Ngón nghề tài hoa - Kỳ 4: Nhạc sĩ khiếm thị giữ tiếng đàn bầu

31/05/2013 00:35 GMT+7

Xương rồng trên cát là tên một ca khúc do nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương mới sáng tác để biểu diễn và giao lưu với bạn bè quốc tế vào ngày 10.8 tới đây tại California (Mỹ). Bài hát âm hưởng dân ca Chăm này là những lời tự sự đầy khát vọng sống và cống hiến của một người khuyết tật...

Căn nhà nhỏ mà Hà Chương thuê để ở, bảng số nhà mang nhiều cái “suyệc”, nằm trong một mê cung đường Phùng Văn Cung (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Khi tôi đến, Hà Chương ra mở cửa rồi dẫn tôi lên căn gác là chỗ làm việc của anh. Chương bảo: “Trời nóng quá, để em mở máy lạnh cho mát”. Vừa nói, anh vừa thao tác thoăn thoắt khiến tôi không kịp có ý nghĩ trước mặt mình là một người mù hoàn toàn. Căn gác nhỏ này là nơi Hà Chương sáng tác và làm việc với các ca sĩ. Nhìn quanh phòng thấy toàn nhạc cụ, ở chính giữa là cây đàn keyboard Yamaha, trên tường treo 2 cây guitar, còn cây đàn bầu đặt ở góc phòng. Một máy vi tính đặt trên cây đàn keyboard... Trước khi đến nhà Chương, tôi có gửi những câu hỏi qua email cho Chương và đã nhận được email trả lời. Tôi nghĩ, chắc có ai đó nhận và trả lời thay cho Chương, vì Chương không đọc được... Nhưng tôi thật sự kinh ngạc khi Chương cho biết anh tự làm lấy tất cả. Một người bạn thân của Chương, vốn là chuyên gia về máy tính đã cài phần mềm chuyên dụng dành cho người khiếm thị: tất cả những gì hiển thị trên màn hình hoặc thao tác trên bàn phím sẽ được đọc qua loa khuếch âm. Nhờ vậy Chương sinh hoạt trong căn nhà như một người bình thường.

Nhạc sĩ Hà Chương
Nhạc sĩ Hà Chương - Ảnh nhân vật cung cấp 

Tên đầy đủ của Chương là Hà Văn Chương, sinh năm 1983 tại Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ngay lúc sơ sinh đã bị cận thị, đến năm 2 tuổi thì bị mất hẳn ánh sáng nhưng có lẽ từ sự không may mắn này mà năng khiếu về âm nhạc của Hà Chương đã bộc lộ từ rất sớm: 5 tuổi đã biết hát và hát khá chuẩn những làn điệu ngọt ngào của dân ca Khu V. 7 tuổi được chị gái dạy đàn guitar. 12 tuổi, Hà Chương vào học Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.Đà Nẵng) và được học về âm nhạc một cách có hệ thống.

Duyên với cây đàn bầu

Người thầy đầu tiên đưa Chương làm quen với cây đàn bầu rồi đam mê nó không dứt ra được là nghệ sĩ Lưu Học. Năm 21 tuổi (2004), Chương thi vào Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam (tức Nhạc viện Hà Nội trước đây) và đỗ thủ khoa hệ Trung cấp, Khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành đàn bầu…

Nhớ lại quãng thời gian này, Chương bộc bạch: “Rời Đà Nẵng, khăn gói ra Hà Nội, những ngày đầu ở thủ đô đối với em thật là “trần ai khoai củ”. Một thân bơ vơ, phải tự lực mọi cái, đối với người bình thường đã là khó khăn còn với người khiếm thị thì đó là một trở ngại quá lớn. May mà được NSND Tường Vi thương tình cho ở nhờ trong những ngày đầu, bà còn tạo điều kiện cho em đi biểu diễn ở các tụ điểm để nhờ vào chút thù lao mà trang trải cuộc sống. Nhiều khi đi xe ôm đi diễn mà tiền xe đã ngốn hơn phân nửa tiền “cát sê”, nhưng vẫn miệt mài trong vất vả. Bố mẹ em vốn là nông dân nghèo, em không muốn là gánh nặng cho gia đình nên quyết tự lực trong cả việc ăn lẫn việc học. Em học hát với NSND Tường Vi, học đàn bầu với NSND Thanh Tâm và nhạc sĩ trẻ Hồ Hoài Anh…”. Khó khăn như vậy nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân cộng với niềm đam mê âm nhạc đặc biệt với cây đàn bầu, lại một lần nữa Hà Chương tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành đàn bầu, được ghi tên vào sổ vàng tại Văn miếu Quốc Tử Giám (tháng 6.2010).

