Nghi án 'giả vương nhập cận': Người bí ẩn trong gia phả dòng tộc

31/10/2017 08:01 GMT+7

Dòng tộc Nguyễn Cửu nhiều đời làm quan lớn cho các chúa Nguyễn, trong khi ông Nguyễn Cửu Trị lại trở thành 'giả vương' của vua Quang Trung, nên những ghi chép về ông Trị trong gia phả dòng tộc có nhiều bí ẩn.

Danh gia vọng tộc
Theo khảo cứu của Nguyễn Đình Đính và Võ Văn Quang, dòng tộc Nguyễn Cửu ở Đàng Trong khởi nguồn từ Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều, gốc ở Tống Sơn (Thanh Hóa), là một dòng tộc anh em với họ Nguyễn Phước của chúa tiên Nguyễn Hoàng.
Năm 1623, ông Nguyễn Cửu Kiều mang mật thư và ấn báu của Trịnh phi Ngọc Tú (vợ Thanh Đô vương Trịnh Tráng, chị của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên) vào nam dâng lên chúa sãi, được chúa gả công nữ Ngọc Đỉnh và thăng làm chưởng cơ. Từ đây, ông đã đóng góp tài năng và công sức của mình cho sự vững mạnh của xứ Đàng Trong dưới trướng Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635).
Nhiều con cháu của Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều là anh tài tuấn kiệt, nối đời làm quan chức ở Đàng Trong, trở thành một đại danh gia vọng tộc và có sự đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cho công cuộc khai phá mở mang vùng đất Nam bộ. Họ Nguyễn Cửu do có nhiều công trạng nên đã được ban quốc tính Nguyễn Phước. Về sau, đến năm Minh Mạng thứ 1 (1820), vua Minh Mạng ân tứ đổi thành “Nguyễn Cửu”. Vì thế, những ghi chép về các nhân vật của dòng họ này từ thời Gia Long trở về trước thường viết là Nguyễn Phước.
Cũng theo Vân Dương kinh phổ (gia phổ họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương), cha của Nguyễn Cửu Trị là phò mã Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp (1703 - 1775). Ban đầu, Nguyễn Cửu Pháp trấn ở Quảng Bình, kiêm lãnh chức Tham tướng thủy binh, tước Doãn Đức hầu, sau được triệu hồi về kinh làm phụ chính, cùng 2 anh là Uyên quận công Nguyễn Cửu Quý và Kỉnh quận công Nguyễn Cửu Thông hết lòng lo việc nước, mọi việc đều khoan dung, công bình, người dân được nhờ. Lúc Duệ Tông Nguyễn Phước Thuần kế vị, Trương Phước Loan chuyên quyền, ông muốn hạ mà không được. Khi anh em nhà Tây Sơn dấy binh, ông khiến các con là Thạc quận công Nguyễn Cửu Sách (con đầu), Nguyễn Cửu Thân (con thứ 2), Nguyễn Cửu Dật (con thứ 4) ra lãnh việc quân. Năm Giáp Ngọ (1774), Hoàng Ngũ Phúc đánh kinh thành Phú Xuân, ông ra lệnh con bỏ nhà dắt gia đình vào Quảng Nam, bảo 2 con Cửu Thân và Cửu Dật phải hết lòng theo chúa, giúp nước. Năm Ất Mùi (1775), ông nhiễm bệnh không đi được, con trưởng là Nguyễn Cửu Sách đưa ông về Phú Xuân dưỡng bệnh và mất, thọ 73 tuổi, chôn tại xứ Bàu Trai, làng Như Lệ, tỉnh Quảng Trị.
Những người họ Nguyễn Phước (Cửu) có huân công đã được ghi nhận. Các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Vân Dương kinh phổ... đã dành nhiều trang để nói về hành trạng sự nghiệp của các danh thần của tộc họ này, như Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Ứng, Nguyễn Cửu Dực, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn… Suốt gần 2 thế kỷ 17 - 18, tộc Nguyễn Cửu vẫn vẹn toàn tấm lòng trung nghĩa, hết lòng đóng góp công sức của mình cho chính quyền Đàng Trong, cả trong thời kỳ thịnh vượng an bình lẫn giai đoạn gian nan biến loạn.
Đưa chuyện truyền ức vào gia phả ?
Cũng theo Nguyễn Đình Đính và Võ Văn Quang, có khả năng do là “giả vương” (vua giả) để thế thân vua Quang Trung nhà Tây Sơn qua chầu vua Càn Long nhà Thanh, nên ít nhiều ông Nguyễn Cửu Trị và chi nhánh của ông cũng có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đối với triều đại Tây Sơn. Bởi vậy, khi triều Nguyễn trị vì, có lẽ vì một số mặc cảm thời cuộc, ông không còn muốn liên hệ gì với tổ tiên ở Huế và gần như biệt tích. Thêm nữa, họ Nguyễn Cửu vốn là dòng anh em với họ Nguyễn Phước, có công huân với họ Nguyễn Phước, nhưng trong gia phả lại ghi về một người trong họ làm "giả vương nhập cận" của vua Quang Trung, cũng là điều lạ.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng, do Trị An hầu Nguyễn Cửu Trị là người huân cựu của triều chúa Nguyễn, lại cộng tác với triều Tây Sơn, làm một việc “tày trời” nên họ Nguyễn Cửu (từ thời Tự Đức trở về trước) chỉ truyền ức câu chuyện này chứ không dám ghi vào gia phổ. Do đó, có khả năng người soạn Vân Dương kinh phổ là Lãm quận công Nguyễn Cửu Lãm (chung ông nội với Nguyễn Cửu Trị) chưa chép kỹ về ông Trị. Đến thời Tự Đức, khoảng năm 1850, ông Nguyễn Cửu Trường, Hữu thị lang sung biện nội các, hàng cháu gọi Nguyễn Cửu Trị là chú trong họ, đã mạnh dạn chép sự kiện “giả vương nhập cận” của chú Nguyễn Cửu Trị khi tu bổ Vân Dương kinh phổ, nhưng không biết năm sinh năm mất của Nguyễn Cửu Trị.
Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, ông Trị là con thứ 12 của phò mã Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp. Hoán quận công lập gia đình khoảng năm 1720, có 12 người con. Như thế, dự đoán ông Nguyễn Cửu Trị có năm sinh trong khoảng từ 1742 đến 1752, khoảng năm 1790 thì Nguyễn Cửu Trị tuổi trên dưới 50, nghĩa là ông có tuổi xấp xỉ tuổi vua Quang Trung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.