài là thành công. Khi giới trẻ xin lời khuyên, tôi luôn nói rằng, đã làm người thì đừng để rơi vào cảnh nghèo. Khi còn nghèo, tôi không giúp gì được cho quê hương, đó là day dứt lớn nhất. Từ đó, tôi có suy nghĩ là sẽ chỉ nghỉ ngơi khi nằm xuống, chứ còn sống là còn làm việc”.

Không có người kém cỏi, chỉ có người lười biếng

Trong cuốn Chinh phục đỉnh Phú Sĩ, ông Lâm đúc kết: “Không có người nào kém cỏi và không thể làm giàu, chỉ có kẻ lười biếng và ỷ lại”.

Bỏ nhà đi ở tuổi 17 và phải tị nạn ở Malaysia, ông quyết tự lập, vào rừng đốn gỗ tự làm nhà. Sau ông tìm cách sang Nhật, đất nước trong mơ của ông, để lập nghiệp. Những chuyện này được kể chi tiết trong sách.

Đầu tiên ông mở siêu thị bán thức ăn. Thất bại vì không cạnh tranh nổi với người Nhật. Sau đó ông kinh doanh gốm sứ, cả gốm Bát Tràng. Chỉ đến khi chuyển sang kinh doanh hoa, ông mới bắt được nhu cầu của thị trường Nhật.

Nhân viên là thượng đế

Trong sách, vừa kể về cuộc đời mình, ông Lâm vừa chia sẻ triết lý kinh doanh. Ông nói: “Mọi người thường nói khách hàng là thượng đế nhưng với tôi nhân viên mới là thượng đế. Có đối xử với nhân viên như thượng đế thì nhân viên mới phục vụ khách hàng như thượng đế”.

Ông kể, hồi nhỏ theo mẹ đi làm thuê cắt cỏ, gặp người chủ khó tính, liên tục mắng chửi, “dùng những lời lẽ tục tĩu xúc phạm mẹ tôi một cách khủng khiếp”. Lúc đó ông “cố gắng lắm mới không với cái liềm cắt cỏ trên tay mà lao đến bổ mấy nhát vào mặt lão”.

Từ đó, ông hiểu ra rằng, người chủ tốt trước hết tốt với nhân viên của mình. Không ai có thể tốt với khách hàng trong khi xử tệ với nhân viên.

Tôi trân trọng công sức làm việc của nhân viên và trả công họ xứng đáng. Đồng lương ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, có trả đủ thì họ mới không phải lo nghĩ, vật lộn mà yên tâm làm việc. Tuy vậy, tiền chỉ có thể khiến người ta làm việc chứ không khiến người ta yêu quý mình”.

Theo Mi Ly / Tiền Phong

>> Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh niên: Luật phải làm giảm tệ nạn xã hội trong thanh niên
>> Giao lưu doanh nhân với thanh niên, sinh viên
>> Chuẩn bị thành lập Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.HCM
>> Doanh nhân Nhật chạy bộ 13.000 km để tri ân thế giới
>> Hai doanh nhân sáng giá tại Mỹ
>> Hành trình doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo
>> Giao lưu doanh nhân trẻ
>> Đêm hội Doanh nhân Việt Nam
>> Đỗ Trung Quân làm... doanh nhân
>> 5 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.