Người ăn tết chực

21/02/2015 10:00 GMT+7

(TS Xuân) Chẳng có nơi nào lại nhiều người đi ăn tết chực như làng gạch. Thì toàn người cù bất cù bơ kéo về đây làm công nhân lò gạch, tết đến không có gia đình để về nên ở lại ăn tết cùng nhà chủ.

(TS Xuân) Chẳng có nơi nào lại nhiều người đi ăn tết chực như làng gạch. Thì toàn người cù bất cù bơ kéo về đây làm công nhân lò gạch, tết đến không có gia đình để về nên ở lại ăn tết cùng nhà chủ.

Người ăn tết chực
Dân làng gạch được cái hiếu khách, tết năm nào cũng dặn nhau gói nhiều bánh chưng, làm nhiều giò, rượu trong vò phải đầy để còn mời cơm khách. Những người công nhân ở lại sẽ đi đón tết từng nhà trong làng, nhấp môi rượu trong từng ấy cái vò, chân liêu xiêu qua từng ấy cánh cổng thì vừa lúc tết tàn. Rượu làm họ quên đi cuộc đời lang bạt của mình. Rượu làm họ vui lây niềm hạnh phúc của thiên hạ. Rượu làm họ cất tiếng hát chới với hơi men, vắt vẻo qua áo hoa, tóc dài và cả những đám mây trắng xốp. Họ bỗng nghe thấy tiếng lòng mình lâng lâng vuột thoát khỏi cột khói lò gạch đen ngòm đã bao phủ đến từng hơi thở họ, ngấm sâu vào mạch máu họ. Họ cứ uống, cứ hát cho đến khi chạm đến giấc mơ nằm ngủ say dưới gốc đa đầu làng, bên triền đê mùi gió sông ngai ngái. Chủ nhà coi họ như khách quý, còn họ thì tự gọi mình là người đi ăn tết chực.
Sau cơn say rượu ông Ngổ tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa vườn, trên một chiếc chõng tre. Đây là vườn nhà ai ông cũng không nhớ nữa. Tết mà, vui đâu ở đấy, say đâu thì ngả lưng tại đó. Chủ không trách giận nên khách cũng chẳng bận lòng. Ông Ngổ ngó lên tán lá cây xanh mướt mát, nghĩ lại thấy đời mình đã đón mấy mươi cái tết trong nhà người khác. Chẳng phải vì ông cả đời không dựng nổi căn nhà, chỉ tại ông sợ cô đơn. Có nhà mà không có tiếng cười thì đâu thành tổ ấm. Không có người ngồi ăn chung bữa cơm, đêm lạnh sưởi chung đống lửa hay lúc ốm đau giục nhau uống thuốc thì thà cứ tha phương sương gió kiếm tìm niềm vui trong thiên hạ rộng dài. Cái dải đất này trông vậy mà nhỏ xíu, tuổi trẻ ông từng đi khắp nơi nên rượu tết ở vùng nào cũng nếm. Khi thì vừa ngồi uống rượu vừa nghe hò Huế. Lúc thì nhắm mồi cá lóc nướng bên quán nhỏ ven đường trong hành trình xuôi ngược miền Tây. Lúc lại co ro trong cái lạnh miền Bắc, rượu uống đến đâu ấm đến đấy, rung đùi nghe ké băng hài đang léo nhéo mua vui. Cũng có tết nằm chỏng chơ trong một quán trọ nào đó, nghe một ai đó ca phận người lữ khách xa quê. Lại có khi ngồi cả ngày ngoài sân ga nhìn chuyến tàu cuối năm chầm chậm lăn bánh mà ước giá có ai đợi mình đâu đó để về. Nhưng chẳng có ai đợi ông, ngay cả mưa nắng của quê hương cũng mờ nhạt quá. Còn ông thì chẳng có quê hương hoặc chỗ nào ông từng đi qua cũng có thể nhận vơ là quê hương cho lòng bớt đắng.
