Ngỡ ngàng hang Brai

10/09/2015 09:00 GMT+7

Ngày 9.9, UBND tỉnh Quảng Trị mở cuộc khảo sát quy mô hang động Brai, một hang động nằm ở khu vực hẻo lánh sát biên giới Việt - Lào. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đoàn cán bộ thuộc nhiều sở ban ngành, các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện cuộc khảo sát này.

Ngày 9.9, UBND tỉnh Quảng Trị mở cuộc khảo sát quy mô hang động Brai, một hang động nằm ở khu vực hẻo lánh sát biên giới Việt - Lào. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu đoàn cán bộ thuộc nhiều sở ban ngành, các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện cuộc khảo sát này.

Vẻ đẹp diệu kỳ, lung linh phía trong hang động Brai - Ảnh: Nguyễn Phúc
Vẻ đẹp diệu kỳ, lung linh phía trong hang động Brai - Ảnh: Nguyễn Phúc
Động Brai thuộc thôn Sóc (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách TP.Đông Hà 120 km về phía tây), trước nay chỉ được biết đến qua lời kể của người địa phương hoặc dân “phượt”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Đồn biên phòng Cù Bai (đóng quân cách động không xa), từ những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, bộ đội ta đã phát hiện ra hang động này và từng dùng nơi đây làm nơi trú ẩn.
Ngày nay, từ TP.Đông Hà, muốn tiếp cận động Brai phải đi từ QL9, rẽ vào đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đi qua đèo Sa Mù mờ sương rồi cuốc bộ chừng hơn 1 km men theo bờ sông Sê Păng Hiêng. Sau đó vượt qua một sườn dốc cao và trơn sẽ nhìn thấy cửa động hình tam giác, khá lớn, cheo leo bên vách núi đá vôi.
Hoang sơ
Có mặt trong đoàn khảo sát, PV Thanh Niên đã có những trải nghiệm thú vị khi bước chân vào hang động hết sức hoang sơ này. Do cấu tạo đặc biệt nên phía trong động không khí hết sức mát mẻ. Ở đoạn đầu, vòm động khá thấp (khoảng dưới 1 m) nên mọi người phải cúi gập lưng mới qua được. Nhưng càng vào sâu, vòm động lại càng cao, để lộ ra những cột thạch nhũ màu vàng trắng, có nhiều hình thù lạ mắt. Chưa hết, phía sâu trong động còn có những bãi đá và những dòng suối nhỏ, nước mát lạnh.
Ở đoạn đầu, vòm động khá thấp nên mọi người phải cúi gập đầu lòn qua - Ảnh: Nguyễn Phúc
Ở đoạn đầu, vòm động khá thấp nên mọi người phải cúi gập đầu lòn qua - Ảnh: Nguyễn Phúc
Càng đi, động như càng sâu hun hút, không có điểm dừng, những “kỳ quan” cứ thế hiện ra, lóng lánh. Tuy nhiên, đi được chừng 800 m, đoàn khảo sát đã quyết định trở ra vì lý do an toàn (hệ thống điện và hàng rào bằng dây thừng do phía Đồn biên phòng Cù Bai chuẩn bị chỉ vào tới ngang vị trí này).
Hầu hết những người trong đoàn đều lần đầu tiên được khám phá, trải nghiệm động Brai không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho hang động này. Có người còn so sánh vẻ đẹp của động Brai không thua gì các hang động lớn và đã nổi tiếng ở Quảng Bình như Phong Nha, Thiên Đường...
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, cho hay cuộc khảo sát này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển du lịch hang động Brai. Bởi đây là lần đầu các cấp lãnh đạo tỉnh “tiếp cận” Brai để hiểu rằng đây là hang động có chiều dài lớn và mang những vẻ đẹp kỳ vĩ không dễ gì có được.
Sẽ mời chuyên gia thế giới khảo sát, nghiên cứu
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tại cuộc họp nhanh với đại diện các sở ban ngành và các doanh nghiệp ngay ở Đồn biên phòng Cù Bai, sau 3 giờ đồng hồ khám phá hang động.
Ông Chính cho rằng tiềm năng phát triển du lịch của động Brai là rất rõ ràng, tuy nhiên không thể đưa vào khai thác ngay sau cuộc khảo sát này. “Cái này phải có lộ trình cụ thể, khoa học, tránh tình trạng khai thác “thô”, dẫn đến danh thắng nhanh hư hại, xuống cấp và để lại những hậu quả cho thiên nhiên”, ông Chính nhấn mạnh, đồng thời giao Sở VH-TT-DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án trình ủy ban, để đưa vào khai thác hang động này cùng các quần thể danh thắng xung quanh đây (gần động Brai có 2 hang động nữa nhỏ hơn và thác Tà Puồng khá đẹp - PV). Ông cũng lưu ý Sở này sớm thực hiện hồ sơ khoa học, liên hệ với Tổ chức Hang động thế giới để mời các chuyên gia của họ sang cùng khảo sát, nghiên cứu động Brai.
Sở KH-ĐT được chỉ đạo sớm lên kế hoạch cho một dự án giao thông kết nối từ xã Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh) lên tuyến đường Hồ Chí Minh để tạo điều kiện kết nối tốt hơn cho động Brai; Sở Tài chính bố trí kinh phí cho việc lập hồ sơ khoa học. “Tạm thời giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ, gìn giữ động Brai, không cho phép các đoàn khách lớn, tự phát vào động vì như vậy vừa nguy hiểm cho họ vừa ảnh hưởng đến danh thắng. Sau khi kết thúc các bước nêu trên, tỉnh mới bắt đầu kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, đưa khách du lịch vào thăm động một cách bài bản”, ông Chính nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, có khá nhiều doanh nghiệp đã “tiếp cận” động Brai từ trước đó và ngay trong cuộc khảo sát đã bày tỏ mong muốn được đầu tư để “nâng tầm” cho động Brai.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị, tỏ ra hết sức lạc quan khi khẳng định sẽ hoàn thành các thủ tục trong thời gian sớm nhất để đưa vào khai thác tuyến du lịch Khám phá hang động Brai. “Tuyến du lịch Khám phá hang động Brai có thể kết hợp tốt với du lịch hành lang kinh tế đông tây, du lịch Đường 9... và sẽ là một điểm đến mới ngoài những địa danh cửa khẩu Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, làng Vây... tạo điểm nhấn về du lịch ở miền tây Quảng Trị vốn còn nghèo khó và hoang sơ”, ông Thắng nói.

>> Xem thêm ảnh hang động Brai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.