Chương cho biết, trong chương trình giao lưu âm nhạc ở California (Mỹ) vào ngày 10.8 (trùng ngày sinh nhật của Chương - NV), anh sẽ vừa hát vừa biểu diễn đàn bầu ca khúc Xương rồng trên cát, để qua làn điệu dân ca Chăm gửi đến bạn bè quốc tế một tiết mục đậm chất VN.

Tôi đã từng được nghe tiếng đàn bầu của anh. Rất “lạ”, dù vẫn ngân nga, réo rắt nhưng cái “hơi nhạc” thì không não nùng mà lại mang nét trẻ trung, hiện đại, thể hiện rõ nét tài hoa của một người từng 2 lần đỗ thủ khoa chuyên ngành đàn bầu.

“Lấy cái này nuôi cái kia”

Vừa học, vừa sáng tác, vừa tham gia biểu diễn (lấy cái này nuôi cái kia), có thể nói hằng ngày Hà Chương “xoay như chong chóng”. Ca khúc đầu tay của Hà Chương là Ánh sáng đời em được viết năm 15 tuổi, đến nay khán giả yêu âm nhạc dễ dàng nhớ đến anh với những ca khúc như Áo dài cuối phố, Nắng hát, Bạn tôi... với phong cách trẻ trung hiện đại. Hà Chương còn sở hữu một giọng hát ấm áp, đầy nội lực. Chương mở CD cho tôi nghe ca khúc Riêng một góc trời (Ngô Thụy Miên) do anh thể hiện: một giọng hát rất mượt, làn hơi khỏe khoắn và cách xử lý cung giọng một cách tinh tế, hiếm gặp... Riêng các giải thưởng về hát đơn ca, sáng tác ca khúc và biểu diễn đàn bầu - đến nay Hà Chương đã gom được khoảng 10 HCV trong các cuộc thi cấp thành phố và toàn quốc, được bằng khen của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bằng khen của Bộ trưởng Bộ TDTT Hà Quang Dự...

Là nhạc sĩ khiếm thị đầu tiên ở VN phát hành album riêng, hiện Hà Chương đã có 3 album: Món quà của sóng (tháng 11.2005); Khúc hát hai mươi (tháng 4.2007) và Tình yêu về hát (tháng 1.2010), tất cả đều do Phương Nam Phim phát hành với sự cộng tác của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Rocker Xuân Đề và các ca sĩ Tùng Dương, Nguyễn Ngọc An, Lưu Hương Giang, Dương Hoàng Yến...

Tôi hỏi: “Sở trường của Chương là cây đàn bầu, sao em lại ngoặt qua thể loại nhạc hiện đại?”. Chương đáp: “Em thường được mời biểu diễn nhạc trẻ nên sau này em cũng rất gắn bó với cây guitar. Tuy thế, em vẫn cố gắng chen tiếng đàn bầu vào bản phối những ca khúc mà em thường hay biểu diễn như Cõng mẹ đi chơi (Trần Quế Sơn), Một cõi đi về, Hạ trắng (Trịnh Công Sơn)…”.  Hiện nay, Hà Chương thường ở nhà dành nhiều thời gian để hòa âm, phối khí và sáng tác đĩa đơn cho các ca sĩ trẻ Quốc Thiên, Lân Nhã, Thảo My, Huỳnh Anh Tuấn, Hoàng Nhật Minh... Ngoài chuyến đi Mỹ sắp tới (Hà Chương và ca sĩ Thủy Tiên được mời đích danh), Chương đang thực hiện một album về đề tài xã hội (bệnh AIDS, ung thư, trẻ em mồ côi, người khuyết tật…) để khơi dậy trong họ sự tự tin, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, Chương cũng sẽ làm một đĩa đơn gồm những bài hát trẻ trung mang phong cách R&B. Sắp tới, Chương sẽ cùng DJ Giang phát hành một CD đàn bầu kết hợp với nhạc dance.  

Hà Đình Nguyên

>> GS Ngô Bảo Châu xúc động khi giao lưu với người khiếm thị
>> Người khiếm thị học giới tính
>> Trải nghiệm thế giới người khiếm thị
>> Chàng khiếm thị “hạ gục” phó giáo sư - tiến sĩ
>> Điện thoại cho người khiếm thị
>> Nghệ sĩ guitar Úc giao lưu cùng học sinh khiếm thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.