Đã gần bốn năm ông Ngổ dừng chân đón tết ở làng gạch này, xem ra đây là nơi níu chân ông lâu nhất. Đất này vừa nghèo vừa độc hại, công việc ở lò gạch cũng cực nhọc trăm đường. Thậm chí đây được coi là một trong những làng nhiều người ung thư nhất nước do ảnh hưởng từ khói đốt gạch. Vào mùa đốt lò, đôi lúc đi ngủ còn phải đeo khẩu trang, uống ngụm nước giếng sâu còn lo thắt ruột. Nhưng tình làng nghĩa xóm nơi đây thì tha thiết lắm. Ngay từ khi mới trôi dạt về đây, dân làng đã xúm xít dựng cho ông mái lá, đóng cho ông chiếc giường. Họ còn thu xếp cho ông một công việc tuy vất vả nhưng không phải lo bát cơm, manh áo. Ông già rồi, chân đi mãi cũng thấy mỏi, lòng trống trải mãi cứ tưởng quen hóa ra không phải vậy. Tự nhiên như con nít hờn dỗi cuộc đời phiêu bạt, ông bấu víu chút yên ấm cóp nhặt ở đời. Giá mà ông biết dừng lại sớm hơn thì lúc về già đâu phải sống cuộc đời đơn độc. Ông cũng từng yêu đấy chứ, nhưng cái chí khí của thằng đàn ông nông nổi lúc nào cũng chỉ muốn như cánh chim ưng. Hình như cái tính lang bạt đã ăn sâu vào máu đứa trẻ mồ côi. Ông mặc cảm mình bị bỏ rơi nên nghĩ chỉ có đất trời bao la mới là nhà. Mà hôm nay mây mùa xuân đẹp quá, chúng trôi ngang qua làng gạch. Lâu lắm rồi mới thấy mây trắng xốp, thường thì những đám mây mang màu đen khói gạch cuồn cuộn chảy ngược lên trời như cột tử thần.
Dân làng gạch ăn tết to lắm. Nhà nào cũng mổ lợn, thịt thà treo đầy trên gác bếp hoặc chất đống trong tủ lạnh. Ông Ngổ đến làm khách nhà nào cũng thấy thực đơn toàn thịt. Chủ nhà nghe chừng cũng ngán nên nấu bát canh chua cho mát ruột. Chủ vừa rót rượu cho khách vừa bảo:
- Ông ở lại đây. Chiều tôi bảo tụi nhỏ xuống ao bắt lấy con cá trắm đen. Đầu, đuôi mang nấu canh còn khúc giữa mang kho tương. Mà tương ngon mua tận quê ngoại chứ thứ tương phơi nắng gió nơi này sao bì được.
- Thế là nhất đấy. Chỉ sợ tốn rượu thôi.
- Lo gì chứ. Tết làng gạch này không bao giờ thiếu rượu cũng không bao giờ cạn tình. Lũ trẻ chúng nó bảo phải có tiếng lợn kêu cho có không khí tết, chứ nhìn đâu cũng thấy thịt thà ngán lắm. Mà tối nay ông ngủ lại đây với tôi chứ ra cái lều lá ấy lạnh lắm.
- Đã đi ăn tết chực lại còn được ngủ lang. Kể ra cứ như tôi lại sướng.
Chủ cười, khách cười. Rượu nâng lên thì đầy mà khi bỏ xuống thì vơi. Đi đến đâu khách cũng được chào mừng như thế. Chủ không bao giờ hỏi khách về quê quán, người thân. Chủ tôn trọng khoảng ký ức và nỗi lòng riêng của khách. Cái làng nhỏ này chứa biết bao nhiêu bí mật của những người lao động tứ xứ đổ về. Mỗi người một số phận, họ càng đi nhiều càng thú vị. Nỗi gian truân bám trên gót chân chai cứng, trên bàn tay sần sùi, trên đôi mắt mờ đục xa xăm. Thương khách thương như thương người thân đi xa lâu mới trở về. Ừ, có thể đã gặp nhau từ kiếp trước, từng cạn chén với nhau rồi cùng say đến kiếp này mới tỉnh. Chăn chiếu được giặt rũ còn ủ mùi nắng mới. Giường ấm đệm êm mời khách ngả lưng. Đêm nghe tiếng khách ho chủ nhà chợt xót xa sương gió đời người...
* * *
Khách thích ăn chực tết còn có ông Tâm. Nhà ông giàu lắm, cũng là người của làng gạch chứ đâu xa. Nghe nói trước kia ông Tâm đi buôn đồ cổ cũng phiêu bạt khắp nơi, lúc quay trở về quê tiền bạc chẳng ai bằng. Ông dẫn theo một cô vợ về, mà nghe nói cũng chẳng cưới xin gì, gặp nhau trong cõi giang hồ rồi bám riết lấy nhau. Ả từng là gái làng chơi nhưng gương mặt đẹp và hiền. Ả không sinh được con nên sống với nhau một thời gian thì ả bỏ đi. Ông Tâm lấy vợ mới, sinh được bốn người con cả thảy. Con cái ông đều đã trưởng thành, cả dân làng gạch này nhìn vào ông ngưỡng mộ. Họ bảo nhau sống như thế mới đáng sống chứ. Chỉ có mỗi ông Tâm mỗi khi nghe vậy đều cười ơ hờ. Cái điệu cười của ông nghe vừa bất nhẫn vừa vô hồn mà người ta hay gặp trên môi mắt người điên. Các con ông ít khi trở về làng, mà nếu có về cũng ra đi rất vội. Nghe nói chúng mua nhà dưới thành phố cả rồi. Tiền đâu mà lắm thế? Thì tiền của bố nó chứ ai. Có khi trong nhà vẫn còn giữ cả kho đồ cổ cũng nên. Ông Tâm nghe vậy chỉ cười ơ hờ, mắt ngập như sông.
Tết đến ông Tâm hay lang thang đi khắp các nhà. Ông không đến chúc tết mà hình như đến chỉ để xem người ta hạnh phúc. Gặp bữa là ông ngồi vào mâm, không ăn gì chỉ uống. Thấy trẻ con ông hay đòi bế, hôn hít vỗ về chúng một cách vụng về. Cũng có khi ông đến nhà người ta rồi nằm lăn ra ngủ. Tỉnh dậy ông cười hiền khô như một kẻ vừa đi mượn giấc mơ cổ tích. Ông thường nhớ khi các con còn bé, tết với ông khi ấy mới đầm ấm làm sao. Cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chăm hoa trước nhà, bổ củi sau bếp rồi ra vườn hái lá hương nhu đun nước tắm tất niên. Vợ ông biết vun vén gia đình nên cái tết vì thế mà tươm tất. Rồi những đứa con lớn lên, tham vọng kéo chúng xa rời tổ ấm. Ông đánh mất các con mình lúc nào không biết, chúng không còn thuộc về ông. Ma lực của đồng tiền biến thành ngọn lửa cháy trong mắt chúng. Nên khi phát hiện ra những món đồ cổ quý giá ông cất giấu, chúng đã lao vào cấu xé lẫn nhau. Không có cuộc ẩu đả nào, cũng không hề to tiếng với nhau một câu. Cuộc chiến thầm lặng mưu mô ấy được bao bọc bởi vẻ bình yên càng trở nên đáng sợ. Ngay cả người vợ vốn hiền lành của ông cũng bị đồng tiền làm mờ mắt. Ông kết thúc màn kịch gia đình bằng tiếng đổ vỡ giữa đêm khuya. Nghe nói ông đã tự tay đập vỡ hết từng ấy món đồ cổ. Nghe nói vợ ông vì tiếc của mà hóa điên bỏ đi đâu mất. Nghe nói kể từ đó các con ông không về nữa.
Những bước chân vay mượn đã đưa ông Tâm đến trước cửa nhà của ông bạn già lúc nào không hay. Gọi là nhà nhưng chỉ là căn lều lá bà con dựng cho ông Ngổ. Nơi này nhìn ra sông, gió thổi u u suốt bốn mùa. Tết trong căn lều không có gì ngoài cặp bánh chưng treo lủng lẳng trên mái hiên, lọ dưa hành muối vừa kịp chua và ít thịt đã được ướp thính trong vại sành. Đó đều là tấm lòng của bà con lối xóm san sẻ cho ông Ngổ. Ông Tâm góp tết với bạn bằng chai rượu quê. Gì chứ thứ này bao nhiêu cũng quý. Nhấc mấy vó tôm ngoài sông lên là ông Ngổ đã có món ngon đãi bạn. Giờ hai ông bạn già ngồi lại bên nhau, ngó ra sông mênh mông một màu khói nước. Họ thường ngồi im lặng bên nhau như thế suốt nhiều năm qua. Họ trò chuyện với nhau trong độc thoại. Hình như càng về già con người ta càng trầm lắng, thấy mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa. Đêm mùa xuân yên tĩnh quá, tưởng như có thể nghe thấy từng hơi thở. Tiếng sóng vỗ bờ hay tiếng cá quẫy dưới đáy sông mà nghe lòng xao động. Đám thanh niên chắc cũng đã vui thú mệt nhoài nên chìm vào giấc mộng. Chỉ thỉnh thoảng văng vẳng xa xăm vài tiếng chó sủa trong làng. Hai ông bạn già, người thì ngả lưng xuống chiếu, người tựa cột nhà ca bài vọng cổ lượm nhặt trong quãng đời phiêu bạt. Thoảng trong gió xuân là mùi của ruộng đồng và cỏ cây đang mùa chồi lộc. Bầu không khí này khiến người ta cứ muốn ngồi tận hưởng mãi trong đêm...l
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.